Phát huy trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân

SONG HOÀNG 00:21, 08/07/2024

Những năm qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định số 11, ngày 18/2/2019 của Bộ Chính trị về “Trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các cấp ủy, tổ chức Đảng nhất là người đứng đầu về các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này, tạo chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện.

Để nâng cao nhận thức của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt để quán triệt và triển khai thực hiện Quy định số 11 đến các đồng chí Tỉnh ủy viên, bí thư các thành ủy, huyện ủy, đảng ủy, lãnh đạo các ban thuộc Tỉnh ủy và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh với 106 cán bộ, đảng viên tham gia. 

Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt Quy định số 11 đến các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc. Các cấp ủy trên địa bàn tỉnh đã tổ chức được 1.213 cuộc hội nghị, lớp tập huấn với trên 87.357 cán bộ, đảng viên tham gia học tập, quán triệt Quy định số 11 và phát hành 33.995 tài liệu, ấn phẩm. Thông qua việc phổ biến, quán triệt, lãnh đạo các cấp ủy và hầu hết cán bộ, đảng viên đã nâng cao nhận thức về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; qua đó, từng bước khắc phục những hạn chế, thiếu sót, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, quan liêu trong cán bộ, đảng viên.

Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm tổ chức thực hiện nội quy, quy chế tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân bằng việc ban hành Quyết định số 1659 về Quy chế tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy; giao Ban Nội chính Tỉnh ủy thực hiện nhiệm vụ theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc, giám sát việc triển khai thực hiện Quy định 11. 

Theo đó, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp tiếp công dân định kỳ vào ngày 5 hàng tháng tại trụ sở Tiếp công dân của tỉnh; tại buổi tiếp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết các khiếu nại, kiến nghị của công dân theo đúng quy định của pháp luật, góp phần hạn chế khiếu nại kéo dài, vượt cấp. Qua mỗi đợt tiếp công dân định kỳ đều ban hành thông báo kết quả tiếp công dân. 

Ban Thường vụ thành ủy, huyện ủy đều ban hành Quy chế tiếp công dân của đồng chí bí thư thành ủy, huyện ủy. Các cấp ủy, tổ chức Đảng đã thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong công tác tiếp công dân, đối thoại, xử lý, giải quyết những phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân. Các kiến nghị, phản ánh của công dân cơ bản được xử lý kịp thời; một số vụ việc phức tạp, kéo dài được giải quyết dứt điểm, tạo được sự đồng thuận của Nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Kết quả trong 5 năm qua, Bí thư Tỉnh ủy đã thực hiện 55 kỳ/566 lượt công dân được tiếp (trong đó có 9 đoàn đông người; 7 vụ việc phức tạp, kéo dài, không có vụ việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên).

Bí thư các thành ủy, huyện ủy đã thực hiện 1.565 kỳ/2.378 lượt công dân được tiếp (trong đó có 32 đoàn đông người; 20 vụ việc phức tạp, kéo dài, 8 vụ việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên).

Bí thư các xã, phường, thị trấn thực hiện 12.212 kỳ/6.129 lượt công dân được tiếp (trong đó có 13 đoàn đông người; 2 vụ việc phức tạp, kéo dài, 1 vụ việc phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo về biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên). Số cuộc tiếp công dân đột xuất của người đứng đầu cấp ủy các cấp: 748 kỳ/574 công dân. 

Thực tế cho thấy, nội dung khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài chủ yếu liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác xử lý, giải quyết đơn của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân.

Tổng số phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo mà Thường trực Tỉnh ủy đã tiếp nhận, xử lý trong 5 năm qua là 6.246 đơn (trong đó: khiếu nại 1.766 đơn, tố cáo 1.616 đơn, kiến nghị, phản ánh 2.864 đơn). Đã xử lý 6.242 đơn (trong đó, có ý kiến chỉ đạo xử lý 59 đơn, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 2.721 đơn, hướng dẫn, trả lời 492 đơn, lưu theo quy định 2.970 đơn); Tổng số phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo mà cấp ủy các cấp đã tiếp nhận, xử lý 2.274 đơn…

Có thể nói, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng tổ chức triển khai thực hiện Quy định số 11, người đứng đầu cấp ủy tổ chức tiếp công dân theo quy định; các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân được quan tâm chỉ đạo giải quyết. Đến nay, không có người đứng đầu cấp ủy vi phạm quy định về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân đến mức phải xử lý trách nhiệm. Các nội dung phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân đã được Bí thư Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý, giải quyết kịp thời. Đối với các cấp ủy cấp dưới, cơ bản đảm bảo thời hạn xử lý, giải quyết phản ánh, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cấp ủy theo quy định tại Điều 6 Quy định số 11 của Bộ Chính trị.