(LĐ online) - Ngày 3/10, Huyện ủy Cát Tiên tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Các đồng chí chủ trì hội nghị |
Tại hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tập trung thảo luận, đánh giá kết quả thực hiện các nghị quyết chuyên đề như: Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 28/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII về tăng cường lãnh đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Cát Tiên đến năm 2025; Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá VIII về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2025; Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa; Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 09/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá VIII về lãnh đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Cát Tiên đến năm 2025.
Đại diện Hạt Kiểm lâm huyện phát biểu ý kiến |
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/HU ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khoá VIII về lãnh đạo thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đến năm 2025, đến nay, huyện Cát Tiên duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới đã đạt được; có 97,9% gia đình văn hoá, 100% thôn, buôn, tổ dân phố văn hoá; duy trì 100% xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; 91,95% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Ước đến năm 2025, có 97,8% gia đình văn hoá, 100% thôn, buôn, tổ dân phố văn hoá; duy trì 100% xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá. Duy trì 100% xã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế và 10,8 bác sĩ/1 vạn dân. Trong 3 năm từ 2021-2023, huyện Cát Tiên có thêm 32 khu dân cư được công nhận khu dân cư tiêu biểu; trong đó, có 14 khu dân cư (đạt 43,75%) được công nhận khu dân cư kiểu mẫu.
Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp huyện Cát Tiên tham gia phát biểu tại hội nghị |
Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/HU, ngày 28/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII về tăng cường lãnh đạo phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn huyện Cát Tiên đến năm 2025, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm 11,68%, từ 14,62% xuống còn 2,94%; thu nhập bình quân đầu người của đồng bào DTTS cuối năm 2023 đạt 46,2 triệu/người, đến năm 2025 ước đạt 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ trẻ em người dân tộc thiểu số nhập học đúng tuổi bậc tiểu học 100%; tỷ lệ người dân tộc thiểu số hoàn thành chương trình tiểu học 100%; tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt 96%; tỷ lệ trẻ em người đồng bào DTTS dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng còn 12,08%; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên 1%; tỷ lệ mức giảm sinh bình quân 0,28‰.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Phúc - Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại hội nghị |
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng hiện nay cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu của người dân theo tiêu chí nông thôn mới. Tỷ lệ đường giao thông vùng đồng bào DTTS từ thôn, buôn đến trung tâm xã được cứng hoá là 100%. Huyện Cát Tiên đã quan tâm chú trọng công tác đào tạo bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả cán bộ người DTTS, nhất là đào tạo các chức danh chủ chốt là người DTTS; vai trò của già làng, trưởng thôn (bản), người có uy tín ngày càng được nâng cao. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong vùng đồng bào DTTS luôn được giữ vững và ổn định; kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc trong dân, không có xảy ra điểm nóng, khiếu kiện đông người trên địa bàn.
Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 09/4/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững theo hướng hàng hóa, đến nay huyện Cát Tiên đã có diện tích sản xuất lúa chất lượng cao đạt trên 7.600 ha; diện tích lúa sản xuất VietGAP đạt 2.200 ha, sản xuất hữu cơ 250 ha (có 2 vùng trồng lúa đã được cấp giấy chứng nhận hữu cơ và 1 vùng đang thực hiện xây dựng trong năm 2024), có 740 ha sản xuất lúa giống; chuyển đổi, cải tạo vườn tạp, cây kém hiệu quả sang trồng cây có hiệu quả kinh tế cao với diện tích khoảng 1.900 ha. Toàn huyện có 21 chuỗi liên kết với diện tích 2.950 ha, chiếm khoảng 15,5%; diện tích canh tác nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm 29%; giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích tăng từ 70 triệu đồng năm 2020 lên 78 triệu đồng năm 2023 và ước năm 2024 đạt 80 triệu đồng, năm 2025 là 82 triệu đồng...
Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên phát biểu kết luận hội nghị |
Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 09/4/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện khoá VIII về lãnh đạo công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện Cát Tiên đến năm 2025, huyện Cát Tiên đã tăng cường lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan, chủ rừng, Hạt Kiểm lâm huyện và UBND các xã có rừng kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn. Nhìn chung các chủ rừng, địa phương các xã quản lý, bảo vệ, sử dụng rừng đúng mục đích, đúng quy hoạch; số vụ vi phạm pháp luật về Lâm nghiệp được hạn chế, không xảy ra điểm nóng về chặt phá, khai thác lâm sản trái pháp luật và không xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại đến tài nguyên rừng; tỷ lệ độ che phủ của rừng 64,26%...
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận, đề ra các giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết chuyên đề của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa VIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Huyện ủy Cát Tiên đề nghị trong thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương từ huyện tới cơ sở triển khai thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Xác định nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân và gắn với thực hiện chương trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo ổn định chính trị, an ninh, quốc phòng ở địa phương. Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về đầu tư trong lâm nghiệp, lồng ghép các chương trình, nguồn vốn từ nông nghiệp nhằm hỗ trợ kịp thời các chủ rừng, tổ chức, cá nhân tham gia vào các hoạt động bảo vệ và phát triển rừng.
Đồng thời, tập trung các giải pháp thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ đã xác định trong Nghị quyết số 06-NQ/HU, ngày 09/4/2021 và các đề án, kế hoạch của UBND huyện nhưng tiến độ, kết quả thực hiện còn chậm, còn yếu. Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển các vùng sản xuất cây trồng chủ lực trọng tâm là vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, lúa giống, lúa hữu cơ gắn với phát triển nhãn hiệu sản phẩm của huyện. Chuyển đổi cải tạo vườn hộ, xây dựng vườn mẫu phát triển vùng cây ăn quả, cây công nghiệp nhằm giảm diện tích thu nhập dưới 50 triệu/ha, tăng diện tích thu nhập trên 100 triệu/ha.
Quang cảnh hội nghị |
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các văn bản của Trung ương, Tỉnh ủy, Huyện ủy về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tiếp tục phấn đấu thực hiện lộ trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới và có 4/7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Duy trì và nâng cao chất lượng 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới.
Mặt khác, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về công tác dân tộc nhằm. Thực hiện tốt công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho nhân dân về công tác dân tộc, chính sách dân tộc, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện; củng cố lòng tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin