CHÀO MỪNG HỘI THẢO "BÁO CHÍ TUYÊN TRUYỀN THÚC ĐẨY CHUYỂN ĐỔI XANH":
Hòa mình vào dòng chảy chuyển đổi xanh

HỒ LAN - Tổng Biên tập Báo Lâm Đồng 05:07, 17/08/2024

Chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược đối với các quốc gia và thế giới. Nội hàm trọng tâm của công cuộc chuyển đổi xanh đó là phát triển nền kinh tế xanh không chỉ khu biệt ở mỗi địa phương, vùng, miền mà diễn ra ở tầm cả nước và quốc tế nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới Net Zero vào năm 2050.

 

LÂM ĐỒNG VỚI TIẾN TRÌNH CHUYỂN ĐỔI XANH

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu phát triển, trong đó nhấn mạnh “Tiếp tục phát triển nhanh, toàn diện và bền vững và trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước”. Để thực hiện mục tiêu này, UBND tỉnh Lâm Đồng đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 bao gồm các định hướng phát triển cốt lõi sau: 

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, trọng tâm là tái cơ cấu nông nghiệp hướng đến ngành Nông nghiệp toàn diện và hiện đại, là trung tâm nghiên cứu, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao tầm quốc gia và quốc tế.

Phát triển du lịch chất lượng cao, xây dựng TP Đà Lạt thành trung tâm du lịch chất lượng cao, trung tâm giáo dục nghiên cứu, sáng tạo khoa học.

Phát triển công nghiệp theo hướng chọn lọc, có giá trị gia tăng cao, an toàn về môi trường. 

Lộ trình cũng như chiến lược để Lâm Đồng xác định tiếp tục công cuộc chuyển đổi xanh lên một tầm mức mới được khẳng định vào tháng 6 năm 2024 vừa qua với việc UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Lễ công bố Quyết định số 1727 ngày 29/12/2023 của Chính phủ về “Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Lâm Đồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Qua đó, nêu bật quan điểm định hướng phát triển Lâm Đồng trong tương lai đó là: Phát huy tiềm năng, lợi thế tự nhiên và vai trò, vị trí của tỉnh trong vùng Tây Nguyên để phát triển nhanh, bền vững; phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp. Chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc, tài nguyên thiên nhiên và liên kết vùng. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến nông sản; phát triển công nghiệp khai thác, chế biến bauxite, alumin, nhôm và các sản phẩm từ nhôm. 

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030 đưa Lâm Đồng trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện của cả nước; xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao của cả nước và khu vực Đông Nam Á, là trung tâm giáo dục, đổi mới sáng tạo. Để thực hiện mục tiêu trên, cần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, lấy phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp là trọng tâm, trụ đỡ; phát triển công nghiệp chế biến là động lực; phát triển du lịch là đột phá. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả dựa trên công nghệ cao, chuyển đổi số và giá trị gia tăng cao. 

Các kết quả phát triển kinh tế - xã hội của Lâm Đồng đặt trong dòng chảy chuyển đổi xanh của thời đại luôn có sự đồng hành, chủ động thông tin bằng nhiều hình thức tuyên truyền hấp dẫn, thu hút đông đảo bạn đọc quan tâm, góp phần xây dựng nhận thức chung về xu hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường đối với cộng đồng và xã hội. 

• BÁO CHÍ HÒA MÌNH VÀO DÒNG CHẢY CHUYỂN ĐỔI XANH

Một yếu tố quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi xanh ở Việt Nam là việc thể hiện trách nhiệm và sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vi, doanh nghiệp và của cả cộng đồng, trong đó có báo chí. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, báo chí cách mạng Việt Nam nói chung và báo Đảng địa phương nói riêng, trong đó có Báo Lâm Đồng đã thể hiện rõ bản lĩnh trên mặt trận thông tin, tuyên truyền; cổ vũ có hiệu quả, lan tỏa động lực thúc đẩy chuyển đổi xanh và góp phần tích cực làm thay đổi nhận thức, hành động và sự đồng thuận của xã hội trước vấn đề này.

Từ tháng 7/2015, Báo Lâm Đồng xuất bản mỗi tuần 5 kỳ. Bình quân số lượng báo phát hành khoảng 8.200 tờ/kỳ. Báo Lâm Đồng Điện tử thu hút khoảng 50.000 lượt người truy cập mỗi ngày, có thời điểm lên tới 100.000 - 120.000 lượt truy cập/ngày. Bản Tin - ảnh “Dân tộc và Miền núi Lâm Đồng” 4 trang, phát hành 1 kỳ/tháng với số lượng phát hành 5.000 tờ/kỳ. Đặc biệt, Báo Lâm Đồng đang hướng tới cơ quan báo chí đa phương tiện, tích hợp đầy đủ những tính năng truyền thông báo chí hiện đại. 

Bên cạnh đó, Báo Lâm Đồng còn có các nền tảng mạng xã hội như facebook, youtube, tiktok... nhằm chuyển tải thông tin đến những đối tượng bạn đọc khác nhau. 

Có thể khẳng định rằng, thời gian qua, Báo Lâm Đồng luôn giữ vai trò là nguồn thông tin chủ lưu, chính thống và đáng tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; phản ánh mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội của tỉnh, là người “thư ký” tận tâm, tận tụy, nhanh nhạy, khách quan, chính xác trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên mảnh đất Nam Tây Nguyên. 

Với ý thức, trách nhiệm của một cơ quan báo Đảng địa phương, Báo Lâm Đồng luôn kịp thời chuyển tải những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi xanh trên các lĩnh vực, nhất là quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; cổ vũ các cá nhân, tập thể “nghĩ xanh, đầu tư xanh, hành động xanh và sống xanh”... Trong thời gian qua, báo đã tập trung vào tuyên truyền, biểu dương các chính sách, chương trình, dự án, mô hình phát triển thân thiện với môi trường; đồng thời đấu tranh trước các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và hủy hoại môi trường.

Từ nhận thức trên, Báo Lâm Đồng đã thực hiện nhiều chuyên mục, chuyên đề, tổ chức các cuộc thi viết, ưu tiên thông tin liên quan đến tiến trình chuyển đổi xanh, dù là hành vi nhỏ nhưng thiết thực của cá nhân, tổ chức. Có thể nêu ra đây những việc đã và đang được đề cập trên tờ báo như: Mở chuyên mục Du lịch hàng tuần, phát động Cuộc thi viết về Nông thôn mới; truyên truyền, quảng bá thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, “Nhãn hiệu xanh”, các khu du lịch sinh thái, đô thị sinh thái, nông thôn mới kiểu mẫu về bảo vệ môi trường, kể cả các chương trình thu gom rác thải nông nghiệp, phân loại rác thải tại chỗ...

Tiến trình chuyển đổi xanh là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan được thúc đẩy bằng tinh thần đổi mới sáng tạo và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững. Báo chí phải vào cuộc quyết liệt, tiền phong trong sự nghiệp ấy.