(LĐ online) - Ngày 25/9, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) tỉnh đã chủ trì Phiên họp thứ 9.
Đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chỉ đạo PCTNTC tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ đấu tranh PCTNTC cần phải quyết liệt, phải phòng chống ngay trong chính lực lượng làm nhiệm vụ PCTNTC |
Tham dự phiên họp có đông đủ các thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh, các đồng chí: Nguyễn Khắc Bình - Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ; Vũ Tuấn Anh - Phó Trưởng Ban Phụ trách Ban Nội chính Tỉnh uỷ; Đinh Xuân Huy - Phó Giám đốc, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh; cùng đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan.
Phiên họp được tổ chức nhằm đánh giá hoạt động 9 tháng đầu năm, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm 2024; xem xét, đánh giá kết quả giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Ban Chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo xử lý trong 9 tháng đầu năm 2024; xem xét, cho ý kiến, thống nhất về Dự thảo Quy định tiêu chí và trình tự, thủ tục đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và kết thúc theo dõi, chỉ đạo.
Phát biểu mở đầu Phiên họp thứ 9, Quyền Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Thái Học đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo và lãnh đạo, thủ trưởng các cơ quan nội chính của tỉnh cho ý kiến, xem xét, đánh giá về báo cáo hoạt động 9 tháng, xác định phương hướng nhiệm vụ 3 tháng cuối năm và đề xuất giải pháp, biện pháp cụ thể để phát huy hiệu quả tốt nhất trong công tác PCTNTC hiện nay.
Đồng thời, đánh giá công tác đấu tranh PCTNTC trong thời gian qua đạt được kết quả như thế nào và còn tồn tại, hạn chế những gì; cần bàn lại, đánh giá kỹ hơn, nhận diện rõ, sát đúng thực tế, không dựa vào báo cáo chung chung, từ đó mới đề ra giải pháp hiệu quả trong thời gian tới.
Đồng chí Nguyễn Thái Học cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo tăng cường nắm sát tình hình dư luận và Nhân dân bức xúc, phản ánh liên quan các lĩnh vực như tài nguyên môi trường, hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, công tác cán bộ… có hay không việc tiêu cực, nhũng nhiễu để từ đó có biện pháp, giải pháp giải quyết, xử lý dứt điểm. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện nhiệm vụ đấu tranh PCTNTC hiện nay như thế nào? Những vụ án thuộc diện Ban Thường vụ, Ban Chỉ đạo PCTNTC theo dõi, chỉ đạo đã thực hiện đến đâu, kết quả ra sao, vụ nào kết thúc, vụ nào đang làm, khó vướng chỗ nào, tập trung xử lý rốt ráo, không dây dưa kéo dài, góp phần củng cố, tạo niềm tin trong Nhân dân.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng và các ban của Tỉnh ủy tham gia phiên họp |
CÔNG TÁC ĐẤU TRANH PCTNTC ĐƯỢC NHÂN DÂN QUAN TÂM VÀ ĐỒNG TÌNH ỦNG HỘ
Tại phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh đã thống nhất nhận định, đánh giá một số nội dung. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm 2024, công tác PCTNTC tiếp tục được Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc, có hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTNTC tại địa phương.
Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTNTC, văn hóa liêm chính trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đẩy mạnh bằng nhiều hình thức phong phú,đa dạng; trọng tâm là tuyên truyền, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc, báo chí và Nhân dân trong công tác PCTNTC ngày càng được phát huy hiệu quả, tích cực.
Hoạt động của Ban Chỉ đạo, Thường trực Ban Chỉ đạo được tổ chức, thực hiện nề nếp, bài bản, đúng quy chế và chất lượng được nâng lên; Trưởng Ban Chỉ đạo và các thành viên Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác PCTNTC tại địa phương nên trong 9 tháng đầu năm, đặc biệt là trong Quý 3/2024 nhiều vụ án, vụ việc về tham nhũng, tiêu cực được phát hiện và chỉ đạo xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định pháp luật; kỷ luật, kỷ cương hành chính tại nhiều cơ quan, địa phương, đơn vị từng bước được nâng lên; công tác đấu tranh PCTNTC được Nhân dân trên địa bàn tỉnh quan tâm và đồng tình ủng hộ.
Các cơ quan, địa phương, đơn vị đã chủ động phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là trong lĩnh vực tài nguyên môi trường, quản lý đất đai, quản lý đầu tư xây dựng cơ bản,... Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo xử lý; đồng thời, đưa 1 vụ việc vi phạm về trật tự xây dựng được dư luận quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo; kiến nghị Ban Chỉ đạo Trung ương cho kết thúc theo dõi, chỉ đạo đối với 3 vụ án, vụ việc tại địa phương. Các Cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 14 vụ/18 bị can; ban hành kết luận điều tra 13 vụ/32 bị can; truy tố 18 vụ/33 bị can; giải quyết, xét xử 17/27 bị cáo phạm tội tham nhũng, tiêu cực.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về PCTNTC và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh về tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh. Ủy ban Kiểm tra các cấp đã phát hiện 4 tổ chức đảng, 8 đảng viên có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật, 3 đảng viên phải xử lý kỷ luật; thi hành kỷ luật 18 đảng viên liên quan đến các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực. Ngành thanh tra đã kiến nghị xử lý kỷ luật đối với 2 trường hợp có hành vi tiêu cực; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra. Công an tỉnh phát hiện, xử lý kỷ luật 21 trường hợp có hành vi tham nhũng, tiêu cực. Ban Chỉ đạo hoàn thành 1 cuộc giám sát công tác PCTNTC đối với 1 cấp ủy cấp huyện, qua giám sát đã có các kiến nghị chấn chỉnh đối với các khuyết điểm, tồn tại, hạn chế.
Các thành viên Ban Chỉ đạo đã thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; chuyển trọng tâm từ phòng, chống tham nhũng sang phòng, chống tiêu cực; xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực trong các lĩnh vực, ngành, địa bàn được giao quản lý, theo dõi. Với tinh thần vi phạm đến đâu xử lý tới đó theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không bao che, dung túng. Qua công tác tiếp dân tháng 9/2024, Trưởng ban Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan tập trung điều tra xử lý hành vi vi phạm của cán bộ thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, hiện nay đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định.
Công tác thu hồi tài sản trong các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan tiến hành tố tụng và thi hành án dân sự các cấp thực hiện đạt hiệu quả cao. Trong 9 tháng đầu năm 2024, các cơ quan tiến hành tố tụng đã thu hồi 14.800,8 triệu đồng/40.131,7 triệu đồng (tỷ lệ 36,9%); các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi số tiền 160,75 tỷ đồng/161,65 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 99,4%).
Quang cảnh Phiên họp lần thứ 9 của Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh Lâm Đồng |
TÌNH HÌNH THAM NHŨNG, TIÊU CỰC CÒN DIỄN BIẾN PHỨC TẠP
Các thành viên Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh cũng đã thống nhất nhận định một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác PCTNTC. Đó là: Tình hình tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh còn diễn biến phức tạp, trong khi công tác phát hiện, xử lý vi phạm thời gian qua chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ PCTNTC trong giai đoạn hiện nay; còn xảy ra những vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng; một số cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước dẫn đến phải xử lý hình sự và kỷ luật theo quy định.
Tình trạng làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn xảy ra ở một số cơ quan, đơn vị.
Việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực của các cơ quan chức năng qua công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ tuy được quan tâm thực hiện nhưng còn hạn chế.
Việc xử lý, giải quyết một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo còn chậm tiến độ.
Nguyên nhân của hạn chế, khuyết điểm là: Nhận thức của một số cấp ủy đảng, cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị về công tác PCTNTC chưa đầy đủ, chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, các giải pháp thực hiện chưa đồng bộ.
Thành viên Ban Chỉ đạo chưa thật sự quyết liệt, nhất là trong ngành, lĩnh vực, địa phương do mình theo dõi, phụ trách chỉ đạo; chưa chủ động, quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, bộ phận chức năng giải quyết đúng tiến độ các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Một số cán bộ, đảng viên kể cả người đứng đầu còn thiếu tu dưỡng, rèn luyện dẫn đến vi phạm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Đồng chí Vũ Tuấn Anh - Phó Trưởng ban phụ trách Ban Nội chính Tỉnh uỷ báo cáo kết quả hoạt động công tác PCTNTC trong 9 tháng đầu năm và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm |
LÀM TRONG SẠCH ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
Phát biểu kết luận Phiên họp, đồng chí Nguyễn Thái Học - Quyền Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo PCTNTC tỉnh ghi nhận, đánh giá những kết quả đạt được của Ban Chỉ đạo đối với công tác PCTNTC trong 9 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ công tác trọng tâm trong 3 tháng cuối năm 2024 để các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan chức năng triển khai thực hiện nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTNT trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo tập trung thực hiện các công việc, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ theo Chương trình công tác năm 2024 của Ban Chỉ đạo; tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác PCTNTC, xác định đây là công việc quan trọng và thường xuyên nên cần quan tâm chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao, có trọng tâm, trọng điểm, có giải pháp thực hiện đồng bộ, hiệu quả; từng thành viên Ban Chỉ đạo tập trung rà soát, chủ động phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị và chịu trách nhiệm trong lĩnh vực, ngành, địa bàn được phân công phụ trách, theo dõi.
Các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác PCTNTC theo phương châm chuyển trọng tâm từ phòng, chống tham nhũng sang phòng, chống tiêu cực; làm trong sạch đội ngũ cán bộ, xử lý kiên quyết tình trạng đùn đẩy, né tránh, làm việc cầm chừng, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Khẩn trương kết luận, xử lý dứt điểm các tổ chức đảng, đảng viên sai phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc, các khiếu nại, tố cáo về tham nhũng, tiêu cực để phục vụ cho công tác chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XII. Tăng cường kiểm soát việc thực thi quyền lực, xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan có chức năng PCTNTC. Thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm chính trị của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách; đồng thời tiếp tục rà soát, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức, bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị xử lý kỷ luật theo đúng quy định của Bộ Chính trị.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác PCTNTC, nhất là trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực như: tài nguyên - môi trường, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, quản lý trật tự xây dựng, đầu tư xây dựng cơ bản… góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; triển khai thực hiện có hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW, ngày 09/5/2024 của Bộ Chính trị về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới và Chỉ thị số 34-CT/TU, ngày 20/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, báo chí và nhân dân trong đấu tranh PCTNTC.
Các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát, đề xuất đưa các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; các vụ án, vụ việc dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, xử lý dứt điểm, không để kéo dài, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; có giải pháp để khắc phục hiệu quả tình trạng “nhũng nhiễu”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp; quan tâm thực hiện thanh tra, kiểm tra công vụ. Tiếp tục tập trung chỉ đạo xác minh, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, nhất là các vụ án, vụ việc được Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Thực hiện các biện pháp để thu hồi tối đa tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực.
Đối với một số vụ việc vi phạm về quản lý đất đai, khoáng sản trên địa bàn tỉnh: Giao Công an tỉnh rà soát, nghiên cứu lập chuyên án mở rộng điều tra, xác minh làm rõ các sai phạm có tính phổ biến và xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật.
Các các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo phân công bộ phận, cử cán bộ làm đầu mối để phối hợp, cung cấp thông tin, báo cáo kết quả hoạt động của Thành viên Ban Chỉ đạo cho Cơ quan thường trực để phục vụ hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ đạo.
Giao Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo hoàn chỉnh và trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành Quy định tiêu chí và trình tự, thủ tục đưa các vụ án, vụ việc vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và kết thúc theo dõi, chỉ đạo; phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo theo đúng thành phần quy định.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin