Kiến nghị chính sách ưu đãi nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

06:47, 14/07/2024

Xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực nữ, là một trong những vấn đề quan trọng và cần có chiến lược lâu dài. Vì vậy, Nghị quyết số 43-NQ/TW, ngày 24-11-2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã đặt ra yêu cầu cụ thể đối với nhiệm vụ chăm lo, xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới: “Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ”.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị trực tuyến Thủ tướng Chính phủ đối thoại với phụ nữ Việt Nam với chủ đề: “Thúc đẩy bình đẳng giới và phát huy vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội”
• CHỦ TRƯƠNG, CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC, TRONG ĐÓ CÓ NGUỒN NHÂN LỰC NỮ CỦA VIỆT NAM

Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là vấn đề được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, thể hiện qua chủ trương, đường lối của Đảng, được cụ thể hóa thành chính sách và quy định của pháp luật. Đảng đã sớm có chủ trương đúng đắn về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là từ Đại hội XI (năm 2011) đến nay. Đến Đại hội XIII (năm 2021), quan điểm về phát triển nguồn nhân lực tiếp tục được kế thừa với tư duy sáng tạo, đột phá: “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài...”(1). Quan điểm này đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới của Đảng ta không chỉ trong việc phát triển nguồn nhân lực nói chung, mà còn chú trọng tới việc thu hút, trọng dụng nhân tài, ưu đãi nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng.

Chủ trương, đường lối của Đảng nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nhân lực nữ, được cụ thể hóa qua nhiều văn bản luật pháp, như: Luật Bình đẳng giới năm 2006 là văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm bình đẳng giới ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực lao động và lĩnh vực chính trị; Quyết định số 579/QĐ-TTg, ngày 19-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ, “phê duyệt Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020”; Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28-4-2011, của Thủ tướng Chính phủ, “phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030”; Nghị định số 140/2017/NĐ-CP, ngày 5-12-2017, của Chính phủ, “về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ”; Quyết định số 899/QĐ-TTg, ngày 31-7-2023, của Thủ tướng Chính phủ, “phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”...

Đối với công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ tham gia hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản, trong đó xác định rõ mục tiêu, chỉ tiêu về cán bộ nữ, như Nghị quyết số 11/NQ-TW, ngày 27-4-2007, của Bộ Chính trị, “về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, xác định nguyên tắc và đề ra chỉ tiêu: Thực hiện nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, đề bạt và bổ nhiệm cán bộ; phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Bộ Chính trị khóa XII, “về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, xác định chỉ tiêu: Đến năm 2030 phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20% - 25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 30-5-2019, của Bộ Chính trị, “về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng” xác định chỉ tiêu: Phấn đấu đạt tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ. Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27-12-2021, của Ban Chấp hành Trung ương, “về công tác quy hoạch cán bộ” quy định: Phấn đấu cơ cấu, tỷ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng cán bộ nữ từ 25% trở lên. Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: Bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là phụ nữ. Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14, ngày 11-1-2021, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, “hướng dẫn việc xác định dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2025” xác định: Phấn đấu tỷ lệ phụ nữ trúng cử khoảng 30% tổng số đại biểu hội đồng nhân dân. Quyết định số 2282/QĐ-TTg, ngày 31-12-2020, phê duyệt Chương trình “Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021 - 2030”, đề ra một số chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75%, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp đạt ít nhất 40% vào năm 2025 và đạt 50% vào năm 2030. Tỷ lệ cán bộ nữ trong diện quy hoạch chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt 75% vào năm 2025 và đạt 90% vào năm 2030. Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030(2) nhắc lại chỉ tiêu: Đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Các văn bản trên là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực nữ ở Việt Nam hiện nay.

Thực hiện nghiên cứu, lai tạo giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tại đơn vị thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam
Thực hiện nghiên cứu, lai tạo giống hoa lan bằng phương pháp nuôi cấy mô tại đơn vị thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam

• THỰC TRẠNG NGUỒN NHÂN LỰC NỮ CỦA VIỆT NAM HIỆN NAY

Trong những năm qua, nguồn nhân lực nói chung của nước ta đã và đang dần tăng cả về quy mô và chất lượng, trong đó, phụ nữ là nguồn nhân lực quan trọng, đã và đang tham gia ngày càng nhiều vào tất cả lĩnh vực của đời sống xã hội, có nhiều đóng góp đặc biệt trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Theo số liệu công bố mới nhất của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước năm 2023 đạt 52,4 triệu người, cao hơn 666,5 nghìn người so với năm 2022, trong đó lực lượng lao động nữ chiếm 46,7%; tỷ lệ lao động nói chung qua đào tạo có bằng, chứng chỉ chiếm 27%, tăng 0,6% so với năm 2022. Theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), tỷ lệ phụ nữ trong độ tuổi lao động tham gia vào lực lượng lao động của nước ta luôn ở mức cao hơn so với trung bình thế giới, đạt trên 70% (năm 2022, do ảnh hưởng, tác động của dịch COVID-19, tỷ lệ này giảm xuống còn 61,6%). Cùng với sự tăng lên về số lượng, nhân lực chất lượng cao của nước ta cũng tăng đáng kể, trong đó có một số ngành đạt trình độ khu vực và quốc tế, như y tế, cơ khí, công nghệ, xây dựng...

Lực lượng nữ trí thức ngày càng đông đảo, chiếm 42% tổng số trí thức của cả nước và có nhiều đóng góp quan trọng trong mọi mặt của đời sống xã hội, nhiều người trong số họ có chức danh, học vị cao. Theo danh sách được công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư của Hội đồng Giáo sư Nhà nước, giai đoạn 2019 - 2023, trong tổng số 2.059 người được công nhận chức danh, có 534 giáo sư và phó giáo sư là nữ, chiếm tỷ lệ 26%. Trong nghiên cứu khoa học, nhiều nữ trí thức đã làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu cấp quốc gia hoặc các nhiệm vụ thuộc các chương trình trọng điểm cấp quốc gia với kết quả đầu ra có tính khoa học và ứng dụng cao, được xã hội ghi nhận.

Trong hệ thống chính trị, nguồn nhân lực nữ chất lượng cao là một phần quan trọng trong lực lượng tham mưu cho Đảng, Nhà nước hoạch định chiến lược, kế hoạch, giải pháp xây dựng, phát triển đất nước và là lực lượng lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các chiến lược, kế hoạch, giải pháp đó. Đây là đội ngũ đại diện cho lực lượng lao động nữ trong cả nước, đã và đang đảm nhiệm các vị trí lãnh đạo quan trọng và có những đóng góp tích cực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển địa phương, đất nước, cụ thể:

Trong khối cơ quan Đảng: Đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỷ lệ nữ tham gia Bộ Chính trị là 5,6%, tỷ lệ nữ trong Ban Bí thư là 18,2%, tỷ lệ nữ trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chiếm 9,5%. Tỷ lệ nữ cấp ủy ở 3 cấp địa phương đều tăng so với nhiệm kỳ trước, đạt và vượt chỉ tiêu 15%(3). Nữ bí thư, phó bí thư ở cả 3 cấp cũng tăng với 14,3% bí thư tỉnh ủy là nữ; 11,4% phó bí thư tỉnh ủy/thành ủy là nữ; nữ chủ chốt cấp ủy cấp huyện chiếm khoảng 10% và cấp xã là hơn 10(4). Trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cũng cao hơn so với nhiệm kỳ trước, với 100% nữ cấp ủy cấp tỉnh có trình độ chuyên môn đại học trở lên và có trình độ lý luận chính trị cao cấp, cử nhân; ở cấp huyện, tỷ lệ này là 99,7% và 90,2%; cấp cơ sở là 85,9% và 91,2%.

Trong khối cơ quan dân cử và chính quyền các cấp: Tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều cao hơn nhiệm kỳ trước, trong đó tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt và vượt chỉ tiêu 30% - cao nhất kể từ Quốc hội khóa VI trở lại đây và là lần thứ hai trong 15 khóa Quốc hội đạt trên 30%. Trong số 151 nữ đại biểu khóa XV, có 120 nữ đại biểu có trình độ chuyên môn trên đại học (chiếm 79,5%) và 137 nữ đại biểu có trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân chính trị (chiếm 90,73%), cao hơn so với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân 3 cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 đều đạt 29%(5), gần đạt chỉ tiêu 30(6). Về trình độ: nữ đại biểu hội đồng nhân dân cả 3 cấp đều có trình độ chuyên môn và lý luận chính trị cao hơn so với nhiệm kỳ trước; trong đó, gần 100% nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trình độ chuyên môn đại học trở lên, đối với cấp xã, tỷ lệ này là 61,92%; 95,44% nữ đại biểu cấp tỉnh và 96,95% nữ đại biểu cấp huyện có trình độ từ trung cấp lý luận chính trị trở lên; ở cấp xã tỷ lệ này là 71,24%.

Đối với nữ lãnh đạo chủ chốt các bộ, ngành Trung ương và địa phương, theo Báo cáo của Bộ Nội vụ(7), trong tổng số 30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, có 4 nữ bộ trưởng, chiếm 13,34%, 12/108 thứ trưởng và tương đương là nữ, chiếm 11,12% (tăng 8 người so với năm 2022); 2/15 tổng cục trưởng là nữ, chiếm 13,33% và 7/48 phó tổng cục trưởng là nữ, chiếm 14,6%. Có 77/765 cục trưởng, vụ trưởng và tương đương là nữ, đạt 10,06% (tăng 72 người so với năm 2022); 437 trong tổng số 1.874 phó cục trưởng, phó vụ trưởng và tương đương là nữ, đạt 23,3% (tăng 364 người so với năm 2022). Đối với các cấp địa phương: có 4.279/30.686 chủ tịch, phó chủ tịch ủy ban nhân dân các cấp là nữ, đạt 13,9% (tăng 4.243 người so với năm 2022); 780/5.025 giám đốc, phó giám đốc sở và tương đương là nữ, đạt 15,5% (giảm 795 người so với năm 2022); 12.864 nữ/44.821 trưởng phòng, phó trưởng các phòng chuyên môn và tương đương, đạt 28,7% (tăng 8.028 người so với năm 2022). Nữ lãnh đạo, quản lý các cấp nói chung ngày càng trẻ hóa, có trình độ chuyên môn, lý luận cao hơn, cơ bản đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ công tác và khẳng định vị thế của mình trong công cuộc xây dựng, phát triển địa phương, đất nước.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực nói chung, nhân lực nữ nói riêng, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao ở nước ta còn hạn chế, trong nhiều trường hợp, lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, mặc dù nguồn lao động nữ dồi dào và tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động cao, nhưng tỷ lệ nữ qua đào tạo chỉ chiếm hơn 20%. Tình hình phụ nữ tham chính cơ bản đã có sự chuyển biến tích cực, song ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, nhiều địa phương vẫn vắng bóng nhà lãnh đạo nữ. Tỷ lệ thành viên nữ lãnh đạo trong Quốc hội, Chính phủ còn thấp, vẫn còn địa phương không có nữ đại biểu Quốc hội(8), còn cơ sở không có cấp ủy viên là nữ, tỷ lệ nữ đại biểu hội đồng nhân dân một số địa phương chưa đạt 20%(9), nữ chủ yếu đảm nhận vị trí cấp phó, giúp việc cho cấp trưởng là nam giới. Nữ trí thức chưa được bố trí, sử dụng hợp lý, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng với đóng góp của họ. Khung chính sách, luật pháp về vai trò, vị thế của nữ trí thức trong sự phát triển bền vững chưa được thể hiện rõ nét. Hoạt động đào tạo nguồn nhân lực nữ chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa tạo được môi trường thuận lợi để phát huy sức sáng tạo, thu hút nhân tài... Bên cạnh đó, phụ nữ vẫn phải đối mặt nhiều thách thức từ định kiến giới, do đó giải quyết hài hòa giữa sự nghiệp và gia đình luôn là “bài toán” khó đối với phụ nữ.

Với hệ thống quy định, chính sách, luật pháp ngày càng đầy đủ và hoàn thiện, chất lượng nguồn nhân lực của nước ta đã từng bước được cải thiện; lực lượng lao động nữ với quy mô tương đối lớn, cơ cấu đa dạng, có mặt ở hầu hết ngành, nghề, lĩnh vực trong nền kinh tế; một số ngành, lao động nữ chiếm số đông, đội ngũ cán bộ nữ có bước trưởng thành. Tuy nhiên, việc xây dựng, phát triển và thực hiện chính sách đối với nguồn nhân lực nữ chất lượng cao hiện nay vẫn còn những hạn chế: 

- Chính sách phát triển nguồn nhân lực nữ của nhiều ngành, địa phương mới chỉ đề cập theo vùng, miền, ngành, nghề, lĩnh vực mà chưa có quy định đặc thù cho phụ nữ, làm hạn chế cơ hội việc làm, thậm chí khiến phụ nữ dễ mất việc làm, thu nhập thấp hơn thu nhập bình quân chung của xã hội và chịu nhiều thiệt thòi trong việc thụ hưởng các chính sách xã hội. Bên cạnh đó, các chính sách này chưa được thực hiện một cách đồng bộ, còn tùy thuộc vào khả năng, điều kiện và sự quan tâm của người đứng đầu từng bộ, ngành, địa phương.

Các quy định về thu hút, trọng dụng nhân tài chủ yếu mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể hoặc được quy định riêng lẻ trong văn bản của các bộ, ngành, địa phương; nội dung các quy định chủ yếu mới chỉ đề cập đến ưu tiên, ưu đãi ở khâu đầu vào, như thực hiện xét tuyển đối với sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc và cán bộ khoa học trẻ, chế độ phụ cấp đối với đối tượng này mà chưa quy định cụ thể các nội dung quan trọng khác, như cách thức sử dụng, phát huy trí tuệ, sở trường của người tài, tạo môi trường làm việc phù hợp để giữ chân họ... dẫn đến tình trạng người tài sau khi được thu hút, tuyển dụng có tâm lý muốn nghỉ việc, chuyển việc.

- Công tác quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nhất là quy hoạch nhân lực nữ của ngành, địa phương còn hạn chế, thiếu biện pháp cụ thể để triển khai hiệu quả. Việc thực hiện các chỉ tiêu về cán bộ nữ cũng như khai thác tối đa tiềm năng của nguồn lao động nữ chất lượng cao ở nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

- Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nói chung, trong đó có nhân lực nữ nói riêng chưa toàn diện, chưa theo kịp xu thế và yêu cầu thực tiễn. Tỷ lệ nữ tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhìn chung còn thấp, nhưng các cơ quan chức năng chưa có giải pháp kịp thời, hiệu quả; chưa phát huy được hết thế mạnh của lực lượng phụ nữ thuộc nhóm “dẫn dắt”, như nữ quản lý, lãnh đạo, nữ doanh nhân, nữ trí thức... 

MỘT SỐ KIẾN NGHỊ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI NGUỒN NHÂN LỰC NỮ CHẤT LƯỢNG CAO

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật nhằm khuyến khích, động viên, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn nhân lực nữ chất lượng cao phát huy tiềm năng, thế mạnh, đóng góp cho địa phương, đất nước

Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm xây dựng, tổ chức thực hiện chủ trương, chính sách về phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao, chú trọng nâng cao cả về thể lực và trí lực cho nguồn lao động nữ; nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, chế độ đãi ngộ hợp lý, bảo đảm tái tạo sức lao động và nâng cao mức sống của người lao động nữ; đặc biệt là chỉ đạo thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, góp phần xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có nguồn nhân lực nữ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới.

Các bộ, ngành, địa phương quan tâm xây dựng, tạo môi trường làm việc có tính đến các đặc thù của phụ nữ để tạo điều kiện cho họ phát huy hết tài năng, trí tuệ, cống hiến cho sự phát triển của cơ quan, đơn vị, địa phương, đất nước. Quan tâm đào tạo, bố trí và sử dụng nhân tài phù hợp với năng lực, sở trường để tạo động lực thúc đẩy họ không ngừng lao động sáng tạo, cống hiến cho địa phương, cơ quan, đơn vị. Nghiên cứu cơ chế áp dụng đối với nhân tài về đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, bầu cử không phụ thuộc vào thâm niên, thời gian công tác, độ tuổi, vùng, miền.

Quan tâm chính sách đối với cán bộ nữ tham gia các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tạo điều kiện cho các nhà khoa học nữ tham gia thông qua việc quy định một tỷ lệ nữ nhất định trong số những người đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn để giao nhiệm vụ. Ngoài ra, khi vinh danh, khen thưởng người làm khoa học thì nghiên cứu xây dựng tiêu chuẩn có tính đến yếu tố giới, hoặc tăng cơ cấu giải thưởng dành cho cán bộ khoa học nữ, vì để đạt được cùng một thành tích, phụ nữ cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn so với nam giới.

Các cấp, ngành, địa phương quan tâm ban hành chính sách đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài hợp lý, tránh tình trạng “chảy máu chất xám”. Ngoài ra, chú trọng đến chính sách phân bổ nguồn lực chất lượng cao cho các vùng, miền, địa phương có điều kiện khó khăn nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền. Đổi mới chương trình, nội dung và cách thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực cho nguồn nhân lực nữ; xây dựng các chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đặc thù cho người lao động nữ đạt chuẩn quốc gia, khu vực, quốc tế ở các trình độ; chú trọng việc cập nhật kiến thức, kỹ thuật, công nghệ mới; phát triển chương trình đào tạo, hình thức tổ chức đào tạo linh hoạt theo yêu cầu của người học: đào tạo trực tuyến, đào tạo tại chỗ, tăng cường hướng dẫn, kèm cặp, vừa làm, vừa học...; chú trọng phát triển các chương trình và hình thức đào tạo, bồi dưỡng phù hợp cho các nhóm phụ nữ đặc thù.

Hai là, tiếp tục thực hiện chính sách, giải pháp thúc đẩy phụ nữ tham gia ngày càng nhiều hơn vào quản lý nhà nước và xã hội

Một trong những vấn đề mấu chốt dẫn đến một số bất cập về cơ hội tham gia quản lý nhà nước và xã hội của phụ nữ so với nam giới là sự chênh lệch về tuổi nghỉ hưu. Hiện nay, khoảng cách tuổi nghỉ hưu của nam và nữ đã dần được thu hẹp, nhưng đến năm 2035 vẫn chênh nhau hai năm, trong khi tiêu chuẩn, điều kiện quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nam và nữ hiện nay vẫn như nhau. Vì thế, với quy định hiện hành, nữ giới sẽ bị hạn chế cơ hội hơn so với nam giới do nghỉ hưu trước. Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực do cán bộ nữ phải nghỉ chế độ khi đang trong độ tuổi chín về kiến thức, kỹ năng và dày dặn về kinh nghiệm công tác. Với quy định về tuổi nghỉ hưu của nam và nữ như hiện nay, cần nghiên cứu điều chỉnh các điều kiện, tiêu chuẩn quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ nữ phải tính đến đặc thù về tuổi nghỉ hưu để cán bộ nữ không bị thiệt thòi và không bị lãng phí nguồn nhân lực. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, hoặc trong quá trình luân chuyển công tác (thực tiễn cho thấy, hiện nay có rất ít bộ, ngành, địa phương có chính sách riêng hỗ trợ, khuyến khích nữ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng hay luân chuyển).

Các cấp ủy, nhất là người đứng đầu quan tâm, bảo đảm tỷ lệ nữ trong đào tạo, quy hoạch đặc biệt là cán bộ nữ trẻ, cán bộ nữ người dân tộc thiểu số; có chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho cán bộ nữ rèn luyện gắn với quy hoạch để tạo nguồn nhân sự nữ chất lượng cao, chuẩn bị cho đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026 - 2031. Quan tâm kiện toàn, bổ sung cấp ủy kịp thời, đặc biệt là ở những địa phương, đơn vị chưa đạt chỉ tiêu cán bộ nữ cấp ủy và chưa có nữ trong ban thường vụ; chú trọng bố trí, sắp xếp, luân chuyển cán bộ nữ đủ tiêu chuẩn vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là các vị trí chủ chốt còn khuyết. Chú trọng tạo nguồn ngay từ lúc tuyển dụng, có chính sách thu hút đối với nữ sinh viên xuất sắc để tạo nguồn cán bộ nữ. Quan tâm phát triển đảng viên nữ ở các vùng đồng bào theo đạo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới, hải đảo; đồng thời củng cố, nâng cao chất lượng cũng như phát huy vai trò của đội ngũ đảng viên nữ tại địa bàn.

Ba là, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong xây dựng và tổ chức thực hiện tốt chính sách ưu đãi đối với nguồn nhân lực nữ chất lượng cao

Các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu, cần nhận thức rõ vai trò, tầm quan trọng của nguồn nhân lực nữ chất lượng cao đối với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới và có biện pháp, giải pháp cụ thể để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực nữ.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về vai trò, vị trí, khả năng đóng góp của phụ nữ bởi định kiến xã hội luôn là rào cản lớn đối với sự phấn đấu, phát triển của phụ nữ. Những quan điểm, nhìn nhận chưa đúng về khả năng của nữ giới là một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ, sự tham gia và ảnh hưởng của nữ lãnh đạo, quản lý từ cấp Trung ương đến địa phương còn hạn chế. Gánh nặng công việc gia đình cũng như thiếu sự hỗ trợ và thấu hiểu từ người thân cũng gây trở ngại đối với phụ nữ trong quá trình thăng tiến và phát triển sự nghiệp. Sự thiếu niềm tin đối với phụ nữ trong hoạt động nghiên cứu khoa học cũng góp phần tạo ra khoảng cách giới trong hoạt động trí tuệ, sáng tạo giữa trí thức nữ và trí thức nam, tác động trực tiếp đến sự phát triển đội ngũ trí thức nữ. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ cũng chưa vượt qua được chính mình, chưa tự tin để phấn đấu, phát triển sự nghiệp. Vì vậy, cần tuyên truyền để nâng cao vị thế cho người phụ nữ cũng như giúp họ vượt qua được những rào cản.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách đối với nguồn nhân lực chất lượng cao

Để đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước được hiện thực hóa, thực thi hiệu quả trong đời sống thì công tác kiểm tra, giám sát rất quan trọng. Trên cơ sở đó, phát hiện những bất cập, những điểm chưa phù hợp, chưa làm tốt, “khoảng trống” giữa quy định và hiện thực để có biện pháp điều chỉnh kịp thời. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường kiểm tra cấp dưới và lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, bảo đảm thực hiện tốt quy định của pháp luật về xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao và các chỉ tiêu về cán bộ nữ. Xây dựng cơ chế khuyến khích, khen thưởng kịp thời, đồng thời phê bình, nhắc nhở đối với tập thể, cá nhân chưa quan tâm đúng mức, chưa nhận thức đầy đủ về vấn đề này, thông qua công tác kiểm tra, giám sát.

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, t. 1, tr. 203 - 204
(2) Ban hành kèm theo Nghị quyết số 28/NQ-CP, ngày 3-3-2021, của Chính phủ
(3) Cấp tỉnh đạt 15,7% (tăng 2,4%), cấp huyện 17% (tăng 2,7%), cấp cơ sở 20,8% (tăng 1,1%)
(4) Nữ bí thư cấp xã là 11,4% và nữ phó bí thư là 14,8%
(5) Cụ thể: nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 29% (cao hơn 2,44% so với nhiệm kỳ trước), cấp huyện đạt 29,08%, (cao hơn 1,58%); cấp xã đạt 28,98% (cao hơn 2,39%)
(6) Theo Nghị quyết số 1187/NQ-UBTVQH14, ngày 11-1-2021, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
(7) Báo cáo số 952/BC-BNV, ngày 26-2-2024, về việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới năm 2023
(8) Thành phố Hải Phòng, tỉnh Cà Mau
(9) Tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Long An và tỉnh An Giang

(Theo tapchicongsan.org.vn)