Mãi tự hào về cách mạng tháng Tám năm 1945

PHAN HUY THÙY 04:57, 17/08/2024

Suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, có nhiều sự kiện trọng đại, thiêng liêng đã trở thành những mốc son chói lọi trong lịch sử nước nhà. Một trong những sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn chính là cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám sẽ mãi mãi là niềm tự hào về Đảng, về Nhân dân ta trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc. 

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

1. Năm 1858, thực dân Pháp xâm lược nước ta. Kể từ đó, ròng rã hơn 80 năm, Nhân dân Việt Nam với thân phận nô lệ, phải sống cảnh nước mất nhà tan, lầm than khốn khổ. Mùa thu 1940, phát xít Nhật tấn công Đông Dương, đồng bào ta phải chịu hai tầng áp bức bóc lột của thực dân Pháp và phát xít Nhật, chẳng khác gì “một cổ hai tròng”. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, độc chiếm nước ta. Khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc vẫn luôn cháy bỏng trong lòng Nhân dân Việt Nam nhưng vẫn chưa có được. 

Đầu năm 1945, Thế chiến thứ hai bước vào giai đoạn cuối. Hồng quân Liên Xô liên tiếp giành thắng lợi trên khắp các chiến trường châu Âu. Lần lượt phát xít Ý và Đức tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh. Ở châu Á, Hồng quân Liên Xô đánh tan đạo quân Quan Đông thiện chiến của Nhật, đồng thời đế quốc Mỹ cũng ném hai quả bom nguyên tử xuống Hiroshima (6/8/1945) và Nagasaki (9/8/1945) đã buộc phát xít Nhật phải đầu hàng vô điều kiện vào ngày 15/8/1945. Thế chiến thứ hai kết thúc. 

Theo thỏa thuận của các nước thắng trận, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp đang lăm le dựa vào quân Đồng minh để khôi phục địa vị thống trị của chúng. Đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương. 

2. Sau khi Nhật đảo chính Pháp, ngay trong đêm 9/3/1945, Đảng ta đã phát động một cao trào cách mạng làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa. Đảng chủ trương thay đổi các hình thức tuyên truyền, cổ động, tổ chức và đấu tranh cho phù hợp với tình hình mới. Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 15/4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ để quyết định nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc thống nhất các lực lượng vũ trang lúc bấy giờ thành Việt Nam giải phóng quân.

Từ tháng 4/1945 trở đi, cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra rất mạnh mẽ và rộng khắp cả nước. Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng trong cả nước và chuẩn bị tiến hành Đại hội Quốc dân. Tháng 8/1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang), Bác đã nhận định: “Lúc này, thời cơ thuận lợi cho ta đã tới, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Đảng ta đã quyết định phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương. Đảng cũng đề ra ba nguyên tắc bảo đảm cho Tổng khởi nghĩa thắng lợi đó là: Tập trung, Thống nhất, Kịp thời. Ngày 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1, hiệu triệu toàn dân Tổng khởi nghĩa. Ngày 16/8/1945, Đại hội Quốc dân Tân Trào đã thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”, thông qua “Lệnh Tổng khởi nghĩa”, quyết định Quốc kỳ là lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa, Quốc ca là bài Tiến quân ca, thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Ngày 18/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước Tổng khởi nghĩa, trong đó nêu rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Nhân dân cả nước đồng loạt vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền. Mở đầu cho cuộc Tổng khởi nghĩa là ngày 16/8/1945, một đơn vị Quân giải phóng do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy, từ Tân Trào tiến về và giải phóng Thái Nguyên. Tiếp đến ngày 19/8, Nhân dân Hà Nội vùng lên khởi nghĩa và giành thắng lợi vang dội. Ngày 23/8, khởi nghĩa ở Huế tiếp tục giành thắng lợi. Ngày 25/8, Nhân dân vùng Sài Gòn - Gia Định cũng vùng lên khởi nghĩa và giành thắng lợi. Cả nước đang sục sôi khí thế cách mạng “long trời lở đất”, Nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược đều vùng lên tranh đấu, giành chính quyền. Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại thoái vị, chấm dứt sự tồn tại của chế độ phong kiến chuyên chế hàng nghìn năm ở nước ta. 

Như vậy, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa đã hoàn toàn thắng lợi, Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ, chính quyền đã về tay Nhân dân ta. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đại diện cho Chính phủ lâm thời, trịnh trọng đọc bản “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á. 

3. Có nhiều nguyên nhân góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945. Nhưng trước hết là nhờ vai trò lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ khi Đảng Cộng sản ra đời ngày 3/2/1930, Đảng đã soi đường, dẫn lối cho cả dân tộc đi về phía ánh sáng cách mạng, từng bước thoát khỏi đêm trường tăm tối, hướng đến tương lai tươi đẹp. Đảng đã tập hợp và gắn kết quần chúng Nhân dân, đề ra những quyết sách đúng đắn và phù hợp với tình hình thực tiễn, sẵn sàng đảm nhận trọng trách với Tổ quốc với Nhân dân, Đảng chèo lái con thuyền cách mạng vượt qua muôn vàn sóng gió để đến bến bờ thắng lợi... 

Thứ đến là nhờ Nhân dân ta vốn có lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, không cam chịu làm nô lệ, biết đoàn kết đấu tranh kiên cường bất khuất, luôn cháy bỏng khát vọng độc lập tự do, son sắt vững tin vào Đảng và cách mạng. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 cũng nhờ quá trình chuẩn bị lâu dài, kĩ lưỡng, chu đáo suốt 15 năm, từ các cao trào cách mạng trước đó: 1930 - 1935, 1936 - 1939, 1939 - 1945. Ngoài ra, thời cơ thuận lợi “ngàn năm có một” khi quân Đồng minh đã chiến thắng phát xít cũng giúp cho Nhân dân ta nhanh chóng giành thắng lợi.

4. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công rực rỡ là bước ngoặt vĩ đại của dân tộc. Thành quả cách mạng đã phá tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp hơn 80 năm, xóa bỏ ách thống trị của phát xít Nhật trong 5 năm, lật đổ chế độ phong kiến chuyên chế hàng nghìn năm. Từ đây, lịch sử sang trang mới, mở ra kỉ nguyên độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc cho dân tộc. Cách mạng tháng Tám còn đánh dấu sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam và chứng tỏ Đảng ta đủ khả năng lãnh đạo Nhân dân để giành thắng lợi về sau. Bên cạnh đó, Cách mạng tháng Tám vừa cổ vũ mạnh mẽ phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trên khắp thế giới, vừa góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít để kết thúc Thế chiến thứ hai.

Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn vẹn nguyên những bài học quý giá để chúng ta càng thêm tự hào về Đảng quang vinh và Nhân dân anh hùng. Tự hào về Đảng đã đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn, sáng suốt; đã nhận định chính xác về tình hình trong nước và thế giới; có khả năng tập hợp quần chúng Nhân dân và tổ chức các lực lượng yêu nước trong cả nước; biết chớp thời cơ và vận dụng sáng tạo nghệ thuật quân sự để cô lập kẻ thù, tiến tới đánh bại chúng…

Chúng ta tự hào về Nhân dân Việt Nam anh hùng, kiên cường, bất khuất, sẵn sàng hi sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Lòng yêu nước thiết tha, niềm tin vào Đảng, ý chí quật khởi, tinh thần đoàn kết của Nhân dân Việt Nam, những người “Không ai nhớ mặt đặt tên/ Nhưng họ đã làm ra Đất Nước” (Nguyễn Khoa Điềm) chính là nhân tố cốt lõi làm nên chiến thắng. Chung quy lại là bài học về ý Đảng, lòng dân!

Đã 79 năm trôi qua nhưng hào khí cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân ta, là biểu tượng cho khát vọng tự do, độc lập của cả dân tộc. Việc tìm hiểu về cuộc Cách mạng tháng Tám vĩ đại sẽ giúp chúng ta vững tin vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sức mạnh to lớn của Nhân dân; vừa kế thừa, phát huy và vận dụng những bài học quý giá đó trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.