Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ bí mật nhà nước 

PV 10:03, 31/07/2024

(LĐ online) - Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ bí mật nhà nước. 

Theo nhận định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên  địa bàn tỉnh thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đồng thời đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt các quy định của pháp luật, các văn bản liên quan công tác bảo vệ bí mật nhà nước để đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức nắm, nghiên cứu, vận dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, góp  phần quan trọng đưa công tác bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh từng bước đi vào nền nếp, hiệu quả.  

Tuy nhiên, công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời gian qua còn bộc lộ một số sơ hở, thiếu sót; tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trên địa bàn tỉnh còn diễn ra ở nhiều cấp độ khác nhau, trong đó phổ biến là: Việc xác định độ mật của tài liệu; thống kê, lưu giữ, bảo quản; vận chuyển, truyền đưa; sao chụp bí mật nhà nước chưa đúng thủ tục, thẩm quyền; sử dụng máy tính có kết nối mạng internet, mạng nội bộ, mạng diện rộng,... để soạn thảo, lưu giữ bí mật nhà nước; kết nối điện thoại thông minh vào máy tính dùng để soạn thảo, lưu giữ bí mật nhà nước; kết nối hoặc sử dụng thiết bị lưu trữ ngoại vi (USB, ổ cứng,…) chưa được kiểm tra an ninh, chưa đăng ký quản lý, sử dụng với cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, tổ chức để kết nối đồng thời giữa máy tính dùng để soạn thảo, lưu giữ bí mật nhà nước và máy tính có kết nối mạng internet, mạng nội bộ, mạng diện rộng...; tình trạng chụp, truyền đưa bí mật nhà nước trên môi trường mạng (Zalo, Idoc, eOffice,…) còn diễn ra. Đáng chú ý có nhiều trường hợp bị mã độc, phần mềm gián điệp xâm nhập chiếm đoạt, dẫn đến lộ, mất bí mật nhà nước. Ngoài ra, phát hiện nhiều máy tính của một số cơ quan, đơn vị, địa phương bị nhiễm mã độc Mustang Panda (mã độc chuyên đánh cắp tài liệu bí mật nhà nước) tiềm ẩn nguy cơ cao dẫn đến lộ, mất bí mật nhà  nước; tình trạng lập nhóm zalo trong nội bộ một đơn vị hoặc kết nối nhiều cơ quan, tổ chức, thậm chí kết nối giữa các đơn vị, địa phương để thông báo, trao đổi, gửi nhận thông tin, tài liệu thuộc phạm vi nội bộ cơ quan Đảng, Nhà nước, trong đó có thông tin, tài liệu thuộc phạm vi bí mật nhà nước. 

Tình hình trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là do cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu ở một số nơi chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo  thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước ở cơ quan, tổ chức mình; một số cán bộ, đảng viên còn chủ quan, xem nhẹ, mất cảnh giác, chưa nhận thức đầy đủ, chính  xác về vị trí, vai trò, trách nhiệm trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước; lực lượng  trực tiếp làm công tác liên quan đến bí mật nhà nước ở nhiều cơ quan, tổ chức chưa nắm vững và vận dụng chưa đúng quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong quá trình thực hiện công tác, nhiệm vụ được giao; cơ sở vật chất, trang  thiết bị phục vụ công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa được trang bị đồng bộ; công tác kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước gắn với  chức năng, nhiệm vụ chưa thường xuyên. 

Để thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong các cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung: 

Nêu cao tinh thần trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng, nhất là trong phát ngôn, trao đổi  thông tin với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài; tổ chức sinh hoạt chuyên đề về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, đảm bảo công tác tuyên truyền, giáo dục phải  đi vào thực chất, tránh mang tính hình thức; nhận thức rõ công tác bảo vệ bí mật nhà nước là một trong những nội dung quan trọng của công tác bảo vệ an ninh  quốc gia, bảo vệ chính trị nội bộ, là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương và từng cán bộ, đảng viên. 

Thường xuyên rà soát, xây dựng và hoàn thiện quy chế làm việc, trong đó xác định cụ thể nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc, chế độ hội họp, thông tin báo cáo và cung cấp thông tin; xây dựng, ban hành nội quy, quy chế về bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, bảo vệ bí mật nhà nước và công tác quản lý, sử dụng thiết bị lưu giữ ngoại vi tại đơn vị, địa phương, bảo đảm thực hiện đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong xác định, sao, chụp, thống kê, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, giao, nhận, mang, cung cấp, chuyển giao, tiêu hủy... tài liệu, vật chứa bí mật nhà nước. 

Chủ động nắm tình hình, rà soát, phát hiện tồn tại, hạn chế trong công tác  bảo vệ bí mật nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng, nhất là ở các đơn vị, bộ phận  trọng yếu, cơ mật nhằm phát hiện, có giải pháp khắc phục, ngăn chặn lộ, mất bí mật nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng và nguy cơ lộ, mất bí mật nhà nước, bí mật nội bộ của Đảng. Đẩy mạnh công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chú trọng công tác quản lý cán bộ, nhất là cán bộ công tác ở đơn vị, bộ phận trọng yếu, cơ mật. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng, Nhà nước trong quan hệ, tiếp xúc với tổ chức, cá nhân nước ngoài và khi ra nước ngoài công tác, học tập, giải quyết việc riêng…