Hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý những tồn tại, vướng mắc

NGUYỆT THU 15:58, 22/08/2024

(LĐ online) - Sáng 22/8, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đến hết năm 2023 đối với nhóm lĩnh vực thứ hai, gồm các lĩnh vực: tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát.

Phó Thủ tướng Chính phủ (được Chính phủ ủy quyền) phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ.

Quang cảnh phiên chất vấn

QUYẾT LIỆT ĐẤU TRANH VỚI TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO

Tại phiên chất vấn, các đại biểu bày tỏ lo ngại về chất lượng các dự án luật dự kiến trình quá nhiều; định giá tài sản cần được quan tâm đưa vào luật; dung hoà giữa luật gắn với cuộc sống và đảm bảo hài hoà trong hệ thống;

Trả lời chất vấn đại biểu về điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Bộ Chính trị ban hành Kết luận 19-KL/TW năm 2021 về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quốc hội ban hành Nghị quyết về Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh, từ đó Chính phủ đã có định hướng về xây dựng luật, pháp lệnh. Thời gian qua, Chính phủ đề xuất trình bổ sung 17 dự án mới vào định hướng Chương trình, nhưng vẫn chưa bao quát hết những vấn đề mới phát sinh. Qua rà soát, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, tổng hợp từ các nguồn khác nhau và dự kiến trình Quốc hội thông qua một số luật.

Đông đủ ĐBQH, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham dự
Đông đủ ĐBQH, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tham dự tại đầu cầu Lâm Đồng

Trả lời chất vấn liên quan đến tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, đây là thách thức an ninh phi truyền thống mà mọi quốc gia đang phải đối mặt, không chỉ riêng tại Việt Nam… 

Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, các đặc điểm của loại tội phạm này là hoạt động không biên giới, tính ẩn danh cao, trình độ công nghệ cao khiến việc phát hiện và xử lý trở nên rất khó khăn. Bộ trưởng cho biết, thời gian qua, Bộ Công an đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để đấu tranh với tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao. Cụ thể, đẩy mạnh ứng dụng tài khoản định danh điện tử của công dân để xác thực danh tính khi tham gia các hoạt động trên không gian mạng, hạn chế tình trạng lừa đảo; ứng dụng kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để kịp thời xác thực thông tin, làm sạch tài khoản ngân hàng và thuê bao di động, loại bỏ các tài khoản ảo và sim rác; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao…

Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho rằng, việc giải quyết tội phạm mạng và tội phạm công nghệ cao là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành và địa phương. Nếu thực hiện tốt các giải pháp đột phá nêu trên có thể sẽ tạo được chuyển biến tích cực trong thời gian tới.

Trong thời gian tới, Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức tự quản, tự phòng, tự đề kháng để phòng ngừa tội phạm công nghệ cao, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, như: Cảnh giác khi nhận cuộc gọi lạ; kiểm tra và cập nhật tính năng bảo mật trên tài khoản mạng xã hội; không cung cấp thông tin cá nhân cho người chưa rõ nhân thân; thận trọng khi thực hiện giao dịch điện tử và trực tuyến và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng khi nghi ngờ về hoạt động tội phạm…

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc phiên chất vấn

KHẮC PHỤC KỊP THỜI NHỮNG TỒN TẠI, HẠN CHẾ TRONG TỪNG LĨNH VỰC

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu bế mạc: Sau 1,5 ngày làm việc nghiêm túc, sôi nổi, với tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao, đến thời điểm này, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đã có 75 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu, trong đó 66 lượt đại biểu chất vấn, 9 lượt đại biểu tranh luận.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn được thực hiện nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đối với các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến hết năm 2023; nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả thực hiện và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan chịu sự giám sát; kịp thời điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; hoàn thiện chính sách, pháp luật, xử lý những tồn tại, vướng mắc, đảm bảo các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc.

Với tinh thần đó, các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện trách nhiệm cao, nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, có trọng tâm, đi thẳng vào vấn đề; các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành nắm chắc thực trạng của ngành, lĩnh vực phụ trách, cơ bản trả lời đầy đủ, thẳng thắn, giải trình, làm sáng tỏ nhiều vấn đề và đề ra giải pháp để triển khai hiệu quả thời gian tới. Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm cao của các thành viên Chính phủ, Trưởng ngành trong việc trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các Bộ trưởng, Trưởng ngành tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu Quốc hội, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, toàn diện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, tập trung khắc phục kịp thời, đầy đủ, hiệu quả những tồn tại, hạn chế trong từng lĩnh vực. 

Chủ trì phiên họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Lâm Đồng
Chủ trì phiên họp tại điểm cầu Đoàn ĐBQH Lâm Đồng

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị các bộ ngành tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế và có biện pháp, giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực. Đề nghị Bộ Công thương tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt để đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng. Hoàn thiện hệ thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu; sớm có phương án xử lý trong dài hạn việc thực hiện bảo quản riêng về xăng dầu dự trữ quốc gia. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về nhãn hiệu, thương hiệu nông sản chủ lực. Thực hiện tốt công tác dự báo, chủ động triển khai các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước cho sản xuất và đời sống người dân.

Đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn những chính sách chưa được triển khai tại Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 06/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đề nghị Bộ Nội vụ hoàn thành việc sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức dôi dư và quản lý tài sản sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021. Khẩn trương rà soát, lập, điều chỉnh các quy hoạch liên quan để hoàn thành việc xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025;

Đề nghị Bộ Tư pháp chủ động rà soát, dự kiến các nhiệm vụ lập pháp cần thực hiện, làm cơ sở đề xuất xây dựng Định hướng Chương trình lập pháp cho nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16. Khắc phục triệt để tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. 

Đề nghị Bộ Công an tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự. Tăng cường đấu tranh, phòng, chống các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”, tội phạm xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài, tội phạm hoạt động núp bóng doanh nghiệp…