BÀI DỰ THI GIẢI BÁO CHÍ TOÀN QUỐC BÚA LIỀM VÀNG:
Phòng chống, đấu tranh với thói ba phải và tư tưởng “dĩ hòa vi quý”

TỐNG XUÂN THU 22:06, 25/10/2024

(LĐ online) - Trong thời kỳ hiện đại ngày nay, thói ba phải và tư tưởng “dĩ hòa vi quý” vẫn đang tồn tại trong xã hội chúng ta và diễn ra ở nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Có thể hiểu nôm na “dĩ hòa vi quý” là xuề xòa, nể nang, bỏ qua cho nhau, né tránh sự va chạm, không phê bình nhau, cốt để cho yên chuyện, cho không khí hòa thuận vui vẻ. Dĩ hòa vi quý là thái độ coi sự hòa thuận, êm thấm là quý hơn cả; từ đó, sinh ra xuề xoà, không phân biệt rõ đúng sai, phải trái, nặng hơn nữa là đánh đồng tốt, xấu; làm triệt tiêu tính đấu tranh để phát triển.

 

NHÌN NHẬN VỀ “DĨ HÒA VI QUÝ”

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ tính đấu tranh với những ai có thói ba phải và tư tưởng “dĩ hòa vi quý”. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” viết năm 1947, tại Chiến khu Việt Bắc, Người gọi những kẻ “khôn ăn người” như thế là “bọn thứ ba”. Đó là những kẻ cơ hội, là khôn mà không ngoan, làm gì cũng nghĩ đến cái lợi riêng mình mà quên đi lợi ích chung, quyền lợi của người khác. Thời nay, “bọn thứ ba” là người ta ám chỉ những người có tư tưởng và biểu hiện “dĩ hòa vi quý”.

Thành ngữ “dĩ hòa vi quý” khởi nguồn đầu tiên của nó là thiện ý tốt. Nôm na rằng, lấy hòa thuận làm vui. Chịu khó nhẫn nhịn một chút, hòa là quý, nhẫn là cao. Đừng vội nổi xung lên, phỉ báng, nhiếc móc nhau, bé xé ra to, mà nên “biến đại sự thành tiểu sự, tiểu sự thành vô sự”.

Đúng như cái nghĩa ngọn nguồn này thì quá hay. Thế nhưng, theo thời gian, theo những diễn biến phức tạp trong đời sống hiện đại mà dần dần cái nghĩa của thành ngữ này bị hiểu chệch, hiểu sai, lắm khi chỉ còn được hiểu theo nghĩa đó là tính cách khôn lỏi, chả bao giờ nêu chính kiến, “tránh voi chẳng xấu mặt nào”, tránh mất lòng người khác, nhất là mất lòng cấp trên, lãnh đạo cơ quan đơn vị.

Không thể hiện rõ quan điểm, chính kiến của mình, hay “ngậm miệng” tức là ngược lại với những người hay phán xét, phách lối, a dua, nói năng văng mạng. Đương nhiên, cả hai thái cực này đều cần phê phán. “Ngậm miệng” mà là “một sự nhịn chín sự lành”, giữ kín chuyện nội bộ, khỏi tổn thương người khác thì hẳn là điều tốt. Cái nguy hại ở chỗ “ngậm miệng ăn tiền”, tức là đã có chủ ý xấu rồi.

Ở một cơ quan nọ, mấy người bảo nhau, cái ông A lúc nào mồm cũng như “rùa ăn sung”, chả có chính kiến gì. Khi anh ta có ý kiến thì toàn dựa ý cấp trên, dựa ý tập thể, mong “làm rõ thêm” và “hy vọng rằng”. Còn khi cần nói rõ, vấn đề này sai chỗ nào, đúng chỗ nào, thái độ của anh, sẽ xử lý ra sao, thì anh ta sẽ “ném cát bụi tre” bằng những câu chữ mập mờ, nước đôi, đại loại như: “Cần tính toán thêm, nên hỏi lại cơ sở, vấn đề này nhạy cảm, có thể lùi đến phiên họp sau được không?”; hoặc có anh nói ráo hoảnh: “Tôi biểu quyết theo đa số”…

Vì sao thói ba phải và tư tưởng “dĩ hòa vi quý” tồn tại dai dẳng thế? Trước hết là do thái độ cầu an. Đại hội đến nơi rồi, bầu bán sát gần rồi, đợt lấy phiếu tín nhiệm giữa nhiệm kỳ chỉ diễn ra nay mai; mất phiếu có khi chỉ vì “lộ thiên cơ”, thế là đành trốn vào một cái tham luận vô thưởng vô phạt “mạnh bước trên đường phát triển”. Im lặng còn vì một thỏa thuận ngầm nào đó, lợi ích của tôi, của anh; của “nhóm tôi”, “nhóm anh”, với suy nghĩ ta không động đến người thì người sẽ không động đến ta. Và như vậy người ta đã chọn im lặng.

Vì sao dai dẳng thế? Còn vì cái chủ nghĩa cá nhân trong mỗi con người, cái tôi lớn quá. Có khi là vì quá đam mê quyền lực, quá ham muốn về vật chất nên đánh mất mình. Quyền lực và danh vọng nhiều khi làm hư hỏng con người.

 

• NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG

Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) của Đảng thẳng thắn đánh giá: Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, tự phê bình và phê bình, công tác kiểm tra, giám sát của nhiều tổ chức đảng còn hạn chế. Một số cấp ủy, tổ chức đảng chưa thẳng thắn đấu tranh với những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, thậm chí còn cục bộ, lợi ích nhóm...

Để thực hiện mục tiêu kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”..., Hội nghị Trung ương 4 (khóa XIII) đã xác định nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên là: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; trong đó, nhấn mạnh: “Nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp ủy, thường vụ cấp ủy, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến chi bộ, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hòa vi quý”.

Bên cạnh đó, chú trọng công tác tự kiểm tra, tự giám sát của cấp ủy, tổ chức đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị, kịp thời phát hiện từ nội bộ để chấn chỉnh ngay những vi phạm từ khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn.

Tại bài báo Chủ tịch Hồ Chí Minh viết nhân dịp kỷ niệm 39 năm ngày thành lập Đảng, Bác đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng với rất nhiều giải pháp, nhưng quan trọng nhất, theo Người, trước hết là phải “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.

Muốn thực hiện được điều này, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc”... Thế nhưng, tình trạng ngại phê bình, “ngại nói thật” trong sinh hoạt chi bộ và cả sinh hoạt cấp ủy, đảng bộ vẫn khá phổ biến.

Đây là nguyên nhân cơ bản làm mất tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng, dẫn đến không kịp thời ngăn ngừa những vi phạm của cán bộ, đảng viên, để xảy ra sai phạm kéo dài và nghiêm trọng. Thậm chí không ít cán bộ, đảng viên có sai phạm mà vẫn được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ và đề nghị khen thưởng, bổ nhiệm chức vụ cao hơn.

Thật đáng buồn khi hầu hết các vụ việc cán bộ, đảng viên vi phạm về đạo đức, lối sống, kỷ luật, pháp luật, nhất là tham nhũng... đều do quần chúng nhân dân, báo chí hoặc cơ quan chức năng cấp trên phát hiện. Trong khi đó, chi bộ, cấp ủy là nơi trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và tiến hành kiểm tra, giám sát, đánh giá cán bộ, đảng viên; người cùng chi bộ, cùng cơ quan thường xuyên gần gũi, công tác, hiểu hết tính cách cũng như những việc làm của nhau nhưng lại không phát hiện ra sai phạm để đấu tranh.

Rõ ràng, việc cần làm ngay là phải quy trách nhiệm, nhắc nhở chấn chỉnh và nặng hơn là xử lý kỷ luật nghiêm đối với những cán bộ, đảng viên cùng sinh hoạt trong cấp ủy, chi bộ mà không phê bình, góp ý, để đồng chí, đồng đội vi phạm pháp luật, kỷ luật, nhất là với những vi phạm nghiêm trọng, kéo dài (như Bộ luật Hình sự đã quy định tội danh “không tố giác tội phạm” và “che giấu tội phạm”).

Bên cạnh đó, cần ban hành quy định bình xét cán bộ, đảng viên theo thang điểm 10 trên từng nội dung, trong đó có tinh thần tự phê bình và phê bình...; đồng thời, xếp loại cán bộ, đảng viên trong từng chi bộ theo số thứ tự (từ tốt nhất đến yếu nhất) để tăng tính đấu tranh phê bình trong sinh hoạt đảng, bảo đảm kết quả bình xét thực chất hơn, tránh tình trạng “tạo điều kiện cho nhau cùng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ”. Có như vậy mới khắc phục được tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, nể nang, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, sai không đấu tranh. 

Rất vui mừng là bên cạnh những chuyện kể trên, có rất nhiều gương sáng quanh ta. Trong các cơ quan, đơn vị có rất nhiều những tấm gương sáng, tấm gương trung thực, dám nói thẳng, nói thật. Thấy đúng thì bảo vệ để khuyến khích người tốt, việc tốt, lên án những kẻ cơ hội, đố kỵ, thúc đẩy công việc hoàn thành. Thấy sai thì lên tiếng mạnh mẽ để vạch trần tham nhũng, tiêu cực, suy thoái về đạo đức lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Ở Lâm Đồng, qua hơn 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 30/3/2007 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ”, Hướng dẫn số 09-HD/BTCTW, ngày 02/3/2012 của Ban Tổ chức Trung ương về “Nội dung sinh hoạt chi bộ” và Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 02/02/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”; gần đây ngày 15/11/2018, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã có Quy định số 04-Qđi/TU về “Tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ”; Chỉ thị 34 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về phát huy tinh thần trách nhiệm, sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung của đội ngũ cán bộ, đảng viên, quyết tâm hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Thực sự chất lượng sinh hoạt đảng ở cơ sở và đặc biệt là ở cấp chi bộ trong toàn tỉnh đã được nâng lên rõ rệt, đi vào nền nếp. Qua đó, tác động tích cực xây dựng chi bộ thật sự là hạt nhân lãnh đạo thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị; là cầu nối giữa Đảng và quần chúng nhân dân.

Hầu hết các buổi sinh hoạt chi bộ cơ bản đảm bảo tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu, giữ vững nguyên tắc tổ chức sinh hoạt đảng, nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật của đảng viên. Tính dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thực sự mở rộng, nhất là việc thảo luận, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của đảng viên. Tinh thần tự phê bình và phê bình được đề cao, bảo vệ những đảng viên thẳng thắn đấu tranh chống các biểu hiện sai trái, tiêu cực; tăng cường sự đoàn kết, thống nhất và tình đồng chí trong đảng. Trong đó, đảng viên là cán bộ lãnh đạo, quản lý đã thể hiện vai trò tiên phong, gương mẫu trong sinh hoạt chi bộ để mọi người noi theo.

Tuy nhiên, việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên trong sinh hoạt chi bộ theo các chủ trương, hướng dẫn của của Trung ương, của Tỉnh ủy ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương từng lúc, từng nơi chưa thực hiện nghiêm túc; một bộ phận cán bộ, đảng viên còn biểu hiện nể nang, ngại va chạm, “dĩ hoà vi quý”, ý thức tổ chức kỷ luật và đấu tranh tự phê bình, phê bình chưa cao, không dám đấu tranh với những hành vi sai trái, vi phạm của đồng chí, đồng nghiệp mình. 

Để tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, khắc phục tình trạng “dĩ hòa vi quý”, những năm qua, Đảng ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng. Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải “Nghiêm túc thực hành tự phê bình và phê bình; thấy đúng phải cương quyết bảo vệ, thấy sai phải quyết liệt đấu tranh; không tranh công đổ lỗi. Dũng cảm nhận khuyết điểm và trách nhiệm”.

Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đã đề ra nhiệm vụ thời gian tới là phải tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là cấp uỷ, thường vụ cấp uỷ, đề cao và thực hiện nghiêm tự phê bình và phê bình từ Trung ương đến cơ sở, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm, “dĩ hoà vi quý”.

Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 cũng xác định rõ một trong những điều đảng viên không được làm là: Không chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng; không thực hiện trách nhiệm nêu gương; chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, vụ lợi; “tư duy nhiệm kỳ”, đoàn kết xuôi chiều, dân chủ hình thức, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh; độc đoán, chuyên quyền, quan liêu, xa rời quần chúng…

Quy định số 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị; trong các tiêu chí để lấy phiếu tín nhiệm, quy định nêu cụ thể về việc đánh giá “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình”, quán triệt Qui định 144-QĐ/TW (ngày 9/5/2024) Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.

Ngày 09/12/2022, phát biểu tại Hội nghị cán bộ toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Kết luận và Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “Mọi thái độ nể nang, né tránh, hữu khuynh, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc cực đoan, muốn lợi dụng phê bình để đả kích người khác, gây rối nội bộ, đều là không đúng”.

Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã có chỉ đạo rất sâu sắc về công tác cán bộ trong Quân đội: “... Chúng ta phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Thiết nghĩ tinh thần “7 dám” mà cố Tổng Bí thư nêu ra không chỉ áp dụng đối với cán bộ trong Quân đội mà cần lan tỏa ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tổ chức của cả hệ thống chính trị ở Việt Nam.

Như vậy, để chống được căn bệnh “điếc có chủ ý” hay đó chính là thói ba phải và tư tưởng “dĩ hòa vi quý”, chúng ta phải xây dựng được khối đoàn kết, thật sự dân chủ trong sinh hoạt đảng và các tổ chức chính trị - xã hội. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thật sự gương mẫu, đề cao trách nhiệm cá nhân, phải có con mắt tinh tường để nhận ra ai chân, ai giả, ai tạm thời im lặng vì cái chung, ai “ngậm miệng ăn tiền”? Khi anh không nói ra, không hẳn mọi người không biết, vì còn có một nhân chứng nữa, đó chính là lương tâm anh.

Và, điều không bao giờ cũ: Nghiêm túc tự phê bình và phê bình để nội bộ thật sự đoàn kết, hiểu nhau, tin nhau, hướng đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn, vì sự phát triển, vững mạnh toàn diện “mẫu mực tiêu biểu” của cơ quan, đơn vị; đồng thời, cũng là sự tiến bộ, trưởng thành của mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta.