Sống mãi ký ức Trường Sơn 

NHẬT QUỲNH 06:25, 02/08/2024

Dù chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng những ký ức hào hùng về một thời “xẻ dọc Trường Sơn” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những chiến sĩ Trường Sơn. Đường Trường Sơn, hay đường mòn Hồ Chí Minh, không chỉ là một tuyến đường chiến lược góp phần to lớn kết thúc thắng lợi vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, thu non sông về một mối mà còn là biểu tượng cho ý chí kiên cường và lòng dũng cảm của một dân tộc quyết chiến, quyết thắng. 

Những ký ức hào hùng về một thời “xẻ dọc Trường Sơn” vẫn còn vẹn nguyên 
trong tâm trí của những chiến sĩ Trường Sơn
Những ký ức hào hùng về một thời “xẻ dọc Trường Sơn” vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của những chiến sĩ Trường Sơn

KÝ ỨC VỀ NHỮNG “ĐOÀN XE KHÔNG KÍNH”

Những ngày tháng 7, Đà Lạt mưa dầm, Thượng tá Nguyễn Khắc Hạp (82 tuổi) - cựu binh Trường Sơn lại thêm nhớ về đồng đội, về những ngày gian khổ, hiểm nguy nhưng anh dũng, hào hùng của một thời “xẻ dọc Trường Sơn” đi cứu nước.

Sinh ra và lớn lên ở Nghệ An - vùng đất giàu truyền thống cách mạng, như bao thanh niên thời đó, ông Hạp xung phong lên đường nhập ngũ, mang trong mình lòng yêu nước, quyết tâm chiến đấu, đánh đuổi kẻ thù, thống nhất đất nước. Sau thời gian hoạt động tại Lữ đoàn Pháo binh (Quân khu 4), đến năm 1965, ông được điều đến Trường Sơn, cùng Tiểu đoàn 734 - thuộc Trung đoàn 17, Sư đoàn 571, Binh chủng xe - chuyển tải hàng hóa thiết yếu, vũ khí, quân trang… chi viện cho “miền Nam ruột thịt”.

Gần 60 năm trôi qua, hình ảnh những chuyến xe băng rừng, lội suối, giữa đêm khuya mưa lạnh, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Xe không chỉ mang theo hàng hóa, vũ khí và lương thực cần thiết cho tiền tuyến miền Nam, mà còn có tình cảm của hậu phương, niềm tin chiến thắng và hy vọng về một ngày đất nước hòa bình. Vì vậy, đối với những người lính Trường Sơn, nhiệm vụ giữ và bảo vệ an toàn cho đoàn xe là ưu tiên hàng đầu. Đường Trường Sơn gập ghềnh, bom cày đạn xới; một bên là đèo cao, bên kia là vực thẳm, nhưng các anh vẫn vững vàng tay lái, tiến thẳng về miền Nam. 

“Dù di chuyển trong đêm tối nhưng xe chỉ được sử dụng đèn gầm để chiếu sáng để tránh địch phát hiện. Xe nào cũng phải đập bỏ kính lái phía trước để dễ quan sát đường đi và tránh pháo sáng của địch. Lái xe Trường Sơn không nghĩ tới ngày mai, sống được ngày nào hay ngày đó. Đồng đội hy sinh rất nhiều, mỗi tháng đơn vị lại phải bổ sung quân một lần”, ông Hạp nhớ lại.

Thậm chí, nhiều người lính còn được đồng đội tổ chức lễ “truy điệu sống” trước khi lên xe. Đến đoạn đường có bom từ trường, các anh dũng cảm, xung phong đi trước phá bom, nguyện lấy cái chết để đoàn xe được tiến lên.

Mỗi lần nhắc đến những ngày tháng ấy, ông vẫn không thể quên những đồng đội đã ngã xuống trên con đường huyền thoại. Những cái tên, những gương mặt, những kỷ niệm cùng nhau chia sẻ miếng lương khô, ngụm nước giữa cơn khát cháy bỏng, tất cả như mới ngày hôm qua. Ông và đồng đội đã phải vượt qua biết bao gian khổ, hiểm nguy, luôn phải đối mặt với cái chết cận kề, nhưng không một ai nản lòng. Họ cùng nhau hát vang những bài ca cách mạng, động viên nhau tiếp tục chiến đấu “tất cả vì miền Nam ruột thịt”.

• NGÀY ĐÊM KHOÉT NÚI MỞ ĐƯỜNG

Để những “đoàn xe không kính” không ngừng tiến về phía trước, không thể không nhắc đến vai trò của những chiến sĩ công binh ngày đêm “sống bám cầu, bám đường; chết kiên cường, dũng cảm”. Dù địch đánh phá ác liệt cỡ nào, các anh vẫn quả cảm, lao động quên mình, ngày đêm khoét núi mở đường, rà phá, khắc phục bom, mìn… để “huyết mạch” Trường Sơn được thông suốt.

Trong số những người lính công binh anh dũng ấy, có Đại tá Nguyễn Văn Hòa (77 tuổi, hiện sống tại TP Đà Lạt). Tham gia mở đường Trường Sơn khi mới 18 tuổi, trong suốt 7 năm ròng, ông cùng đồng đội phá dỡ hàng ngàn bom, mìn, chướng ngại vật… để những chuyến xe “vì miền Nam ruột thịt” được an toàn lăn bánh vào trận địa.

Ông Hòa kể: “Thời điểm đó, kẻ địch không ngừng tìm mọi cách hòng phá hoại tuyến đường chiến lược này. Chúng thả nhiều bom nổ chậm, bom từ trường, bom phát quang… Đặc biệt nguy hiểm là bom từ trường, chỉ cần có tín hiệu của kim loại như xe vận tải, vũ khí của ta là bom sẽ tự động phát nổ.” 

Dù kẻ địch sở hữu nhiều vũ khí tối tân, trong khi quân ta chỉ có những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, rìu, dao… nhưng bộ đội ta vẫn không ngần ngại hi sinh xương máu để hoàn thành nhiệm vụ. Mỗi ngày, những người lính Trường Sơn phải đối mặt với hàng ngàn quả bom, mìn; có những đồng đội đã ngã xuống, nhưng không ai lùi bước. “Máu có thể đổ, nhưng đường không thể tắc” là “kim chỉ Nam” của bộ đội ta trong suốt những năm tháng gian khổ nhưng hào hùng đó. Có những ngày, tiểu đội 9 người, bị thương, hy sinh chỉ còn lại 2, 3 người, nhưng những người còn lại vẫn ra làm đường cho xe chạy. 

Theo thống kê, trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tuyến đường huyền thoại Trường Sơn đã hứng chịu 733.000 trận oanh kích của địch; 7,7 triệu quả bom, trọng lượng bốn triệu tấn bom đạn các loại (chiếm 50% tổng số bom đạn Mỹ dội xuống toàn Việt Nam). Vượt lên mưa bom, bão đạn, những người lính Trường Sơn anh dũng vẫn kiên trì, làm nên một hệ thống giao thông huyết mạch, thông suốt, gồm năm trục dọc, 21 trục ngang, với gần 20.000 km đường xe cơ giới. 

Nhờ vậy mà, bộ đội ta đã vận chuyển hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa và 5,5 triệu tấn xăng, dầu…; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ đi vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đồng thời, đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc, trong đó có gần 310.000 thương binh, bệnh binh. 

Những thống kê lịch sử này là minh chứng hùng hồn cho ý chí sắt đá, lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh cao cả của những người lính Trường Sơn. Các anh đã góp phần to lớn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tô thắm thêm truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc Việt Nam.