Từ Hiệp định Genève đến đường lối "ngoại giao cây tre" Việt Nam

PHAN VĂN BÔNG 12:42, 20/07/2024

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Genève về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam được ký kết. Hội nghị để lại nhiều bài học quý cho ngoại giao nước ta. Trải qua 70 năm, chính sách đối ngoại Việt Nam có bước tiến dài, đường lối “ngoại giao cây tre” hiện nay là sự kế thừa, sáng tạo từ những kinh nghiệm ấy.

TỪ HỘI NGHỊ GEVÈVE

Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (hàng ngồi thứ hai từ trái sang) thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết, tại Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ). (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Ngày 20/7/1954, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Tạ Quang Bửu (hàng ngồi thứ hai từ trái sang) thay mặt Chính phủ và Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ký Hiệp định đình chiến ở Việt Nam. Ngay sau đó, Hiệp định đình chiến ở Lào và Campuchia cũng được ký kết, tại Hội nghị Geneva (Thụy Sĩ) - Ảnh: Tư liệu TTXVN)

Hội nghị của 4 cường quốc: Liên Xô, Mỹ, Anh, Pháp họp tại Berlin (từ ngày 25/01 đến 18/02/1954) đã đi đến thỏa thuận sẽ triệu tập Hội nghị Genève để bàn về giải pháp chính trị cho vấn đề Triều Tiên và giải quyết vấn đề chiến tranh ở Đông Dương. Các bên nhất trí mời Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tham dự Hội nghị Genève.

Nhiều nước trên thế giới hoan nghênh quyết định này, Thủ tướng Ấn Độ Nehru kêu gọi ngừng bắn ở Đông Dương. Nhiều nhà lãnh đạo các nước Á - Phi, nhiều chính khách trên thế giới cũng đã hưởng ứng lời kêu gọi này.

Trong nước, đồng thời với với việc mở chiến dịch Điện Biên Phủ (13/3/1954), Đảng và Nhà nước ta cũng quyết định đẩy mạnh đấu tranh trên mặt trận ngoại giao quốc tế. Cuộc hội đàm cấp cao diễn ra tại Moscow (ngày 3/4) giữa Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô N. Khrushchev, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng để bàn về chủ trương và đối sách của các nước xã hội chủ nghĩa tại Hội nghị Genève.

Ngày 08/5/1954, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc, Đoàn đại biểu Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng kiêm Quyền Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng dẫn đầu bước vào Hội nghị với tư thế của người chiến thắng, “tiếng sấm Điện Biên Phủ” dội tới bàn Hội nghị.

Nước Pháp và các thuộc địa của Pháp để quốc tang cho sự kiện “thất thủ Điện Biên Phủ”. Ngoại trưởng Pháp G. Bidault với bộ tang phục màu đen than thở: “Đoàn đại biểu Pháp đến Hội nghị Genève mà trong tay chỉ có những con bài không đáng giá là hai quân rô và ba quân nhép”.

Tham dự Hội nghị ngoài đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có 8 đoàn đại biểu là Anh, Pháp, Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc và ba đoàn của ba chính phủ theo Pháp ở Đông Dương (Quốc gia Việt Nam, Vương quốc Lào, Vương quốc Campuchia được gọi là các “Quốc gia liên kết”). Liên Xô và Anh là đồng chủ tịch của Hội nghị.

Trải qua hơn 70 ngày thương lượng, với 31 phiên họp, trong đó 8 phiên họp toàn thể và 23 phiên họp hẹp và rất nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc song phương và đa phương bên lề Hội nghị,  ngày 20/7/1954, ta và Pháp đã ký các hiệp định đình chỉ chiến sự và cùng các bên ra tuyên bố cuối cùng vào ngày 21/7/1954.

Cùng với bản Hiệp định về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, Lào, Campuchia; Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị; và một số bản tuyên bố riêng rẽ của các đoàn Mỹ, Pháp... đã khẳng định độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, quy định quân đội nước ngoài phải rút khỏi Đông Dương, xác định các giới tuyến quân sự chỉ có tính tạm thời và mỗi nước Đông Dương sẽ tổ chức tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất đất nước...

Hiệp định đánh dấu sự kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ của nhân dân Việt Nam, là một bước quan trọng trên con đường đấu tranh vì độc lập và thống nhất hoàn toàn.

Đúng như Đảng ta đã khẳng định: “Đạt được Hiệp định nói trên là một thắng lợi vĩ đại của nhân dân và quân đội ta đoàn kết, nhất trí, anh dũng chiến đấu dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng”.

Tuy nhiên, Hiệp định Genève chưa phản đầy đủ thắng lợi của nhân dân Việt Nam nói riêng, nhân dân ba nước Đông Dương nói chung trên chiến trường và xu thế của cuộc chiến tranh. Cả Việt Nam, Lào và Campuchia đều có phần thiệt thòi do sự chi phối của xu thế hoà hoãn và sự thoả hiệp của các nước lớn.

Laury Anne Bellessa - nữ luật gia người Pháp nhận xét: “Nếu chúng ta đi sâu vào chi tiết các cuộc thương lượng, chúng ta sẽ nhận thấy rằng các điều khoản của Hiệp định chỉ để nhằm làm thoả mãn các cường quốc… Vì muốn bảo vệ quyền lợi của mình ở khu vực Đông Nam Á mà các cường quốc đã tự quy định phần lớn các điều khoản trong Hiệp định, không cần tính đến phản ứng của các nước Đông Dương. Không còn sự lựa chọn nào khác, các nước Đông Dương phải nhượng bộ trước các áp lực rất lớn này… Thắng lợi trên thực địa nhưng tại bàn Hội nghị, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không thể khai thác được thế mạnh quân sự của mình”.

Thượng tướng, GS. Hoàng Minh Thảo cũng có nhận xét tương tự: “Đáng tiếc là chúng ta ngồi đàm phán tại một diễn đàn đa phương do các nước lớn chi phối và Liên Xô, Trung Quốc cũng có những tính toán mà ta chưa hiểu được thấu đáo nên thế thắng của Việt Nam chưa được phát huy ở mức cao nhất”.

Đoàn ngoại giao Việt Nam lúc này còn mắc một sai lầm quan trọng nữa là “chủ yếu tiếp xúc với đoàn Liên Xô và đoàn Trung Quốc, trong khi Anh là đồng chủ tịch, quan điểm lại khác với Pháp, đoàn ta lại không tranh thủ, không hề tiếp xúc với phái đoàn Anh” như nhận định của GS-TS. Vũ Dương Huân – nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, Ucraina…

Có thể thấy, Hiệp định Genève “đường giải phóng mới đi một nửa/ Nửa mình còn trong lửa nước sôi” (Tố Hữu). Tất cả những điều trên là những bài học vô cùng to lớn, giúp cho đường lối ngoại giao của Việt Nam không ngừng phát triển, để đi đến những thắng lợi to lớn cho ngoại giao Việt Nam sau này. 

ĐẾN ĐƯỜNG LỐI “NGOẠI GIAO CÂY TRE”

Các đại biểu tham dự Hội thảo khoa học 70 năm Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam do Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Quốc phòng và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức vào ngày 19/7/2024. Ảnh: baoquocte.vn

Trong những năm gần đây, thuật ngữ “ngoại giao cây tre” được dùng khá phổ biến. Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 (năm 2016), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dùng hình ảnh cây tre Việt Nam để đề cập ẩn dụ về đường lối ngoại giao của nước ta: “Cây tre Việt Nam mềm mại mà cứng cỏi, nhân ái mà quật cường, biết nhu biết cương, biết thời biết thế, biết mình biết người...”.

Đến Hội nghị Đối ngoại toàn quốc ngày 14/12/2021, Tổng Bí thư một lần nữa tái khẳng định đường lối "ngoại giao cây tre" Việt Nam với đặc trưng: “Gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển… thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam...”.

Điều này, Tổng Bí thư tiếp tục khẳng định tại Hội nghị Ngoại giao toàn quốc lần thứ 32 (9/12/2023): “Tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam hiện đại, vững mạnh toàn diện, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”.

Đây chính là sự kế thừa và phát triển của tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: “Phải trông ở thực lực. Thực lực mạnh, ngoại giao sẽ thắng lợi. Thực lực là cái chiêng mà ngoại giao là cái tiếng. Chiêng có to tiếng mới lớn”. Cũng như các bài học về ngoại giao nước nhà, đặc biệt là Hiệp định Genève.

Trong lịch sử thế giới, thế kỷ XIX, Thái Lan đã sử dụng chính sách ngoại giao mà lịch sử gọi là “ngoại giao cây sậy”. Chính sách này dựa trên nguyên tắc “gió chiều nào ngã theo chiều ấy”, lợi dụng các mâu thuẫn của các cường quốc giúp Thái Lan không bị đô hộ.

Nhưng chính sách “ngoại giao cây sậy” không có gốc vững bền. Nên tuy giữ được vị thế độc lập, nhưng Thái Lan đã phải nhân nhượng nhiều quyền lợi cho Anh và Pháp.

Đường lối "ngoại giao cây tre" của Việt Nam khác hoàn toàn so với lối “ngoại giao cây sậy”. Cây tre vững ở gốc, chắc ở thân và uyển chuyển ở cành. Dựa trên nền tảng vững chắc của quốc gia, như trong Hiệp định Gienève đó là thắng lợi Điện Biên Phủ. Đó là đem cái “bất biến” ứng cái “vạn biến”. Đó là, “độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển... trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và luật pháp quốc tế,... Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” như Tuyên bố chung về nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện mới đây.

Đến nay, tinh thần và bài học từ Hiệp định Genève vẫn còn nguyên giá trị. Đây là một trong những cơ sở để chúng ta kế thừa và thực hiện tốt đường lối "ngoại giao cây tre Việt Nam” do Đảng và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng và lãnh đạo để “xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.