(LĐ online) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo lỗi lạc trọn đời tận hiến vì nước, vì dân, ông vừa là nhà lý luận lớn; hơn ai hết Tổng Bí thư luôn lấy thực tiễn làm nền tảng cơ sở của lý luận, đem lý luận soi sáng thực tiễn.
Ngay từ khi còn trẻ, nhà báo Nguyễn Phú Trọng không ngừng đi, không ngừng gắn bó với từng nhịp đập, từng hơi thở của thực tiễn cuộc sống, cho đến khi trải qua nhiều cương vị lãnh đạo đất nước, dấu chân của ông tiếp tục in trên các công trình, công trường trọng điểm ở khắp mọi miền đất nước, trong đó có Lâm Đồng.
Bút tích của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ cách đây 31 năm còn lưu giữ ở Viện Nghiên cứu Hạt nhân, TP Đà Lạt |
Ngày 1/3/1993, khi Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt mới khôi phục và đi vào vận hành được 9 năm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó đang là Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản (Cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam), trong chuyến đi thực tế tại Lâm Đồng, ông đã đến thăm Viện Nghiên cứu Hạt nhân, hiểu được quy trình vận hành tạo năng lượng nguyên tử của lò phản ứng hạt nhân phục vụ phát triển đất nước, ông đã để lại những dòng chữ đầy trang trọng: “Chúng tôi rất vui mừng được đến thăm Viện và rất phấn khởi trước những thành tựu mà Viện ta đã đạt được. Xin chân trọng chia vui và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả đạt được của các đồng chí. Chúc các đồng chí ngày càng đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa để góp phần đưa nền khoa học kỹ thuật của nước nhà hội nhập vào văn minh chung của nhân loại”.
Trước mong mỏi cháy bỏng của Tổng Bí thư, lúc đó là PGS.PTS. Nguyễn Phú Trọng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản cùng nhiều lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, tập thể các nhà khoa học Viện Nghiên cứu hạt nhân đã nỗ lực vận hành an toàn và khai thác hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Đến nay, Lò đã hoạt động gần 70.000 giờ, sản xuất và cung cấp trên 10.000Ci dược chất phóng xạ các loại cho hơn 25 bệnh viện trong cả nước; phân tích kích hoạt trên 50.000 ngàn mẫu các loại cho các ngành địa chất, dầu khí, nông nghiệp, môi trường; tạo nguồn nhân lực hạt nhân cho Viện, cho ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam, góp phần xây dựng tiềm lực hạt nhân của nước nhà.
Ngày 13/3/2010, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội khóa XII (2007 – 2011) đã đến thăm công trình thủy điện Đồng Nai 3 nằm tại vùng đất giáp ranh giữa xã Lộc Lâm, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng với xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) khi Nhà máy đang được xây dựng. Trước những lợi ích về kinh tế, xã hội, môi trường, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã cùng Đảng, Nhà nước chỉ đạo thực hiện đúng tiến độ thi công nhà máy. Nhân chuyến đi, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã trồng cây đa búp đỏ lưu dấu ông đã đến nơi này – nay nằm trong khu vực vọng cảnh hồ.
Cây đa búp đỏ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng lưu dấu kỷ niệm ông đến với Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 khi nhà máy đang xây dựng |
Với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Đảng và Nhà nước, năm 2004 Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 được khởi công xây dựng; thì đến năm 2008: Chặn dòng, tích nước hồ chứa; tháng 1/2011, Tổ máy số 1 phát điện; tháng 6/2011, Tổ máy số 2 phát điện. Nhà máy hoàn thành và đưa vào vận hành chính thức vào năm 2011 với 2 tổ máy có tổng công suất 180 MW; hệ thống đập dâng cao 107,5 m; tạo hồ chứa diện tích 5.518 ha có dung tích 1,69 tỷ m³; hệ thống đường hầm dẫn nước dài 4,3 km.
Nhà máy được vận hành đảm bảo an toàn và hiệu quả theo nguyên tắc tự động hóa, với quy trình sản xuất điện: Nước được dẫn từ hồ chứa qua đường hầm vào nhà máy, làm quay cánh quạt turbin, dẫn động máy phát điện; điện năng được sản xuất và truyền tải lên lưới điện quốc gia. Sản lượng điện trung bình hàng năm: 607,1 triệu kWh, đóng góp quan trọng vào việc cung cấp điện cho khu vực miền Đông Nam bộ và cả nước.
Năm 2021, Nhà máy được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba; năm 2014, Nhà máy được công nhận là Công trình Thủy lợi xuất sắc nhất do Hội Thủy lợi Việt Nam trao tặng; ngày 25/3/2024, 2 Nhà máy Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 (thuộc Công ty Thủy điện Đồng Nai) đạt 20 tỷ kWh điện sau 13 năm vận hành… Với sự kết hợp giữa công nghệ hiện đại và sự tôn trọng đối với môi trường, nhà máy này không chỉ mang lại nguồn điện sạch mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng và Đắk Nông.
Không phụ niềm kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Nhà máy không ngừng nâng cao hiệu quả sản xuất, phát điện một cách an toàn, bảo vệ môi trường, điều tiết lũ, bảo vệ rừng, phát triển du lịch sinh thái. Đặc biệt, hồ chứa nước của Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 (còn gọi là hồ Tà Đùng) là hồ nước lớn thứ 3 miền Nam (chỉ sau hồ Trị An và hồ Dầu Tiếng) thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp được mệnh danh là “Vịnh hạ Long trên cao nguyên” có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách.
Trên suốt hành trình ấy, cây đa búp đỏ do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trồng vừa là nơi lưu dấu kỷ niệm, vừa như một chứng nhân nhắc nhở đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, người lao động Nhà máy luôn tự hào với trọng trách quản lý vận hành Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 một cách an toàn, hiệu quả góp phần vào công cuộc kiến thiết dựng xây đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin