(LĐ online) - Sáng 12/7, sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu HĐND với các cơ quan quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp đã phát biểu tiếp thu ý kiến của đại biểu, các kiến nghị của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp tiếp thu ý kiến đại biểu, cử tri và giải trình nội dung thuộc thẩm quyền điều hành UBND tỉnh |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận những mặt còn yếu kém, hạn chế, thiếu sót và đi sâu phân tích kỹ, đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2024 và những vấn đề mới phát sinh...
Về kinh tế của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và khả năng, năng lực của tỉnh như về tốc độ tăng trưởng, thu hút đầu tư, cải cách hành chính, giải ngân vốn đầu tư công. Còn 12/18 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chưa đạt tiến độ so với kế hoạch đề ra; một số lĩnh vực có sự giảm sút so với kết quả đã đạt được trong những năm qua. Cụ thể, kinh tế tuy tăng trưởng (2,97%) nhưng thấp hơn nhiều so với bình quân cả nước (6,93%) và đứng thứ 58/63 tỉnh, thành phố, thứ 5/5 khu vực Tây Nguyên; thấp hơn so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2023 (5,07%).
Đại biểu nghe giải trình của Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đề ra nhiệm vụ giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 |
Tình hình hoạt động của doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn; hoạt động thu hút đầu tư đạt kết quả thấp. Việc quản lý, thu hút các dự án đầu tư phát triển khu đô thị, khu dân cư gặp nhiều khó khăn do quy hoạch các khu đô thị, dân cư chưa đảm bảo tính đồng bộ; chưa thu hút được nhiều dự án thuộc lĩnh vực thế mạnh của tỉnh như nông nghiệp, du lịch,… Nhiều dự án đầu tư chậm triển khai nhưng chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, chưa kiên quyết thu hồi, gây lãng phí nguồn lực; một số nhà đầu tư chưa chấp hành đúng quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng và quản lý bảo vệ rừng.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn rất thấp (chỉ đạt 15,4% kế hoạch); thấp hơn cùng kỳ 7,8%. Thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn khó khăn, chưa đạt mục tiêu đề ra; tính đến hết tháng 6/2024, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 6.942 tỷ đồng, bằng 49% dự toán địa phương, tăng 3,6% cùng kỳ, tuy nhiên một số khoản thu đạt thấp và giảm so với cùng kỳ như thu từ thuế, phí và lệ phí chỉ đạt 3.755 tỷ đồng, bằng 47% dự toán, giảm 11% cùng kỳ…
Công tác lập, thẩm định, trình phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị chậm và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong việc chồng lấn các quy hoạch; đặc biệt là việc triển khai Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 866/QĐ-TTg ngày 18/7/2023 gặp rất nhiều khó khăn và ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong đó, như báo cáo của Sở Xây dựng là Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Bảo Lâm đang phải tạm ngừng, chờ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Quá trình lập các đồ án quy hoạch xây dựng, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm,... gặp rất nhiều khó khăn do các vị trí khoanh ranh quy hoạch (khu thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản) là rất lớn, hầu như không còn quỹ đất để phát triển đô thị, khu dân cư. Các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khung và các dự án khác từ nguồn vốn đầu tư công hiện chưa triển khai được do chưa thu hồi khoáng sản trước khi triển khai đầu tư, xây dựng;… Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát, báo cáo đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương rà soát, tháo gỡ vướng mắc.
Công tác quản lý trật tự đô thị, trật tự xây dựng, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản còn lỏng lẻo, nhiều hạn chế. Tình trạng công trình xây dựng không phép, sai phép vẫn còn xảy ra. Hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng mặc dù đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo tháo gỡ nhưng nhìn chung tình hình vẫn rất khó khăn.
Cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng.
Các chỉ số cải cách hành chính (PAR-Index), chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh “giảm sâu” so với năm 2022 (PAR-Index năm 2023 đạt 86,02 điểm, xếp thứ 46 cả nước, giảm 31 bậc; PCI đạt xếp thứ 56/63 tỉnh, thành phố; giảm 39 bậc so với năm 2022).
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, ảnh hưởng đến chất lượng công tác chuyên môn, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; tình trạng đùn đẩy, né tránh, lòng vòng, sợ trách nhiệm, tham mưu nội dung chưa rõ, chưa đúng quy định còn nhiều.
Trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn một số yếu tố phức tạp; tình trạng tranh chấp, khiếu kiện về đất đai, liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số còn tiềm ẩn phức tạp. Số vụ tai nạn giao thông, số vụ cháy tăng so với cùng kỳ. Tình trạng đuối nước trẻ em mặc dù đã được chỉ đạo quyết liệt ngay từ đầu năm và hàng tháng nhưng chưa được ngăn chặn...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhận định, những tồn tại, hạn chế nêu trên có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu; mà trước hết là trách nhiệm thuộc về công tác quản lý nhà nước, điều hành của UBND tỉnh và việc tổ chức thực hiện của các sở, ngành, địa phương. Trong đó, chủ yếu do nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, giá cả nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức cao như các mặt hàng xăng dầu, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng,…; giá cả đầu ra một số sản phẩm nông nghiệp thiếu ổn định. Thời tiết diễn biến cực đoan, hạn hán kéo dài ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, ảnh hưởng đến sinh hoạt, hoạt động sản xuất của người dân, doanh nghiệp; thị trường bất động sản phục hồi chậm.
Tỷ lệ giải ngân kế hoạch đầu tư công đạt thấp do nhiều dự án được bố trí số vốn lớn nhưng chưa có khả năng giải ngân do vướng mắc thủ tục chuẩn bị đầu tư, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; một số dự án vướng mắc quy định về quy hoạch khoáng sản, vị trí đổ thải; thiếu mỏ vật liệu, mỏ đất đắp để phục vụ thi công; năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn còn yếu; một số dự án phải điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án do phát sinh khối lượng, công việc trong quá trình thực hiện nhưng chậm được giải quyết, tháo gỡ.
Công tác quy hoạch thiếu đồng bộ, vẫn còn tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động đầu tư của người dân và doanh nghiệp, chưa khơi thông được nguồn lực, gây khó khăn trong thu hút đầu tư.
Việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm; còn một số cán bộ, công chức vi phạm quy định, bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự; dẫn đến một số cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cấp, các ngành có tâm lý sợ trách nhiệm, không dám làm, “an phận thủ thường”; chưa chủ động, quyết liệt triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu, giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm dẫn đến chậm tham mưu hoặc nội dung tham mưu chung chung, không rõ ràng, gây trì trệ, giảm hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được phân công.
Dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức và cơ hội, thuận lợi đan xen, trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn. Vừa tiếp tục tập trung giải quyết những vấn đề phức tạp mới phát sinh, vừa phải xử lý, khắc phục các yếu kém, tồn đọng, khuyết điểm… Do đó, đòi hỏi UBND tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và các địa phương phải quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá để hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: Từng sở, ban, ngành, địa phương cần xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ phải tập trung chỉ đạo, đề ra giải pháp để triển khai thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2024. Xác định đúng, trúng các nhiệm vụ cốt lõi, quan trọng, cấp bách cần ưu tiên, từ đó tập trung mọi nguồn lực, quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả để thay đổi, tạo chuyển biến căn bản, tích cực tình hình ở địa phương, đơn vị. Qua đó, làm nổi bật lên tư duy đổi mới và sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo chính quyền các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương.
Chuẩn bị đầy đủ, chất lượng toàn bộ các nội dung, tài liệu, nhất là Báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030 để phục vụ Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2025-2030.
Chỉ đạo triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Tập trung rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Khẩn trương, quyết liệt thực hiện sớm việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 10/7/2023 và Nghị quyết số 29-NQ/TU ngày 24/5/2024 của Tỉnh ủy.
Quyết tâm tạo lập môi trường làm việc dân chủ, công bằng, đoàn kết, phát triển. Thể hiện tinh thần động viên, cổ vũ, khuyến khích cán bộ có ý chí, khát vọng, nỗ lực phấn đấu trong thực thi công vụ; tôn trọng, ghi nhận, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, làm vì lợi ích chung; công bằng, nghiêm minh trong đánh giá cán bộ, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật.
Tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng gắn với Quy hoạch vùng Tây Nguyên có hiệu quả, để Quy hoạch đi vào đời sống một cách thực chất. Kiến nghị Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khắc phục tình trạng quy hoạch chồng lấn, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội khi triển khai Quyết định số 866/QĐ-TTg, ngày 18/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ “về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Tập trung giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai công tác giải ngân vốn đầu tư công, thu ngân sách nhà nước. Đẩy mạnh triển khai các dự án, công trình trọng điểm, nhất là dự án: Hồ Ta Hoét, Đông Thanh, Ka Zam và đường cao tốc Tân Phú (Đồng Nai) - Bảo Lộc (Lâm Đồng) và Bảo Lộc - Liên Khương.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu tư; thúc đẩy phát triển công nghiệp. Khẩn trương rà soát các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư để xử lý đảm bảo việc triển khai hiệu quả, đúng cam kết, quy định.
Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giữ vững quốc phòng - an ninh, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội; tạo môi trường an toàn, ổn định để phát triển kinh tế - xã hội.
Chỉ đạo chủ động phòng, chống thiên tai, mưa lũ kéo dài, sạt lở đất ở các địa bàn, khu vực xung yếu, các tuyến đường đèo ra, vào địa bàn tỉnh; tăng cường cảnh báo, gia cố, xử lý, khắc phục kịp thời các tình huống xảy ra, đảm bảo cao nhất an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hoạt động sản xuất, giao thông; tăng cường công tác phòng, chống dịch, bệnh; quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng, phát triển rừng theo kế hoạch đề ra. Thực hiện tốt phương pháp phòng ngừa đuối nước trẻ em, phòng cháy chữa cháy…
Quan tâm thực hiện tốt công tác văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Tổ chức thành công Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X vào cuối năm 2024.
Thực hiện nghiêm công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giải quyết khiếu nại, tố cáo. Rà soát công tác quản lý, sử dụng tài sản công để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, quy định trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với Nhân dân; kịp thời giải quyết những vụ, việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Hiệp giải trình làm rõ thêm một số kiến nghị của cử tri, một số nội dung chất vấn của đại biểu và nhấn mạnh: Nhiệm vụ đặt ra trong 6 tháng còn lại năm 2024 là hết sức nặng nề, cần sự chung sức, đồng lòng của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh; đặc biệt là sự đoàn kết, ý thức, trách nhiệm của các thành viên, thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các địa phương và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong toàn tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng chúng ta sẽ khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức, tận dụng mọi cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra trong năm 2024, vì đây là năm tăng tốc, bứt phá và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin