Lời Bác mãi còn vang vọng núi sông

PHAN HUY THÙY 02:38, 02/09/2024

Hằng năm, khi trời đất sang thu cũng là lúc lòng người trong cả nước hân hoan chào mừng kỉ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Được sống trong cảnh nước nhà độc lập, quê hương yên bình, non sông thống nhất, đời sống của Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, chúng ta đều phấn khởi, tự hào và vô cùng biết ơn các thế hệ cha ông thuở trước. Hòa trong niềm vui chung của cả dân tộc, chúng ta bồi hồi xúc động nghĩ về thời khắc lịch sử thiêng liêng, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. 

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập. Ảnh: Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Ngược dòng lịch sử 79 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, Nhân dân cả nước ta nhất tề vùng lên Tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945, trên khắp mọi miền đất nước, cuộc Cách mạng tháng Tám “long trời lở đất” đã thắng lợi hoàn toàn, Nhân dân ta giành được chính quyền. Ngày 26/8/1945, Bác từ chiến khu Việt Bắc về tới nội thành Hà Nội, bắt đầu viết áng văn lập quốc vĩ đại, ở ngôi nhà số 48 phố Hàng Ngang. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 

Từ bậc tiểu học, tôi đã rất yêu thích và thuộc lòng đoạn thơ trích trong bài “Theo chân Bác” của Tố Hữu: “Hôm nay sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/ Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!/ Người đứng trên đài lặng phút giây/ Trông đàn con đó, vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán, ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây!”. Cả không gian, thời gian, hình ảnh của Bác hiện lên thật đẹp đẽ, ấm áp, thân thương, mà cũng vừa thiêng liêng, xúc động. Lớn lên, tôi mới hiểu và thấm thía rằng, hơn 80 năm nước mất nhà tan, Nhân dân ta lầm than khốn khổ vẫn kiên cường tranh đấu. Biết bao cuộc khởi nghĩa đẫm đầy máu và nước mắt, biết bao thế hệ đã anh dũng hi sinh, biết bao năm tháng mòn mỏi đợi chờ độc lập, để rồi hôm nay (2/9/1945) cả dân tộc vỡ òa niềm vui sướng, tự hào: “Độc lập bây giờ mới thấy đây!” Khi trở thành giáo viên dạy Văn, tôi không nhớ nổi bao nhiêu lần mình cùng với học trò tìm hiểu áng văn chính luận mẫu mực này của Bác. Thế nhưng, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, khi nghe đài, ti vi phát lại những thước phim tư liệu, được nghe trực tiếp lời Bác đọc Tuyên ngôn độc lập, lòng tôi lại trào dâng bao cảm xúc vui sướng, tự hào! 

Sau câu văn đầy cảm xúc “Hỡi đồng bào cả nước!”, Bác trích dẫn nội dung bất hủ trong “Tuyên ngôn độc lập” của Mỹ năm 1776: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Nếu như người Mỹ chỉ dừng lại ở quyền cá nhân con người thì Bác Hồ đã nâng cao lên thành quyền của dân tộc: “Suy rộng ra, câu ấy có nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bác còn trích dẫn thêm nội dung trong bản Tuyên ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp năm 1791: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Việc viện dẫn hai bản Tuyên ngôn trên của Mỹ và Pháp càng thể hiện tư duy sắc sảo, vốn hiểu biết sâu rộng, tư tưởng rất nhân văn, tầm nhìn vượt lên thời đại của Hồ Chủ tịch. Bác vừa trân trọng những tư tưởng tiến bộ của nhân loại, vừa dùng chính lí lẽ của kẻ thù để trừng trị bọn chúng, dùng “gậy ông đập lưng ông”. Nói cách khác, chính thực dân Pháp đã vi phạm những nguyên tắc tốt đẹp mà cha ông họ đặt ra!

Trên cơ sở pháp lí vững chắc “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được!”, Bác lên án, tố cáo tội ác của thực dân Pháp “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”. Người đã bác bỏ những luận điệu sai trái của Pháp là có công “khai hóa” và “bảo hộ” Việt Nam, vạch trần bản chất hèn nhát và âm mưu thâm độc của Pháp là lăm le tái chiếm nước ta khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Từ thực tế lịch sử là Nhân dân ta anh dũng đấu tranh “giành lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”, “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị”, Bác tuyên bố đầy kiêu hãnh: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”

Trong thời khắc trang nghiêm này, có một tình huống nhỏ, ngoài văn bản nhưng thể hiện được nhân cách lớn, tình cảm lớn của Bác đối với đồng bào. Đó là, dù sử dụng ngôn ngữ toàn dân rất rõ nhưng Bác lo chất giọng xứ Nghệ nằng nặng của mình nên dừng lại hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Bác là thế, bậc vĩ nhân, lãnh tụ cao quý mà rất gần gũi, bình dị, tha thiết biết bao! Tái hiện hình ảnh này, nhà thơ Tố Hữu xúc động viết: “Cả muôn triệu một lời đáp: “Có”/ Như Trường Sơn say gió biển Đông/ Vâng, Bác nói, chúng con nghe rõ/ Mỗi tiếng Người mang nặng núi sông”. 

 

Thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới, Bác dõng dạc tuyên bố: “thoát li hẳn quan hệ thực dân với Pháp, xóa bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã kí về nước Việt Nam, xóa bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam”. Lời của Bác như vang vọng hào khí non sông: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”. Những câu văn của Bác là lời thề độc lập, lời thề giữ nước thiêng liêng nên có sức mạnh như những đạo quân dũng mãnh, như vọng vang hồn thiêng sông núi, như kết tinh ý chí quyết tâm đánh giặc, giữ nước của các vị anh hùng Lý Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi, Quang Trung...

Đất nước vừa giành độc lập, Nhân dân vừa được tự do, chính quyền cách mạng còn non trẻ, thì kẻ thù lại rắp tâm tiếp tục xâm lược nước ta. Trải qua 30 năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong những thời điểm khó khăn nhất của dân tộc, chúng ta lại được nghe những lời kêu gọi, cổ vũ, dặn dò ân cần của Bác. Từ lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 “Không! Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ!”, lời dặn dò trong buổi nói chuyện với Đại đoàn Quân tiên phong năm 1954 “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước năm 1966 “Không có gì quý hơn độc, lập tự do!”, cho đến những vần thơ chúc Tết cuối đời vẫn khích lệ quân dân ta “Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Mùa thu đang về trong sắc nắng vàng ươm, mát dịu. Khắp nơi trang trí cờ hoa rực rỡ, ngập tràn niềm vui đón mừng Lễ Quốc khánh - Tết Độc lập 2/9. Lúc này, chúng ta lại nhớ đến mốc son lịch sử thiêng liêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945. Tuy Người đã đi xa nhưng từng lời của Bác vẫn mãi còn vang vọng núi sông!