Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất; là người tận trung với nước, tận hiếu với dân, tận hiến với dân tộc và nhân loại; là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng... Vậy điều gì đã tạo nên một nhân cách vĩ đại đó? Khi nghiên cứu về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chúng ta có thể thấy rõ một động lực vô cùng to lớn, thôi thúc từ bên trong, thúc đẩy Người vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đó chính là tình yêu thương của Bác đối với con người, đối với Nhân dân. Như nhà thơ Tố Hữu thể hiện bằng những câu thơ đầy cảm xúc: “Bác ơi! tim Bác mênh mông thế, ôm cả non sông mọi kiếp người”.
Bác Hồ đến thăm Trường mẫu giáo nội trú đầu tiên của quân đội tại Việt Bắc nhân dịp sinh nhật 19/5/1953. Nguồn: TTXVN |
Tình yêu thương con người là một phẩm chất trọng điểm của đạo đức xã hội và là giá trị văn hóa truyền thống cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Bất kỳ con người nào cũng có một tình yêu thương với nhiều khía cạnh, góc độ khác nhau, như: yêu thương gia đình, tình yêu đất nước, tình yêu đôi lứa, tình cảm bạn bè... Dù là tình cảm gì đi nữa thì tình cảm đó cũng xuất phát từ nội tâm trong mỗi con người, là sự cảm thông, chia sẻ, gắn bó, kết nối, tôn trọng, bao dung, chứa đựng... giữa con người với nhau. Nhưng ở Bác, tình yêu thương là sự cộng hưởng, thăng hoa của cả trái tim và khối óc, cả trí tuệ và tâm hồn, đạt đến sự tinh tế, hoàn hảo khó có gì so sánh được. Tất cả cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu, day dứt trong lòng hai chữ “Ái Quốc” và “Ái Dân”: Đi tìm đường cứu nước vì dân, làm cách mạng giải phóng dân tộc vì dân, xây dựng Nhà nước thì phải là của dân, do dân vì dân; xây dựng Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên phải là công bộc cho dân... Bác từng chia sẻ: “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm, ăn áo mặc, ai cũng được học hành” và cả cuộc đời của Bác chỉ “mưu cầu hạnh phúc cho Nhân dân”. Điều đó cho thấy tình cảm của Bác đối với Nhân nhân là vô hạn, là một tình yêu thương vô bờ bến với con người.
Tình yêu thương con người ở Bác cũng không trừu tượng chung chung, mà rất rõ ràng, cụ thể với từng đối tượng: Đó là người nông dân, người công nhân, nhà trí thức, các chiến sĩ bộ đội, công an, các cháu thanh niên, phụ nữ, thiếu nhi, học sinh, sinh viên, các bậc phụ lão, đồng bào các dân tộc, tôn giáo, kiều bào ta ở nước ngoài. Chẳng những yêu thương con người trong dòng máu Việt mà còn quan tâm đến giai cấp công nhân và Nhân dân lao động trên thế giới, không phân biệt chủng tộc, màu da, hay nói gọn là cả loài người. Khi đã trở thành lãnh tụ của Đảng, của dân tộc, dù bận trăm công, nghìn việc, nhưng Bác vẫn luôn giành thời gian quan tâm, thăm hỏi, động viên, chia sẻ, thể hiện tình yêu thương của mình đến với mọi tầng lớp Nhân dân trong cả nước, từ em bé đến các cụ già, từ người lao công đến anh chiến sỹ... Cảm động nhất là trong những giây phút Bác chuẩn bị đi xa, tuần lễ cuối cùng Bác lâm bệnh nặng. Lúc bấy giờ, chiến tranh chống Mỹ rất ác liệt, đồng chí Lê Duẩn đến thăm và mời Bác rời Hà Nội về Ba Vì để dưỡng bệnh, cho Đảng và Nhân dân được yên tâm. Bác đã khóc và nói: “Bác không đi đâu cả, Bác không thể bỏ dân mà đi được, để Bác ở đây thôi. Đưa Bác đi, các chú chỉ đưa được một mình Bác thôi, còn dân các chú tính sao?”...
Không chỉ dừng lại ở việc yêu thương, mà Bác còn đưa phạm trù “Nhân dân” và tình yêu thương con người lên một tầm cao mới. Con người ở đây phải được tôn trọng như một thực thể tự do và bình đẳng vốn có "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc". Tự do, bình đẳng, dân chủ giữa người với người là không có sự phân biệt về nguồn gốc, màu da, dòng máu, nam hay nữ, già hay trẻ. Nhưng trong lịch sử nhân loại, ngay cả trong thực tế xã hội hiện nay, bản thân nhiều người cũng chưa nhận thức đầy đủ về điều đó khi vẫn còn phân biệt địa vị, đẳng cấp xã hội, nên trong các mối quan hệ xã hội hay đặt câu hỏi liên quan đến cá nhân để làm rõ thuộc tính (là ai?). Thông qua thuộc tính của đối phương để để phân tích, phân biệt và ứng xử thông qua biểu cảm, hành vi như: kính trọng, ngưỡng mộ hay xem thường, khiêm tốn hay thể hiện sự hơn người... Như vậy thì chưa thấy hết tinh thần dân chủ, tự do, bình đẳng, mưu cầu hạnh phúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bác không chỉ thấy được cái tinh hoa này, mà còn nâng vị trí con người lên cao hơn, Bác không chỉ thấy vai trò của Nhân dân là người làm nên lịch sử, mà còn thấy con người là “vốn liếng quý giá nhất” của dân tộc, coi dân như cha, như mẹ “trung với nước, hiếu với dân” coi dân là thầy “cán bộ phải học dân”, coi dân là chủ… Bác nói “Dân là chủ và dân làm chủ”. “Là chủ” - tức là muốn nói đến địa vị, vị thế của người dân trong chế độ mới. “Làm chủ” - tức là muốn nói đến bổn phận, năng lực của người dân. Dân làm chủ thì Đảng, Chính phủ, cán bộ, đảng viên đều có một cái sứ mệnh, một niềm vinh hạnh lớn nhất đó là “được phục vụ Nhân dân”, đó là “đưa lại được hạnh phúc cho Nhân dân”, “là công bộc, là đầy tớ của Nhân dân”, “Chúng ta không có mục đích nào khác là chăm lo cho con người, giải phóng con người”. Bác coi đây vừa là phẩm chất đạo đức vừa là sứ mệnh cao đẹp nhất, nên từ đó Bác chỉ dạy chúng ta phải thường xuyên “xây” cái đẹp trong mỗi con người và “chống” cái xấu, cái ác, đó là: chống kẻ đàn áp người lao động, kẻ bóc lột người lao động, kẻ sâu mọt dân, đè đầu cưỡi cổ Nhân dân, những kẻ tham ô, hủ hóa... Sự yêu thương của Bác rất đúng mực, thể hiện rõ quan điểm yêu và chống một cách biện chứng, nhằm vun đắp bồi bổ cho tình yêu thương con người. Và chính Bác là một tấm gương vĩ đại về điều đó, Người từng tâm sự: "Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc, và hạnh phúc của quốc dân; những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó". Cuối bản Di chúc lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành những dòng tâm sự đề cập về “việc riêng” một cách hết sức khiêm tốn, giản dị. Người viết: “Suốt đời tôi hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ Nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”; “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thời giờ và tiền bạc của Nhân dân”.
Đây là nhận thức mới về giá trị con người - thành tựu do người, đã tạo nên một cái riêng, một bản lĩnh văn hóa, một con người, một thời đại Hồ Chí Minh. Bác nói “cơm chúng ta ăn do dân mà có”. Lời dạy hết sức đơn sơ, mộc mạc nhưng giúp chúng ta có cái nhìn sâu sắc về nhân sinh, về đạo lý. “Nhìn sâu” trong bữa cơm hàng ngày, chúng ta thấy công sức của biết bao nhiêu con người, từ gieo trồng, làm cỏ, bón phân, chăm sóc,... cho đến người nấu cơm cho chúng ta ăn, thì đã có hàng ngàn con người tham gia vào quá trình đó. Suy rộng ra nữa, chúng ta cũng thấy, khi ta sinh ra và được sống trên đời đã nợ ân tình hàng triệu con người, từ cha, mẹ, anh, chị, em đến cô, dì, chú bác, đến dòng họ, đến bà con hàng xóm, lớn lên đi học thì bạn bè, thầy, cô,... khi trưởng thành đi làm thì đồng nghiệp, đồng chí, tổ chức, cơ quan... và rộng ra là cả xã hội, rộng nữa là cả loài người. Vì dù họ không trực tiếp nhưng bằng cách nào đó, họ đã gián tiếp hỗ trợ, giúp đỡ, gánh vác, chỉ điểm, kết nối, tương trợ... cho chúng ta, để chúng ta có đủ nhu yếu phẩm, phương tiện, nhà ở, năng lượng, thiết bị sinh hoạt hàng ngày. Hãy thử tưởng tượng chúng ta sẽ là ai, khi không có những con người cụ thể ngoài kia, từ chị lao công đến người đứng đầu Nhà nước, họ đều có vai trò, sứ mệnh nhất định để kiến tạo nên cuộc sống của mỗi chúng ta. Có người vẫn cho rằng: tôi cũng mang sức mình ra đánh đổi, tôi có tiền có thể đi mua, tôi có trí tuệ, có sự thông minh, tôi có bản lĩnh, tôi làm kinh doanh, làm chủ doanh nghiệp mà có... Vâng, điều đó không sai, nhưng chưa đủ, thử hỏi ngay cả trí tuệ, tri thức, nghề nghiệp... mà chúng ta có nếu không có cha, mẹ, thầy cô, môi trường xã hội liệu chúng ta có không? Do đó, dù bạn thành công đến đâu, cũng phải có người dẫn dắt, chỉ điểm, giúp đỡ, tương trợ, gánh vác, kết nối... đó là điều chắc chắn.
Nghiên cứu tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh chúng ta thấy rõ tình yêu thương con người của Bác xuất phát từ sự trân trọng, ghi nhận giá trị của chính con người. Đã tạo thành một động lực to lớn thúc đẩy Người sẵn sàng hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người, chăm lo cho hạnh phúc của Nhân dân. Học Bác, hiểu cội nguồn của tình yêu thương con người, sẽ giúp mỗi con người nói chung và mỗi cán bộ, đảng viên nói riêng không chỉ thấy những giá trị to lớn trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, mà còn nhận thấy giá trị, vị trí, vai trò của con người, của Nhân dân để từ đó xác định được vai trò trách nhiệm, sứ mệnh của bản thân đối với Nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tình yêu thương của Bác đã tạo nên một triết lý sống, một giá trị văn hóa, một nhân cách vĩ đại. Điều đó sẽ tiếp tục là nguồn cảm hứng vô tận không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà cho cả nhân loại tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên thế giới khi nghĩ về Bác, viết về Bác và trên hành trình đi tìm những giá trị văn hóa, nhân sinh và chân lý cho chính mình. Chúng ta có quyền tự hào và khẳng định rằng: Tư tưởng, đạo đức, phong các Hồ Chí Minh sẽ mãi mãi là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho dân tộc Việt Nam đi đến bến bờ vinh quang, trở thành một nước phát triển, phồn vinh và hạnh phúc.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin