Thắng lợi to lớn trên con đường bảo vệ nền độc lập dân tộc

06:53, 21/07/2024

Cách đây 70 năm, trải qua tám phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp cùng hàng loạt cuộc tiếp xúc song phương và đa phương, Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Ðông Dương được ký kết, với ba Hiệp định đình chỉ chiến sự riêng rẽ ở Việt Nam, Lào, Campuchia. Ngày 21/7/1954, các bên tham gia đã đồng thuận đưa ra Tuyên bố cuối cùng về Hội nghị Geneva. Ba Hiệp định đình chỉ chiến sự ở ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Tuyên bố cuối cùng về Hội nghị là những văn kiện pháp lý quốc tế đa phương đầu tiên của nước ta.

Quang cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh tư liệu)
Quang cảnh Hội nghị Geneva 1954. (Ảnh tư liệu)

Với Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, lần đầu trong lịch sử dân tộc, các quyền cơ bản của Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ chính thức được khẳng định trong một điều ước quốc tế và được các nước tham dự Hội nghị Geneva thừa nhận. Chính phủ Pháp và các nước tham gia Hội nghị Geneva phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tuyệt đối không can thiệp công việc nội bộ của Việt Nam; quân đội Pháp phải rút về nước. Miền bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng, bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, trở thành hậu phương lớn và vững chắc cho nhân dân miền nam tiếp tục cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Cùng với Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, việc ký kết Hiệp định Geneva kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, cũng như chấm dứt hoàn toàn sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân cũ kéo dài gần 100 năm tại Việt Nam. Hiệp định là dấu mốc quan trọng, một thắng lợi to lớn trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, mở ra giai đoạn mới cho cách mạng Việt Nam tiến tới hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hiệp định còn là thắng lợi chung của ba nước Ðông Dương. Ðây cũng là sự kiện lịch sử tạo nên tiếng vang lớn và mang đến sức cổ vũ mạnh mẽ đối với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa, phụ thuộc. Từ năm 1954 đến năm 1964, có tới 17 trong 22 thuộc địa của Pháp đã giành độc lập; riêng năm 1960 có tới 17 nước ở khu vực châu Phi tuyên bố độc lập.

Bảy thập niên đã trôi qua kể từ ngày Hiệp định Geneva được ký kết nhưng những bài học quý giá từ quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định vẫn còn nguyên giá trị trong bối cảnh hiện nay. Trước hết, đó là bài học đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là nguyên tắc cao nhất trong đối ngoại. Ðó cũng là các bài học về sự độc lập, tự chủ trong ngoại giao, đàm phán quốc tế; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển đất nước nhanh và bền vững; hiệp đồng trên các mặt trận quân sự, chính trị, ngoại giao, tạo sức mạnh tổng hợp để đi đến thắng lợi cuối cùng; biết thắng từng bước để đi đến chiến thắng hoàn toàn trong bối cảnh chênh lệch về tương quan lực lượng; kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh ngoại giao với đấu tranh dư luận, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới, các lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên hết, bài học bao trùm là sự lãnh đạo thống nhất, tuyệt đối của Ðảng đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta nói chung và mặt trận ngoại giao nói riêng.

Hành trang quý giá từ Hiệp định Geneva đã được vận dụng linh hoạt và sáng tạo trong đàm phán, ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam năm 1973, cũng như trong triển khai công tác đối ngoại hiện nay. Thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng ta về công tác đối ngoại, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng tự hào về đối ngoại, ngoại giao. Ðến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 nước thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Ðối tác chiến lược và Ðối tác chiến lược toàn diện với năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, có mạng lưới quan hệ Ðối tác chiến lược và Ðối tác toàn diện với 30 nước. Việt Nam cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế lớn, đồng thời xây dựng được mạng lưới liên kết kinh tế rộng mở với khoảng 60 nền kinh tế trên thế giới. Vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới ngày càng được nâng cao, góp phần giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.

Với Hiệp định Geneva, ngoại giao Việt Nam đã khẳng định tâm thế, bản lĩnh, trí lực của một dân tộc có ý chí quật cường bảo vệ nền độc lập; thấm đượm tinh hoa văn hóa dân tộc và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh. Quá trình đàm phán, ký kết và thực thi Hiệp định Geneva là cuốn cẩm nang chứa đựng những bài học quý báu, sống mãi với thời gian, để lớp lớp thế hệ sau kế thừa, vận dụng sáng tạo và phát triển trong công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước.

(Theo nhandan.com.vn)