Quy hoạch với mục tiêu đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42-43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 25 tỷ USD vào năm 2030.
Hội nghị Công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 |
Sáng 9/10, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội nghị Công bố quyết định phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ban hành tại Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu chỉ đạo tại hội nghị |
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, quy hoạch lâm nghiệp là 1 trong 4 quy hoạch của ngành nông nghiệp.
Quy hoạch không phải tư duy phân bổ diện tích, phân bổ loại rừng mà là tư duy quản trị để thu hút đầu tư vào rừng. Quy hoạch chính là hình ảnh mong muốn của địa phương.
Qua đó, các nhà đầu tư thấy được tiềm năng của địa phương để cùng tham gia phát triển. Quy hoạch chính là động lực thu hút nhà đầu tư.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát quy hoạch lâm nghiệp để tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương gắn với các cơ chế, chính sách.
Địa phương cần phát huy được đa giá trị lâm nghiệp, qua đó sẽ tạo sinh kế, giảm bớt được sự xâm hại với rừng.
Thông tin về quy hoạch, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, mục tiêu quy hoạch sẽ xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành một ngành kinh tế, kỹ thuật trên cơ sở thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp… đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Quy hoạch với mục tiêu đảm bảo duy trì tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc ổn định từ 42-43%, chú trọng nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên hiện có.
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp bình quân đạt 5-5,5%/năm. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và 25 tỷ USD vào năm 2030.
Đến năm 2025, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên 1,5 lần, đến năm 2030 tăng 2 lần so với năm 2020. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng bình quân 5%/năm.
Giai đoạn 2021-2025 thu khoảng 3.500 tỷ đồng/năm, giai đoạn 2026-2030 thu khoảng 4000 tỷ đồng/ năm.
Quy hoạch cũng nêu rõ 7 nhóm giải pháp và 9 lĩnh vực nhà nước ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Đó là chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong sản xuất lâm nghiệp; xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ rừng sản xuất; hệ thống kết cấu hạ tầng trong trồng rừng sản xuất; sản xuất giống cây rừng chất lượng cao.
Cùng với đó là xây dựng các mô hình hợp tác, liên kết trong bảo vệ và phát triển rừng tại những vùng đặc biệt khó khăn.
Các hoạt động bảo vệ rừng và khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên tại các vùng miền núi, biên giới, hải đảo và vùng đặc biệt khó khăn. Hỗ trợ phát triển cộng đồng phát triển sinh kế và cải thiện đời sống người dân vùng đệm của các khu rừng đặc dụng. Đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực. Xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường.
Theo ông Trần Quang Bảo, việc ban hành Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là góp phần triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, Luật Lâm nghiệp và cụ thể hóa Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc Lần thứ XIII của Đảng.
Tại hội nghị ông Nguyễn Thái Hà, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Cao Bằng chia sẻ Cao Bằng là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng cao so với bình quân cả nước, với trên 50%.
Tuy nhiên, không chỉ Cao Bằng, thực tế cho thấy các tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng càng cao thì càng nghèo. Tỉnh có diện lâm nghiệp lớn và diện đất trống còn nhiều. Để thực hiện quy hoạch, nhà nước cần có chính sách để phủ xanh đất trống, đồi núi trọc, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, môi trường sinh thái, phòng chống thiên tai và an ninh quốc phòng.
Theo ông Nguyễn Thái Hà, việc trồng rừng còn rất khó khăn, bởi mức hỗ trợ còn thấp. Do đó, các bộ, ngành cần quan tâm tạo cơ chế chính sách để đất trống, đồi núi trọc sớm thành rừng.
“Để thực hiện quy hoạch phải có ranh giới, cắm mốc thực địa về 3 loại rừng. Nếu Trung ương không hỗ trợ thì địa phương khó có thể thực hiện được. Khi không thực hiện được việc này thì vấn đề bảo vệ cũng như phát triển rừng sẽ còn khó khăn,” ông Nguyễn Thái Hà kiến nghị.
Về chính sách hỗ trợ trồng rừng, theo ông Trần Quang Bảo, Nghị định số 58/2024/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp có quy định mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất trung bình là 15 triệu/ha; trồng rừng phòng hộ, đặc dụng sẽ theo đơn giá định mức kỹ thuật để đảm bảo mức đầu tư đúng và đủ. Bên cạnh đó, các địa phương cần sử dụng linh hoạt nguồn tiền trồng rừng thay thế để đầu tư cho trồng rừng.
(Theo TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin