Là đảng viên đã nghỉ hưu, dù lớn tuổi nhưng vẫn coi mình có trách nhiệm đóng góp công sức với cộng đồng nơi mình sinh sống - cựu Đại tá công an Nguyễn Văn Thanh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Thanh (thứ ba từ bên phải sang) trong buổi lễ trao Huy hiệu Đảng do Thành ủy Đà Lạt tổ chức cuối tháng 8/2024 |
Năm nay 85 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Thanh vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, với nụ cười tươi cởi mở. Hằng ngày ông vẫn tích cực tham gia các công việc trong cộng đồng, đưa đón cháu đi học. Khi chúng tôi đến thăm, ông vừa đón cháu đi học về bằng xe máy.
Người quê Bắc Giang, ông Thanh nhập ngũ và chiến đấu ở miền Nam từ năm 1967 tại chiến trường ở Bình Phước. Ông về công tác tại Bộ Công an từ năm 1976, về hưu năm 1991 với cấp bậc Đại tá.
Về hưu, ông tích cực tham gia chính quyền cơ sở tại quê ông, là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tại xã Đức Thắng, Hiệp Hòa, Bắc Giang. Ông vào sinh sống tại Đà Lạt từ năm 2004. “Vì con tôi. Cả ba đứa con đều sinh sống làm việc tại Lâm Đồng, Đà Lạt nên vợ chồng tôi theo con vào đây cho vui cửa, vui nhà chăm cháu” - ông tươi cười. Hiện ông sinh sống tại Phường 6, TP Đà Lạt.
Là đảng viên, từng quen với công việc cộng đồng nên vào Đà Lạt ông làm Phó Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng Ban Mặt trận Khu phố 4, Phường 6 nơi ông sinh sống hiện nay.
“Là đảng viên, dù lớn tuổi, nghỉ hưu nhưng vẫn phải có trách nhiệm trong cộng đồng, làm được việc gì thì làm. Với lại, mình từ nơi xa đến, công việc trong khu dân cư giúp mình quen biết với mọi người trong tổ dân phố, trong phường, đi lại thăm hỏi nhau, trước lạ sau quen, kết nối tình làng nghĩa xóm nên rất vui” - ông Thanh nói.
Chính vì tinh thần trách nhiệm của một người đảng viên, ông Thanh trong 3 nhiệm kỳ 15 năm qua là Chủ tịch Hội Người cao tuổi Phường 6, Đà Lạt. Trong 15 năm làm việc ở Hội Người cao tuổi của phường với trên 1.200 hội viên đó, Hội luôn đạt vững mạnh xuất sắc tại Đà Lạt, riêng ông cũng là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm. Gần đây ông đã xin nghỉ công việc của Hội phường, về làm công việc tại Tổ dân phố của mình.
“Còn sức khỏe, Đảng yêu cầu làm thì mình phải làm, góp sức cùng chính quyền địa phương, tạo sự vững mạnh cho chính quyền từ cơ sở”, ông nói.
Với cương vị là Chủ tịch Hội Người cao tuổi, thành viên của Tổ hòa giải trong Phường 6, ông cho biết, mình đã tham gia hòa giải rất nhiều vụ xích mích, mâu thuẫn, kiện tụng nhau trong các tổ dân phố cũng như tại phường.
“Hội Người cao tuổi phường rất nhiều người có kiến thức, có kinh nghiệm, có vốn sống, biết lắng nghe, biết cách phân giải. Rất nhiều những vụ xích mích, cãi cọ mâu thuẫn nhau được những người lớn tuổi đến khuyên can có tình có lý nên hầu hết được giải quyết từ cơ sở một cách êm thấm, tốt đẹp” - ông Thanh cho biết.
Các đảng viên trong chi bộ khu phố nơi mình sinh sống theo ông Thanh còn phát huy vai trò đầu tàu của mình, vận động bà con khu phố tham gia các hoạt động chung của phường, thành phố phát động như vận động người dân trồng cây, trồng hoa, bảo vệ môi trường, vứt rác đúng giờ đúng chỗ, giữ gìn vệ sinh sạch đẹp, giữ gìn trật tự nơi mình sinh sống, tham gia làm đường, vận động đóng thuế, vận động các cháu đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự…
“Như chuyện làm đường chẳng hạn, ngày trước khi tôi mới vào đây, con đường dốc trước nhà tôi còn đất đá, ổ gà nhiều, khu phố đã đứng ra vận động bà con cùng chung tay làm đường bê tông. Chúng tôi đã đi đến từng nhà vận động cùng tham gia. Để làm gương, gia đình tôi đóng góp trước, các đảng viên trong khu phố cũng phải gương mẫu đi đầu, nên sau đó chúng tôi vận động được trên 200 triệu đồng, cùng với nhà nước cấp vốn 200 triệu đồng nữa để làm con đường bê tông đẹp như hiện nay” - ông kể lại.
Theo ông Thanh, nhờ vận động tốt nên hầu hết các con đường tại Phường 6, đến nay đã được bê tông hóa sạch đẹp. “Những con đường này được làm nhờ chủ trương “Nhà nước - Nhân dân cùng làm”, trong đó có vốn đối ứng của Nhà nước và sự vận động của những đảng viên, những người làm công tác ở cơ sở như chúng tôi để người dân cùng đồng lòng tham gia” - ông nói.
“Trong lúc vận động, có những hộ, những gia đình chưa hiểu, mình cần giải thích; có những trường hợp gia cảnh khó khăn thì sự đóng góp có ít hơn cũng được, miễn là mọi người cùng đồng lòng cùng chính quyền thì mọi việc sau đó đều tốt đẹp” - ông Thanh mỉm cười.
Một việc cũng quan trọng mà ông Thanh muốn chia sẻ với chúng tôi đó là đi vận động các nhà tài trợ, hảo tâm để giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. “Thường thì phải cần những người có uy tín trong cộng đồng để vận động các nhà hảo tâm và đây là thế mạnh của những người cao tuổi. Họ thấy mình lớn tuổi mà vẫn còn đi lo cho các gia đình trong cộng đồng nên họ nể và sẵn lòng hỗ trợ” - ông kể.
Theo ông Thanh, các đảng viên khi về hưu nên có trách nhiệm góp sức với cộng đồng dân cư nơi mình sinh sống, bằng kinh nghiệm, bằng vốn kiến thức mình có trong những năm công tác, mạnh dạn đóng góp ý kiến trực tiếp với các lãnh đạo chính quyền ở cơ sở, với phường, xã để mọi việc tốt đẹp hơn, góp phần làm chính quyền vững mạnh từ cơ sở.
“Làm gì để tổ dân phố, để phường, xã nơi mình sinh sống tốt lên thì mình và con cháu bà con làng xóm cũng được hưởng” - ông vui vẻ.
Trong dịp Thành ủy Đà Lạt trao huy hiệu Đảng cho các đảng viên nhân dịp Kỷ niệm 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 vừa qua, ông Nguyễn Văn Thanh vinh dự là 1 trong 9 đảng viên được trao huy hiệu 60 năm tuổi Đảng.
“Đó là niềm tự hào nhưng cũng là trách nhiệm của một người đảng viên. Mình phải sống có trách nhiệm để lớp trẻ sau noi gương phấn đấu” - ông Thanh suy nghĩ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin