Đọc tất cả các bản Di chúc mà Người viết, tất cả đều là những điều đau đáu với dân, với nước, lo cho mai sau từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ.
Bản Di chúc công bố ngày 9/9/1969 trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là tập hợp nội dung toàn bộ các bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc công bố năm 1969 là bản đã được tổng hợp, chỉnh sửa đề phù hợp với yêu cầu và thời cuộc khi ấy. Về vấn đề này, Thông báo số 151 đã giải thích và khẳng định: “Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương (khóa VI) khẳng định bản Di chúc đã công bố bảo đảm trung thành với bản gốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Tất cả các nội dung thay đổi, sửa chữa đã được Bộ Chính trị báo cáo và giải trình cụ thể trong Thông báo này.
Đọc lại toàn bộ các bản Di chúc của Người, nhận thấy Bác thường dùng những từ “Đảng cần”, “tôi mong rằng” “tôi tin chắc rằng”, “chớ”, “thì nên”, “điều mong muốn”, “nên”, “không nên”, “theo ý tôi”, “tôi có ý đề nghị”… Chỉ có duy nhất một nội dung Người đã dùng chữ “yêu cầu” đó là về việc riêng của Người - việc hỏa táng. Cả 2 bản viết năm 1965 và 1968 Chủ tịch Hồ Chí Minh đều căn dặn về việc này và đều dùng từ “yêu cầu”: “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, nói chữ là hỏa táng” (Bản năm 1965) và “Tôi yêu cầu thi hài tôi được đốt đi, tức là hỏa táng” (Bản năm 1968). Điều này khẳng định Người rất quan tâm đến việc hậu sự và mong muốn cũng như yêu cầu việc hỏa táng với mong muốn hình thức này sau này sẽ được phổ biến và cho rằng đó là việc: “đối với người sống đã tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất ruộng. Khi ta có điều kiện, thì “điện táng” càng tốt hơn ”. Những lời căn dặn “về việc riêng” của Người cũng cho thấy tầm dự báo và khả năng tư duy vượt trước thời đại của Người trong vấn đề xây dựng một nền văn hóa mới và bảo vệ môi sinh, môi trường.
Tất nhiên, về việc riêng, chúng ta đã không làm theo lời dặn của Người. Bộ Chính trị đã có giải thích, đó là: “Sở dĩ trước đây chưa công bố đoạn Bác viết về yêu cầu hỏa táng là vì thể theo nguyện vọng và tình cảm của Nhân dân, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) thấy cần thiết phải giữ gìn lâu dài thi hài của Bác để sau này đồng bào cả nước, nhất là đồng bào miền Nam, bè bạn quốc tế có điều kiện tới viếng Bác, thể hiện tình cảm sâu đậm đối với Bác. Chính vì lẽ đó mà chúng ta đã xin phép Bác về điểm này được làm khác với lời Bác dặn”.
Những đoạn căn dặn của Bác trong Di chúc viết năm 1968 chưa nêu trong bản Di chúc công bố năm 1969. Tuy nhiên, về cơ bản đó là những vấn đề cụ thể, thiết thực mà Đảng, Nhà nước ta đã cố gắng thực hiện và làm theo, trong đó có những việc cụ thể như đề nghị miễn thuế nông nghiệp cho nông dân của Bác. Trong bản Di chúc viết năm 1965, về Đảng, Bác căn dặn: “Trước hết nói về Đảng” và căn dặn rất nhiều điều về đoàn kết, về thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, về thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, về thương yêu lẫn nhau. Người căn dặn: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của Nhân dân”. Đến bản viết năm 1968, Người căn dặn Đảng và Chính phủ những công việc hết sức nhân văn và đề nghị “trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng”; sau đó là “Đầu tiên là công việc đối với con người”. Người căn dặn: “Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước... thắng lợi, công việc toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức làm là phải mau hàn gắn vết thương nghiêm trọng do đế quốc Mỹ gây ra... Chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo, để tránh khỏi bị động, thiếu sót và sai lầm. Theo ý tôi, việc phải làm ngay trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng...
Đầu tiên là công việc đối với con người. Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”.
Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho Nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Những chiến sĩ trẻ tuổi... được rèn luyện trong chiến đấu... cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành các nghề, để đào tạo thành những cán bộ, công nhân có kỹ thuật giỏi... Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo... Đối với nạn nhân của chế độ xã hội cũ như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu… thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp đỡ họ trở nên những người lao động lương thiện... Tôi có ý đề nghị miễn giảm thuế nông nghiệp 1 năm cho các hợp tác xã nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm niềm phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất... Ở đây nói về kế hoạch xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ, đàng hoàng hơn trước chiến tranh. Khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; Phát triển công tác vệ sinh, y tế. Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp với hoàn cảnh mới của Nhân dân, như phát triển các trường nửa ngày học, nửa ngày lao động... Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.
Tất cả các nội dung này đã được Đảng và Chính phủ tổ chức thực hiện như di nguyện của Bác từ việc: Xây dựng và chỉnh đốn Đảng, hàn gắn vết thương chiến tranh; xây dựng các nghĩa trang liệt sĩ; sửa đổi giáo dục… Riêng ý nguyện của Bác về việc miễn thuế nông nghiệp cho nông dân một năm, do hoàn cảnh khó khăn lúc bấy giờ và khi ấy thuế nông nghiệp là nguồn thu chính của đất nước nên Quốc hội đã quyết định miễn mỗi năm một nửa trong 2 năm. Ngày 30/6/1990, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đã ký Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện di nguyện này của Bác, sau đó nông dân toàn quốc đã được miễn thuế mỗi năm một nửa trong 2 năm: “Thực hiện miễn thuế nông nghiệp theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hai năm 1990 và 1991, mỗi năm miễn 50% theo số thuế ghi thu tính theo hạng đất năm 1989”.
Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên, khi phần chung về việc riêng trong Di chúc của Người ở bản viết năm 1968 có 79 chữ, sau đó mới đi vào những vấn đề cụ thể về căn dặn việc hỏa táng. Trong bản Di chúc công bố năm 1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam đã lấy nguyên văn đoạn 79 chữ này.
Nghiên cứu và tìm hiểu quá trình viết Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể thấy Bác rất sáng suốt, minh mẫn khi viết các bản Di chúc này. Đọc lại toàn bộ các bản Di chúc của Bác, thấy rằng Người đã đau đáu lo cho hiện tại, cho tương lai của nước nhà, đã căn dặn bao quát tất cả những công việc của đất nước từ to đến nhỏ, từ xa đến gần. Hiểu về quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh viết Di chúc, chúng ta càng thêm kính yêu và thương Bác nhiều hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin