Cách mạng Tháng Tám - Bài học về thời cơ cho Việt Nam trong bối cảnh hiện nay

PHAN VĂN BÔNG 06:54, 19/08/2024

(LĐ online) - Trưa ngày 13/8/1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh trên Đài Phát thanh Quốc gia Nhật. Ngay lập tức, Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và Lệnh khởi nghĩa được ban bố: “Giờ tổng khởi nghĩa đã đến! Cơ hội có một cho quân dân Việt Nam vùng dậy giành lấy quyền độc lập cho nước nhà!…”.

Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu)
Mít tinh tổng khởi nghĩa tại Quảng trường Nhà hát lớn Hà Nội (Ảnh tư liệu: dangcongsan.vn)

BỐI CẢNH LỊCH SỬ VÀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những sự kiện lịch sử trọng đại của Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc ta. Chỉ trong vòng vài tuần, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân Việt Nam đã vùng lên giành chính quyền từ tay phát xít Nhật.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Nhà nước Dân chủ Nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, mà còn để lại những bài học quý báu về sự kết hợp giữa khát vọng độc lập, tự do với sự nắm bắt thời cơ lịch sử “ngàn năm có một”.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong lúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai đi vào hồi kết. Với sự suy yếu của thực dân Pháp tại Đông Dương, Nhật tiến hành đảo chính Pháp nhưng cũng không xoay chuyển nổi tình thế. Quân đội Nhật Bản phải đầu hàng trước lực lượng Đồng minh

Trong tình hình đó, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ ràng về thời cơ, xác định đúng thời điểm và hành động quyết liệt để lãnh đạo Nhân dân đứng lên giành lấy thắng lợi.

Cả dân tộc với quyết tâm dù có phải hi sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải quyết giành độc lập cho dân tộc. Toàn dân tộc theo lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Đây chính là bài học quý giá về khả năng đánh giá tình hình và tận dụng thời cơ và chớp lấy thời cơ, huy động sức mạnh toàn dân, bài học mà Việt Nam có thể kế thừa và phát huy trong bối cảnh nước ta đang thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay.

• BÀI HỌC VỀ THỜI CƠ TỪ CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

Bài học về thời cơ từ Cách mạng Tháng Tám không chỉ giới hạn trong không gian và thời điểm cách mạng đó, mà có giá trị xuyên suốt trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Thứ nhất, nhận thức về thời cơ, Cách mạng Tháng Tám cho thấy, việc nhận thức đúng đắn về thời cơ là yếu tố quyết định đến sự thành bại của một cuộc cách mạng. Thời cơ không phải lúc nào cũng xuất hiện, mà chỉ xuất hiện trong những tình huống đặc biệt, khi các điều kiện khách quan và chủ quan hội tụ. Đó là, một chuỗi các sự kiện, Nhật – Pháp bắn nhau (12/3/1945), phát xít Đức đầu hàng Liên Xô và Đồng minh (ngày 9/5/1945), là Nhật Bản hạ vũ khí (ngày 14/8/1945), chiến tranh thế giới kết thúc…

Đảng ta, mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận thức rõ thời cơ: “Phát xít Nhật đã chết gục theo phát xít Đức, Ý. Quân đội Nhật đang bị tan rã và bị tước khí giới ở khắp các mặt trận. Quân Đồng minh sắp kéo vào Đông Dương. Giờ hành động quyết liệt đã đến”.

Thứ hai, liên tục chuẩn bị và sẵn sàng chớp thời cơ, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không chỉ nhờ vào việc nhận thức đúng thời cơ mà còn nhờ vào sự chuẩn bị chu đáo và hành động kịp thời của toàn dân tộc.

Đó là một quá trình chuẩn bị vô cùng gian khổ và hi sinh của Đảng và toàn dân tộc, từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, những cuộc tập dượt cách mạng từ 1930 – 1939, khi Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, nhất là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng ( tháng 1/1941).

Chúng ta đã có những chuẩn bị về lực lượng, đường lối, phương châm tác chiến… Khi mà cao trào cứu nước của toàn dân đã dâng lên tới đỉnh cao nhất, các cuộc khởi nghĩa từng phần đã nổ ra và thắng lợi ở nhiều vùng. Khu giải phóng và căn cứ địa được lập ra trong cả nước, quân đội cách mạng đã được thành lập, chiến tranh du kích phát triển và lan rộng. “Đội quân chính trị” của quần chúng nhân dân bao gồm hàng chục triệu người được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng chiến đấu…

Thứ ba, sự đoàn kết và đồng thuận của toàn thể dân tộc. Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám chính là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể nhân dân trong Mặt trận Việt Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với chính sách 10 điểm của mình, Mặt trận Việt Minh đã tạo nên sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, tạo nên sức mạnh vô bờ bến.

Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Mặt trận Việt Minh đã động viên, tổ chức mọi tầng lớp Nhân dân đoàn kết, vùng lên Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, giành độc lập dân tộc, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”.

• BÀI HỌC THỜI CƠ VÀO BỐI CẢNH CÔNG CUỘC CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA VÀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ HIỆN NAY

Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Các bài học từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và có thể áp dụng vào thực tiễn để Việt Nam có thể vượt qua các khó khăn và nắm bắt được những cơ hội phát triển.

Thứ nhất, nắm bắt thời cơ trong phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Việt Nam hiện đang trong giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ với sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp và công nghệ thông tin. Đây chính là thời cơ để Việt Nam đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước tiến lên trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Tuy nhiên, để làm được điều đó, Việt Nam cần có chiến lược phát triển rõ ràng, đặc biệt là trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và đổi mới khoa học - công nghệ và hệ thống pháp lý.

Thực hiện “quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội dựa chủ yếu vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo” như Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 17/11/2022 về “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” khẳng định.

Chỉ khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Việt Nam mới có thể nhanh chóng thích ứng và tận dụng tối đa các cơ hội mà quá trình toàn cầu hóa mang lại.

Thứ hai, tận dụng cơ hội từ hội nhập quốc tế. Quá trình hội nhập quốc tế mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam, từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài đến việc tiếp nhận những tiến bộ khoa học - công nghệ từ các nước phát triển. Đây là cơ hội quý giá để Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế.

Ngày nay, đối với Việt Nam, việc nhận thức thời cơ trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế là vô cùng quan trọng. Khi nắm bắt đúng thời cơ, Việt Nam có thể chuyển hóa các thách thức thành cơ hội, thúc đẩy sự phát triển toàn diện.

Hiện nay, vị thế Việt Nam không ngừng nâng cao. Chúng ta có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước lớn, kinh tế mạnh: Trung Quốc (bắt đầu từ năm 2008), Nga (bắt đầu từ năm 2012), Ấn Độ (bắt đầu từ năm 2016), Hàn Quốc (bắt đầu từ năm 2022), Hoa Kỳ (bắt đầu từ tháng 9/2023), Nhật Bản (bắt đầu từ tháng 11/2023) và Úc (bắt đầu từ tháng 3/2024). Cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin Việt Nam phát triển khá…

Tuy nhiên, để tận dụng được những cơ hội này, Việt Nam cần phải xây dựng một môi trường kinh doanh thuận lợi, cải cách hành chính mạnh mẽ và nâng cao chất lượng giáo dục, chú trọng phát triển khoa học - công nghệ….

Thứ ba, duy trì sự ổn định chính trị và đoàn kết toàn dân. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự ổn định chính trị và đoàn kết dân tộc là yếu tố quan trọng giúp Việt Nam giữ vững chủ quyền và phát triển bền vững. Việt Nam cần tiếp tục củng cố hệ thống chính trị, đảm bảo an ninh quốc gia và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân.

Chính sự đồng thuận của toàn dân tộc sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp, giúp Việt Nam vượt qua những khó khăn, thách thức để đạt được mục tiêu phát triển bền vững. “Ðẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể” như Nghị quyết 29 khẳng định.

79 năm trôi qua, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, để lại nhiều bài học quý giá cho đất nước hôm nay. Trong đó, bài học về nhận thức và nắm bắt thời cơ, về sự đoàn kết và quyết tâm của toàn dân tộc trong việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, những bài học từ Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị và có thể giúp Việt Nam vượt qua các thách thức, tận dụng các cơ hội để phát triển bền vững.

Chúng ta cần có những nhận thức đúng về thời cơ mới, có chuẩn bị kỹ lưỡng và tận dụng kịp thời những cơ hội mang lại, trong mọi tình huống, đất nước luôn có thể vươn lên mạnh mẽ, xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc.

Bằng việc kế thừa và vận dụng sáng tạo các bài học từ quá khứ, Việt Nam có thể tự tin tiến bước trong hành trình phát triển, đưa đất nước ngày càng “giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng” - như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã nói.


Từ khóa:

thanh