Lâm Đồng: Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ nhưng còn nhiều thách thức

NGUYỄN NGHĨA 14:05, 29/07/2024

(LĐ online) - 7 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội tỉnh Lâm Đồng tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số khó khăn, thách thức. Đây là nội dung chính được nêu ra tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ, giải pháp tháng 8 vào sáng nay (29/7).

Các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp (đứng giữa), Phạm S (bên trái) và Nguyễn Ngọc Phúc chủ trì hội nghị

ĐIỂM SÁNG ĐÁNG CHÚ Ý

Một trong những điểm sáng theo như báo cáo tại hội nghị là tình hình thu ngân sách nhà nước. Ước tính đến cuối tháng 7, tổng thu ngân sách nhà nước của tỉnh Lâm Đồng đạt 7.915 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu từ đất, nhà tăng 56,8% so với cùng kỳ, cho thấy dấu hiệu đang dần phục hồi của thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, các lĩnh vực như công nghiệp, thương mại, du lịch dịch vụ cũng đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ. Công tác giải ngân các Chương trình mục tiêu quốc gia đạt kết quả khá tốt, góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là các hộ nghèo.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh dự hội nghị

Đến nay, toàn tỉnh có 109/111 xã (98,2%) nông thôn mới; trong đó: 41 xã nông thôn mới nâng cao và 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu; 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà); 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tổng vốn đầu tư thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững năm 2024 là 4,52 tỷ đồng. Kết quả giải ngân đến nay đã giải ngân toàn bộ 4,52 tỷ đồng, kế hoạch vốn đạt 100% (ngân sách tỉnh: 590 triệu đồng/590 triệu đồng, ngân sách Trung ương: 3,930 tỷ đồng/3,930 tỷ đồng).

NHỮNG THÁCH THỨC CÒN TỒN TẠI

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Lâm Đồng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn. Điển hình là tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, gây thiệt hại về người và tài sản diễn ra trong tháng 7/2024 với một số vụ sạt lở gây chết người trên địa bàn huyện Đam Rông và một số vụ sạt lở, ngập úng cục bộ ở một số địa phương. 

Quang cảnh hội nghị tại đầu cầu hội trường UBND tỉnh

Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra, chỉ đạt 21% kế hoạch. Công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều bất cập, tình trạng phá rừng gia tăng, công tác đảm bảo an toàn giao thông cũng còn những diễn biến phức tạp.

Đồng chí Tôn Thiện San - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Ước đến hết tháng 7/2024, số vốn đã giải ngân 1.674 tỷ đồng/7.983,966 tỷ đồng, đạt 21% kế hoạch (thấp hơn cùng kỳ 6,1% kế hoạch). Công tác thu hút đầu tư, nhất là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chuyển biến chậm. 

Lãnh đạo Cục Thuế báo cáo tình hình thu thuế, phí

Cụ thể, báo cáo tại hội nghị cho biết, trong tháng 7/2024, không có dự án đầu tư cấp mới, thu hồi; có 5 dự án được điều chỉnh (mục tiêu, tiến độ, tổng vốn đầu tư và điều chỉnh khác) với tổng vốn điều chỉnh tăng 105,5 tỷ đồng; chấm dứt 1 phần hoạt động của 1 dự án đầu tư. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2024, có 1 dự án đầu tư cấp mới với tổng vốn đăng ký đạt 35 tỷ đồng, quy mô diện tích đạt 0,65 ha; có 22 dự án điều chỉnh nội dung dự án đầu tư, trong đó tổng vốn đầu tư điều chỉnh tăng 3.870,5 tỷ đồng, tổng quy mô diện tích tăng 1,36 ha; thu hồi, chấm dứt hoạt động 5 dự án đầu tư và chấm dứt một phần hoạt động của 4 dự án đầu tư.

NHIỀU GIẢI PHÁP ĐƯỢC ĐƯA RA

Để khắc phục những khó khăn và tận dụng các cơ hội, hội nghị đã dành nhiều thời giản để sở, ngành, địa phương báo cáo và kiến nghị những vấn đề vướng mắc đang gặp phải. Từ các ý kiến này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã đề ra nhiều giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ phục hồi kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển ổn định.

Theo đó, kết luận Hội nghị, đồng chí Võ Ngọc Hiệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ, nêu cao tinh thần kỷ cương, nêu gương, trách nhiệm, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm như: Thực hiện có kết quả và đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đêm; tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy nhanh tiến độ, tốc độ đầu tư công; chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm công tác kiểm tra giám sát, phòng chống tham nhũng tiêu cực và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Võ Ngọc Hiệp phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 

Đồng chí Võ Ngọc Hiệp yêu cầu các sở, ngành và địa phương bám sát nhiệm vụ và thể hiện tinh thần kỷ cương, trách nhiệm và nêu gương. “Các ngành và đơn vị cần phải thiết lập giải pháp cụ thể và kế hoạch chi tiết để thực hiện các nhiệm vụ tập trung vào các nhiệm vụ quan trọng sau: Phục hồi kinh tế; thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, và kinh tế đêm một cách có kết quả; hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách giải quyết các khó khăn, đẩy nhanh tiến độ và tốc độ đầu tư công; đảm bảo thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, phòng chống tham nhũng và giải quyết khiếu nại, tố cáo; duy trì và củng cố quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội…”.

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại đầu cầu UBND tỉnh 

Đồng chí Võ Ngọc Hiệp cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương tập trung vào việc thực hiện các giải pháp chính, trong đó đề cao trách nhiệm và phối hợp có hiệu quả giữa các sở, ngành và địa phương trong việc tháo gỡ khó khăn phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. 

Trong lĩnh vực sản xuất nông lâm, đồng chí chỉ đạo cần tập trung vào việc chuyển đổi từ sản xuất chiều rộng sang chiều sâu và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đẩy mạnh các dự án đầu tư công quan trọng đang gặp trở ngại; hiệu quả hóa các chương trình mục tiêu quốc gia và thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến; triển khai các kế hoạch thu hút đầu tư vào các lĩnh vực; giải quyết các khó khăn trong lĩnh vực bất động sản và xây dựng nhà ở xã hội; tăng cường kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự xây dựng; tiếp tục triển khai quy hoạch tỉnh một cách cụ thể; rà soát và hoàn thiện các quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch về khoáng sản, sớm tham mưu, đề xuất xử lý khó khăn trong triển khai các loại quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch khoáng sản và triển khai có hiệu quả công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão.