“An cư lạc nghiệp” là mong muốn từ bao đời của con người nói chung, trong đó có người dân Việt Nam. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều chủ trương, chính sách và triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dành nhiều nguồn lực nhằm hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người có hoàn cảnh khó khăn. Nhưng trên thực tế còn nhiều người với những lý do, điều kiện khác nhau, vẫn chưa có một chỗ ở ổn định, chưa có một căn nhà chắc chắn để yên tâm lao động, sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Theo số liệu từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả nước còn khoảng 153.000 hộ dân phải ở trong những căn nhà tạm, nhà dột nát ở những mức độ khác nhau. Con số này dù đã giảm đáng kể so với thời điểm phát động Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” vào tháng 4/2024 là 170.000 căn, nhưng rõ ràng còn rất lớn.
Để đạt được mục tiêu tất cả người dân có thể sống trong những căn nhà “3 cứng” (mái cứng, nền cứng, tường cứng), ngoài sự quan tâm và nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cần có sự chung tay, góp sức của toàn xã hội. Tại chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề “Mái ấm cho đồng bào tôi” do Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 5/10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kêu gọi: “Ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít”.
Trong một công điện mới đây, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo đổi mới phương pháp, cách làm theo hướng đa dạng hóa nguồn lực, bao gồm nguồn lực được hỗ trợ từ Trung ương, địa phương, nguồn lực về công sức huy động, giúp đỡ từ cộng đồng cơ sở, nguồn lực cố gắng từ chính các hộ nghèo được hỗ trợ. Cùng với đó, đề cao tinh thần tự lực, tự cường của các địa phương; đồng thời, phân nhóm các địa phương và có cơ chế để các địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội tốt hơn hỗ trợ cho các địa phương khó khăn hơn trong thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân trên địa bàn. Vận động các bộ, cơ quan, địa phương, doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ trực tiếp cho các địa phương khó khăn…
Tại Lâm Đồng, qua rà soát, còn 1.972 hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2024 - 2025. Tổng kinh phí dự kiến hỗ trợ xây mới và cải tạo nhà ở đến hết năm 2025 là khoảng 107 tỷ đồng. Theo đánh giá, Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh được triển khai đồng bộ, rộng khắp và bước đầu đạt được những kết quả nhất định. Từ khi triển khai, chương trình đã nhận được sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong và ngoài tỉnh với số tiền đăng ký ủng hộ đến nay hơn 45 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc triển khai chương trình vẫn còn một số hạn chế như: một số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn vướng thủ tục pháp lý về đất đai; một số hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa tiếp nhận kinh phí hỗ trợ vì gia đình không có khả năng đối ứng kinh phí để xây mới nhà ở; tiến độ triển khai thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở và giải ngân của một số địa phương còn chậm…
Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào năm 2025, cùng với việc thực hiện những chỉ đạo chung của Chính phủ, chúng ta cần triển khai một cách quyết liệt các kế hoạch của tỉnh. Tiếp tục vận động, huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng thời, cần nghiên cứu tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về thủ tục; đẩy nhanh tiến độ xây dựng và sửa chữa nhà cho người dân…
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin