Nâng cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên - động lực cho Lâm Đồng phát triển

LƯƠNG VĂN MỪNG 06:51, 30/07/2024

Trách nhiệm là một trong những phẩm chất đạo đức ưu tú của con người, là sự kết tinh từ truyền thống tốt đẹp hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, là một trong những giá trị cơ bản, chủ yếu, cốt lõi trong hệ giá trị con người Việt Nam. Ý thức trách nhiệm, tinh thần trách nhiệm, hành động trách nhiệm là nhân tố có tính quyết định trong hoạt động thực tiễn của con người. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn quan tâm đến vấn đề trách nhiệm, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trách nhiệm trở thành tiêu chí đánh giá, là chuẩn mực đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên đồng thời là một động lực cho sự phát triển đất nước.

Nhằm hiện thực hóa khát vọng và tầm nhìn xây dựng một nước Việt Nam phát triển, phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành nhiều văn bản, quy định cụ thể về trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Mới đây, ngày 9/5/2024, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Đối với tỉnh Lâm Đồng, ngày 20/4/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 34-CT/TU về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Đặc biệt vừa qua, tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị công bố Quyết định của của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống. Để hiện thực hóa được tầm nhìn đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần phải nhận thức đầy đủ và sâu sắc về trách nhiệm đối với sự phát triển của địa phương Lâm Đồng. Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, một số cán bộ, đảng viên vẫn có biểu hiện “sợ trách nhiệm”, nhất là trong thực thi công vụ, như Chỉ thị 34-CT/TU đã đánh giá “có tình trạng né tránh, đùn đẩy, tâm lý e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám làm”. 

Vậy, làm sao để mỗi cán bộ, đảng viên có thể tự nhận thấy trách nhiệm, thì ngoài việc thực hiện nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và đặc biệt là Quy định 144-QĐ/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 34-CT/TU của Tỉnh ủy, thì cần phải thấu suốt về bản chất và có hiện thực về 2 từ “trách nhiệm”. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”. Tức là ở bất cứ thời kỳ nào, mỗi người đều giữ một vị trí, vai trò nhất định dù là trong gia đình, dòng họ hay ở cơ quan, đơn vị, tổ chức mà mình tham gia. Do vậy, phải có trách nhiệm đối với gia đình, dòng họ, với cơ quan, tổ chức, có trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp, xây dựng, phát triển quê hương, đất nước.

Như vậy, nhìn từ bản chất sâu xa thì trách nhiệm của một người được hiểu là sự tự ghi nhận sự tồn tại của bản thân người đó vì một lý do, bổn phận hoặc sứ mệnh nào đó đối với bản thân, gia đình, tổ chức và xã hội (hay còn gọi là 4 động lực sinh tồn). Trong cuộc sống thực tế, đa số chúng ta đều cảm nhận được trách nhiệm với chính bản thân và gia đình, thậm chí cả cuộc đời học tập, lao động, phấn đấu vì điều đó. Nhưng đối với động lực lớn hơn là tổ chức Đảng, đoàn thể, cơ quan, đơn vị, công ty, lớn hơn nữa là quốc gia, dân tộc, thì đa số con người lại cảm nhận rằng: nó to tát, vĩ đại quá, chắc là ngoài trách nhiệm, khả năng của mình... Thực tế lịch sử và xã hội đã chứng minh đa số con người rơi vào bối cảnh đặc biệt như: khi Tổ quốc bị lâm nguy, khi thi đấu các giải quốc tế,… thì cái động lực lớn nhất là vì quốc gia, dân tộc, vì màu cờ sắc áo mới được kích hoạt một cách sống động nhất và nó trở thành động lực vô cùng to lớn để những con người dù rất bình thường cũng trở lên phi thường. Nhưng thực tiễn cũng cho thấy, một con người trong hoàn cảnh bất kỳ nếu đặt trọng trách, niềm tin, lẽ sống hay tự nhận thấy vai trò, sứ mệnh vì sự phát triển của quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của Nhân dân và nhân loại mà tạo dựng giá trị xã hội, thì ngay lập tức họ có động lực phi thường để vượt qua mọi rào cản, huy động, thu hút được mọi tiềm lực xã hội, khơi dậy được mọi tiềm năng, trí tuệ trong con người họ để thực hiện cho được hoài bão, khát vọng nào đó. Vì chính mục tiêu tạo dựng giá trị xã hội đó sẽ quyết định tốc độ và hướng đi đúng đắn, phù hợp với pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội. Đồng thời họ trở thành những con người có phẩm chất đạo đức ưu tú, có năng lực kiệt xuất và sức cống hiến, gánh vác to lớn được xã hội tôn vinh, kính trọng, thậm chí được ghi danh vào lịch sử dân tộc.

Để làm được điều đó, mỗi con người cần xác định: dù bất cứ vai trò, vị trí nào cũng phải luôn ghi nhận và trân trọng bản thân, ghi nhận và trân trọng sự hiện diện, tính hữu dụng của con người của vạn vật. Từ đó luôn suy nghĩ và hành động dựa trên cả 4 động lực, đồng thời luôn đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên cao nhất, xem trách nhiệm là sự tri ân của bản thân với Tổ quốc, với Đảng, với quê hương, tri ân với các thế hệ cha ông đã kiến tạo ra cuộc sống cho chúng ta, tri ân gia đình, xã hội đã nuôi sống và giáo dục bản thân nên người. Đơn giản như việc làm nội trợ hay chăm sóc con cái của một người phụ nữ, việc phục vụ của một người nhân viên, hay tập thể dục của một cá nhân, cho đến vai trò của cán bộ, công chức, viên chức, người lãnh đạo, quản lý… Cũng đều dựa trên nguyên lý đó mà phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức trách nhiệm và hành động trách nhiệm. Riêng trong đời sống chính trị, pháp lý, thì mỗi cán bộ, đảng viên đã được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho một vai trò vô cùng to lớn đó chính là vinh dự, là sứ mệnh được phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, lấy độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc của Nhân dân làm lẽ sống cho bản thân mình. Nhưng nếu chúng ta chỉ biết đến vai trò mà không quan tâm đến tư cách thì không khác gì có bằng cấp mà không có năng lực, có danh mà không có thực. Vì vậy mỗi cán bộ, đảng viên cần không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện năng lực, phẩm chất, tư cách để xứng đáng với vị trí, vai trò của mình, dù ở bất cứ cương vị nào, vị trí nào trong hệ thống chính trị, sự tương xứng giữa tư cách và vai trò cũng chính là biểu hiện của trách nhiệm, vai trò nào thì trách nhiệm ấy, vai trò càng lớn thì trách nhiệm càng cao và tư cách càng phải rõ. 

Như vậy, việc phát huy trách nhiệm không phải là vấn đề khó, dù bất kỳ công việc gì, cương vị nào, ngành nghề nào, dù việc lớn, hay việc nhỏ cũng đều có thể phát huy được trách nhiệm cá nhân khi ghi nhận vai trò, trách nhiệm của bản thân trên cả 4 động lực sinh tồn. Thì ngay lập tức, người đó sẽ nhận được hiện thực của trách nhiệm, sống có trách nhiệm và tìm được lẽ sống, phát huy vô hạn tiềm năng của bản thân và đơn giản để nhận sự đồng thuận của xã hội. Một người sống càng có trách nhiệm, thì động lực càng lớn và cuộc sống càng có ý nghĩa, một gia đình sống có trách nhiệm thì gia đình hòa hợp hạnh phúc, một tổ chức sống có trách nhiệm thì tổ chức đó sẽ vững mạnh, một dân tộc mà mỗi công dân sống có trách nhiệm thì dân tộc đó sẽ phát triển vượt bậc và trường tồn.