(LĐ online) - Chiều 21/8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục diễn ra.
Quang cảnh phiên họp tại Hội trường Diên Hồng |
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn với các nội dung liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và nhóm lĩnh vực: Tư pháp, nội vụ, an ninh, trật tự an toàn xã hội, thanh tra, tòa án, kiểm sát từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023.
Các ĐBQH tỉnh Lâm Đồng tham gia phiên chất vấn tại điểm cầu Lâm Đồng |
• NHIỀU BẢN ÁN ĐÃ CÓ HIỆU LỰC PHÁP LUẬT NHƯNG CHƯA ĐƯỢC THI HÀNH
Tham gia chất vấn phiên buổi chiều 21/8, ĐBQH tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Tạo đặt câu hỏi về giải pháp khắc phục những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án.
Theo báo cáo năm 2023, Tòa án Nhân dân các cấp đã ban hành 571 quy định và 6 tháng đầu năm 2024 là 107 quy định buộc thi hành án hành chính. Cơ quan thi hành án dân sự cả nước đã ban hành 135 kiến nghị xử lý trách nhiệm đối với những trường hợp không chấp hành án hành chính.
ĐBQH Nguyễn Tạo - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Lâm Đồng nêu chất vấn tại phiên họp chiều 21/8 |
Theo đại biểu Nguyễn Tạo, có rất nhiều bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thi hành xong; trong đó, có không ít bản án, người phải thi hành là UBND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện, thậm chí có những vụ việc tồn đọng nhiều năm nhưng chưa được tổ chức thi hành án dứt điểm.
Đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, bất cập trên là việc xác định sự việc, trách nhiệm trong công tác tổ chức thi hành án hành chính còn bị bỏ ngỏ, chưa được các cấp và cơ quan có thẩm quyền quan tâm đúng mức đối với tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật trong việc chấp hành thi hành án hành chính.
Đây là vấn đề cử tri hết sức lo lắng. Vì thế, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết cần có những giải pháp cụ thể, khả thi nào nhằm từng bước khắc phục tình trạng nêu trên?
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trả lời chất vấn |
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: Liên quan đến thực hiện quy định về tố tụng hành chính và tổ chức thi hành các bản án hành chính, trong thời gian qua, trách nhiệm tổ chức thi hành các bản án hành chính lần đầu tiên được đưa vào trong nghị quyết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản đôn đốc, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức các cuộc làm việc trực tiếp với các địa phương, nhưng thực tế vẫn chưa có chuyển biến nhiều…
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thẩm quyền và toàn bộ vấn đề liên quan đến tổ chức thi hành án hành chính hiện quy định tại Nghị định 71. Vấn đề này gắn liền với trách nhiệm công vụ, do đó chúng ta phải làm sao tăng cường trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu trong việc thi hành các bản án, có thể thông qua sức ép của dư luận, báo chí… Có như vậy, tình hình sẽ tốt hơn thay vì liên tục ra các biện pháp.
Đại biểu các cơ quan, đơn vị tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Lâm Đồng |
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết rà soát pháp luật là một nội dung được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Về cơ bản, các bộ, ngành, các chủ thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật có trách nhiệm tự mình rà soát sau khi ban hành văn bản, công tác này được thực hiện định kỳ và là trách nhiệm thường xuyên. Trong một số trường hợp sẽ có những rà soát ở tầng, mức khác nhau, có thể là tổng rà soát hoặc rà soát theo các chuyên đề. Thực tế có thể khẳng định, trong năm 2023, 2024, công tác rà soát pháp luật được thực hiện tương đối tốt.
Về kiểm tra văn bản, đồng tình với nhận định của đại biểu Nguyễn Tạo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, việc phát hiện vi phạm ở các văn bản cần rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng. Giải pháp cho vấn đề này trong thời gian tới là phải tiếp tục hoàn hiện về pháp luật; đồng thời, tăng cường trách nhiệm công khai và gửi văn bản cho các cơ quan kiểm tra văn bản.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, theo quy định của pháp luật hiện hành, các bộ, ngành có nhiệm vụ thường xuyên phải tự kiểm tra các văn bản do cơ quan mình ban hành. Bộ Tư pháp cũng thực hiện như các bộ, ngành khác, đồng thời giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kiểm tra các văn bản vi phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, đề xuất giải pháp xử lý. Nội dung kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chủ yếu tập trung vào thẩm quyền ban hành, tính hợp pháp, các vấn đề liên quan đến kỹ thuật soạn thảo văn bản.
Đại biểu tham dự phiên chất vấn tại điểm cầu Lâm Đồng |
Qua số liệu cập nhật cho thấy, công tác tự kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của các bộ, ngành chưa được thực hiện tốt. Nguyên nhân là do các cơ quan chưa chủ động trong thực hiện, công tác giám sát, kiểm tra còn hạn chế.
Sắp tới, khi sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hy vọng sẽ thiết kế một cách cụ thể hơn, chi tiết hóa các hành vi để rõ hơn nội dung về thực hiện chức năng, chức trách của Bộ trưởng, trưởng ngành liên quan đến công tác ban hành văn bản; cần tính toán thiết kế các chế tài về hành chính tương đương để khi phát hiện có thể xử lý hiệu quả. Đồng thời, cần thực hiện tốt Quy định số 118 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực trong công tác xây dựng pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn về vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021 |
• SẮP XẾP CÁN BỘ, CÔNG CHỨC DÔI DƯ KHÁ CƠ BẢN
Tại phiên chất vấn, các đại biểu còn đặt vấn đề liên quan đến công tác quy hoạch khoáng sản; sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021...
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trả lời chất vấn về vấn đề về sắp xếp cán bộ, công chức dôi dư tại các địa phương giai đoạn 2019 - 2021 đã được giải quyết khá cơ bản.
Đến nay, số cán bộ, công chức dôi dư ở cấp huyện là 58 người (chiếm 8,22%) và ở cấp xã là 1.405 người (chiếm 14,49%). Theo kế hoạch được giao, đến 2025 phải giải quyết xong tình trạng dôi dư cán bộ, công chức.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đánh giá cao nỗ lực của địa phương như Quảng Ninh, Thanh Hóa… Bên cạnh đó, Bộ trưởng cũng chia sẻ với các địa phương còn gặp những khó khăn trong giải quyết vấn đề này, do số lượng đơn vị hành chính cấp xã lớn…
Để tiếp tục giải quyết và chuẩn bị cho giai đoạn 2023 - 2030, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quan trọng để giải quyết vấn đề này trên tinh thần Nghị quyết 35, như Nghị định số 29 về chính sách tinh giản biên chế...
Liên quan đến công tác quy hoạch khoáng sản, nhất là bô xít ở khu vực Tây Nguyên, Bộ trưởng Bộ Công thương đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường điều chỉnh để các dự án năng lượng tái tạo có trong Quy hoạch được duyệt sẽ đưa vào dự trữ đất khoáng sản để có thể triển khai.
Trong phiên chất vấn sáng 21/8, đã có 30 đại biểu chất vấn, 6 đại biểu tranh luận, 11 đại biểu đăng ký nhưng do hết thời gian, đại biểu gửi chất vấn bằng văn bản về Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Sáng 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn với nhóm lĩnh vực này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin