(LĐ online) - Danh tướng Võ Nguyên Giáp không chỉ là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam mà còn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Không chỉ vậy, ông còn là nhà ngoại giao xuất sắc trong vai trò Phó Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị trù bị tại Đà Lạt năm 1946.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phái đoàn Pháp tại Hội nghị trù bị Đà Lạt. Ảnh tư liệu |
Tiểu thuyết “Đường về Thăng Long” của Nguyễn Thế Quang (NXB Tổng hợp, TP Hồ Chí Minh, 2019) đã xây dựng nhân vật Võ Nguyên Giáp từ khi còn là một cậu bé để chỏm, học trò Trường Quốc học Huế, quá trình bôn ba tìm đường hoạt động cách mạng cho đến khi trở thành Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Bài viết này tập trung vào hình ảnh Võ Nguyễn Giáp khi tham gia phái đoàn đàm phán ở Đà Lạt, qua tiểu thuyết lịch sử này như một cách biểu hiện sự kính trọng, biết ơn nhân ngày sinh của Đại tướng: 25 tháng 8 này.
• VÕ NGUYÊN GIÁP - NHÀ NGOẠI GIAO TÀI BA
Với dung lượng gần 600 trang sách, cuốn tiểu thuyết “Đường về Thăng Long” đã được tác giả Nguyễn Thế Quang xây dựng, tái hiện lại công cuộc tìm đường, nhận đường và trở về Thăng Long của tầng lớp trí thức người Việt như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tường Tam,... Dù với vai trò, cương vị nào thì Võ Nguyên Giáp luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đặc biệt, trong vai trò là một Phó Trưởng đoàn Việt Nam tham gia Hội nghị trù bị tại Đà Lạt năm 1946, Võ Nguyên Giáp đã thể hiện rõ bản lĩnh của một nhà ngoại giao kiệt xuất.
So với dung lượng của cuốn tiểu thuyết, nội dung viết về Hội nghị trù bị tại Đà Lạt chỉ chiếm 36 trên tổng số 600 trang sách, song với ngòi bút sáng tạo của mình, nhà văn Nguyễn Thế Quang đã làm toát lên được vị thế của phái đoàn Việt Nam trước, trong và sau khi diễn ra Hội nghị. Cùng với đó là hình ảnh của Phó Trưởng đoàn Võ Nguyên Giáp - Chủ tịch Ủy viên kháng chiến hội. Vốn xuất thân là một nhà giáo dạy sử, trải qua quá các trận chiến đầu tiên của quân đội ta để trở thành một nhà quân sự nên Võ Nguyên Giáp chưa từng chinh chiến trên “chiến trường” ngoại giao. Vì vậy, đến với Hội nghị trù bị tại Đà Lạt, Võ Nguyên Giáp và phái đoàn mang tâm thế: “Chúng tôi muốn hòa bình, muốn quan hệ thực thà với nước Pháp nhưng hòa bình trong tự do và trong danh dự chứ không phải hòa bình trong nô lệ và sỉ nhục. Chúng tôi đến đây để bàn về hiệp định sơ bộ tiến tới sự hợp tác tốt đẹp với nước Pháp nên chúng tôi vẫn giữ yêu cầu: chúng ta phải bàn và tìm những biện pháp ngừng chiến đệ trình lên hai chính phủ” [trang 343]. Bởi vậy, khi thực dân Pháp dùng những thủ đoạn đê hèn để dồn phái đoàn của ta vào thế khó, thậm chí dùng những luận điệu xảo trá để chia cắt đất nước, chia cắt dân tộc, Võ Nguyên Giáp đã đưa ra những lập luận chặt chẽ để bác bỏ ngay: “Nói ở Nam kỳ không có chiến sự là phủ nhận sự thật một cách trắng trợn. Các ông gọi đó là những hoạt động cảnh sát tức là những hoạt động trừng trị bọn lưu manh, côn đồ để bảo vệ trật tự. Thế là bộ đội chúng tôi bị coi như bọn côn đồ. Không! Họ là những người chiến sĩ du kích, chân đi đất nhưng trái tim họ yêu nước, tinh thần họ bất khuất, quyết chiến để bảo vệ độc lập dân tộc” [342]. Với những lập luận sắc sảo ấy, thành viên Nguyễn Mạnh Tường phải thốt lên: “Thái độ nói vừa nhã nhặn vừa kiên quyết, biết kiềm chế và biết cả tấn công với giọng điệu hùng hồn có tính thuyết phục cao, đó là phẩm chất cần thiết của một nhà ngoại giao” [343].
Trong một phiên họp khác khi bàn về vấn đề Liên bang Đông Dương, Pháp luôn chủ ý áp đặt lên vùng đất này cả về chính trị, ngoại giao lẫn kinh tế, văn hóa dưới sự điều hành của một viên Cao ủy Pháp. Võ Nguyên Giáp rất điềm tĩnh đứng lên bày tỏ thái độ một cách dõng dạc và dứt khoát: “Chúng tôi tuyên bố kết thúc thời đại của các quan toàn quyền” [350]. Buổi họp cuối cùng có thể được xem là cam go, gay cấn nhất, quyết định đến thành bại của Hội nghị. Ngay từ đầu, khi đề cập đến vấn đề Nam Bộ phái đoàn Việt Nam đã gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Đến lúc này, sau hơn một tháng hội đàm lập trường của hai bên vẫn chưa đi đến sự thống nhất cuối cùng. Phía Pháp vẫn ngoan cố theo đuổi lập trường của phe thực dân, nên họ bước vào phòng họp với vẻ lạnh lùng, kiêu hãnh và ngang nhiên đòi tước đoạt quyền tự quyết của dân tộc, tước đoạt lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam. Mặc dù đêm trước đó Võ Nguyên Giáp và toàn thể phái đoàn của ta xác định: “Phiên cuối này, chúng ta càng phải làm cho Pháp biết không thể khuất phục được người Việt” [358], song trước sự trơ trẽn của D’Arcy và Messmer tất cả mọi người đều cảm thấy uất hận, phải cố nén cảm xúc để tìm giải pháp tốt nhất cho dân tộc. Đỉnh điểm là thái độ dứt khoát của Võ Nguyên Giáp: “…mặt đỏ bừng đứng dậy đưa đôi mắt mở to phóng những tia sáng giận dữ về phía phái đoàn Pháp, rồi ôm cặp, bước nhanh ra ngoài” [362]. Hành động này thấy được sự mạnh mẽ, dứt khoát của ông trước luận điệu xảo trá của thực dân đế quốc. Như vậy, dù chỉ thông qua Hội nghị trù bị tại Đà Lạt, với cương vị của một phó trưởng đoàn song ông đã phát ngôn, tranh biện, đấu trí như một Trưởng đoàn vậy. Với những gì mà Võ Nguyên Giáp đã đóng góp cho công tác đối ngoại cũng đã đủ cho thấy vóc dáng một nhà ngoại giao tầm cỡ, rất thông minh, quyết đoán và cứng rắn. Có lẽ vì thế mà người Pháp đã gọi ông là “ngọn núi lửa phủ tuyết”.
• PHONG CÁCH NGOẠI GIAO VÕ NGUYÊN GIÁP
Để có được một Võ Nguyên Giáp - nhà ngoại giao tài ba tại Hội nghị trù bị Đà Lạt không thể không nói đến một Võ Nguyên Giáp trong vai trò của một nhà quân sự kiệt xuất. Tài thao lược của Võ Nguyên Giáp được thể hiện rất rõ ở tư duy giữ vững thế chủ động, đánh giá tương quan lực lượng khách quan, khoa học, qua đó buộc đối phương phải chuyển từ thế chủ động sang bị động, buộc đối phương phải đánh theo cách đánh truyền thống của ta. Điều này được Võ Nguyên Giáp áp dụng ngay khi đến dự Hội nghị trù bị tại Đà Lạt. Khi hay tin: “Đô đốc d’Argenlieu không làm trưởng đoàn mà thay vào đó là Max André – Phó Chủ tịch quận Seine. Nước Pháp đã coi chúng ta là hàng đại biểu địa phương” [335] thì Võ Nguyên Giáp đã vô cùng gay gắt: “Ông ta tự cho mình là toàn quyền Đông Dương chắc” [335]. Vì thế, để không rơi vào thế bị động trên “chiến trường” ngoại giao, Võ Nguyên Giáp đã đề nghị đoàn ta cử một người sang nói với phía Pháp là Trưởng đoàn đại biểu Việt Nam đề nghị gặp D’Argenlieu để thương lượng về những thủ tục do phía Pháp vừa nêu ra. Hay như khi Max André đưa cho bác Giáp một bức thư đòi can thiệp thả mấy người bị bắt ở Nam Bộ với lời lẽ hăm dọa, ông bình thản trả lời: “Việc đó thuộc phạm vi và quyền hạn của địa phương” [341] đã chứng tỏ bản lĩnh cách mạng của một nhà cầm quân.
Trước phái đoàn ngoại giao Pháp, với vai trò Phó trưởng đoàn Ngoại giao Việt Nam, Võ Nguyên Giáp đã dõng dạc tuyên bố: “Chúng tôi tuyên bố kết thúc thời đại của các quan toàn quyền” [350] đã làm cho mọi người hết sức kinh ngạc nhưng cũng đầy thán phục. Đến ngay cả Nguyễn Tường Tam – Trưởng phái đoàn cũng phải thốt lên: “không ngờ anh giáo trường Thăng Long trắng trẻo, đẹp trai, cứ tưởng hiền lành như con gái lại là một con người mạnh mẽ, thao lược đến thế… Giáp nói vậy là có cái lý của anh ta. Anh ta chỉ huy cả một đạo quân đã góp phần giành chính quyền năm 1945. Và anh ta cùng những người đồng chí của mình đã thắng. Giờ anh ta là Chủ tịch ủy viên kháng chiến hội của cả nước - điều hành cuộc chiến và chịu trách nhiệm trước dân tộc” [353]. Nguyễn Mạnh Tường cũng không tiếc lời ca ngợi: “…phản ứng tức thì, nắm chắc luật pháp mà nói được như vậy chứng tỏ là một người thông tuệ. Biết tùy đối tượng mà có cách nói vừa biết tranh thủ vừa lung lạc tinh thần là am hiểu thuật đánh vào lòng người” [343].
Khi cuộc hội đàm Pháp - Việt kết thúc mà không mang lại kết quả như mong muốn, trái lại còn là sự bắt đầu cho cuộc chiến của hai nước (theo nhận xét của Hoàng Xuân Hãn). Dù với thái độ: “…mặt đỏ bừng đứng dậy đưa đôi mắt mở to phóng những tia sáng giận dữ về phía phái đoàn Pháp” [362], ngay sau đó Võ Nguyên Giáp đã kịp định thần và xác định được nhiệm vụ của mình sau khi cuộc gặp mặt này kết thúc: “Phải chăng, cánh cửa ngoại giao đã khép lại, cuộc chiến thực sự bắt đầu? lòng anh dấy lên mối lo. Anh sẽ phải đảm nhận gánh vác cuộc chiến ấy?” [363] và “Phải ăn để có sức cho cuộc chiến sắp tới ác liệt hơn nhiều, anh ạ” [367]. Thật là một nhà cầm quân mạnh mẽ, sâu sắc và có tầm nhìn sâu rộng.
• NHÂN CÁCH NGƯỜI TRÍ THỨC VÕ NGUYÊN GIÁP
Trong khoảng thời gian trước, trong và sau khi diễn ra Hội nghị tại Đà Lạt thì tư tưởng, nhân cách người trí thức Võ Nguyên Giáp càng được mọi người hiểu, yêu quý và trân trọng hơn. Khi tới Đà Lạt để tham dự Hội nghị, Nguyễn Tường Tam và Võ Nguyên Giáp được giao trọng trách là Trưởng đoàn và Phó đoàn song: “Hai vị trưởng phó đoàn - hai khuynh hướng chính trị khác nhau này có cùng nhau chèo chống cho con thuyền êm chèo, mát mái hoàn thành sứ mệnh của mình không?” [334]. Chỉ sau một thời gian ngắn làm việc với phái đoàn Pháp, những lo âu, suy nghĩ ở trên đều được dập tắt, thay vào đó là tình cảm yêu mến, trân trọng và tin tưởng vào người trí thức cách mạng chân chính Võ Nguyên Giáp. Hoàng Xuân Hãn nhận xét: “Chỉ có hơn một tuần làm việc cùng nhau, Giáp đã phá tan được định kiến bao nhiêu năm nay của một đảng trưởng chống đối mình và chính quyền của mình… Chính nhờ vậy mà Giáp đã chinh phục được Tam” [341]. Cho đến tới lúc này Nguyễn Tường Tam đã phải hối hận: “Giá như mình hiểu được điều này sớm hơn” [341] và thẳng thắn thừa nhận: “Khi trước, anh em phái Quốc gia và anh em phái Cộng sản không hiểu nhau. Sau một tuần làm việc với nhau thấy ai cũng đồng lòng yêu nước. Có người trước nay mang tiếng thân Pháp nay cũng đều đấu tranh cho nền độc lập quốc gia” [339].
Mặt khác, dù với vai trò Chủ tịch ủy viên kháng chiến hội, Phó Trưởng phái đoàn Việt Nam, Võ Nguyên Giáp luôn tỏ thái độ khiêm nhường, kính trọng đối với tất cả các anh em trong phái đoàn. Võ Nguyên Giáp tự nhận: “Mà đi đánh giặc, dân mình quen rồi, nhiều người làm được. Còn những người tranh đấu ở đây rất ít người – nếu không muốn nói không có ai làm được như các anh. Không có các anh, cuộc chiến ngoại giao lần này khó khăn lắm” và cũng thừa nhận “Tiếc rằng tôi đã… không biết các anh sớm hơn” [351].
Bởi vậy, dù kết thúc Hội nghị với một kết quả không được như mong muốn, hai bên Pháp – Việt lại chuẩn bị bước vào cuộc chiến mới song ai nấy trong phái đoàn Việt Nam đều mang một tâm trạng rạo rực và có một niềm tin mãnh liệt vào tương lai của đất nước. Bởi lẽ, dù thất bại trên chiến trường ngoại giao song chúng ta lại thắng lợi trên “chiến trường tư tưởng”. Tất cả mọi người trong phái đoàn của ta, bất kể tuổi tác, ngành nghề, đảng phái chính trị đều thống nhất trong “bổn phận của người trí thức khi đất nước bị xâm lăng”.
Với sự ưu việt trong nghệ thuật xây dựng nhân vật của tiểu thuyết lịch sử, nhà văn đã khắc họa nên nhân vật Võ Nguyên Giáp với đầy đủ các khía cạnh của một vĩ nhân kết hợp với đời thường. Điều này đã giúp cho độc giả có được cái nhìn bao quát, toàn diện để thêm yêu mến, kính trọng một nhân vật lịch sử mang tầm thời đại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin