(LĐ online) - Ngày 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận |
Các đại biểu cơ bản đánh giá cao chất lượng dự án Luật và thống nhất với Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ thêm các điều, khoản cụ thể nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội.
Tham gia góp ý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng có ý kiến về trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, tại khoản 1, khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật quy định cụ thể các tội phạm không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, đó là: Tội giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi; sản xuất trái phép, tàng trữ trái phép, mua bán trái phép, vận chuyển trái phép và chiếm đoạt chất ma túy.
Thực tiễn trong thời gian vừa qua cho thấy, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng gia tăng, đối tượng người chưa thành niên phạm tội tập trung chủ yếu ở độ tuổi từ 16 đến dưới 18 tuổi, lợi dụng không gian mạng, tập hợp các nhóm đối tượng rất nhanh, lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm đối tượng, mang tính “hỗn chiến”, phạm tội rất manh động.
Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ quy định một số tội tại khoản 1, khoản 2 thực sự là chưa đầy đủ; nếu chỉ có các loại tội này không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thì dự báo tình hình tội phạm do người dưới 18 tuổi gây ra sẽ tiếp tục gia tăng, có thể xuất hiện những băng, ổ, nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như: Đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản..., sẽ gây ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Trên cơ sở khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung các trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng vào khoản 1, khoản 2 Điều 39 dự thảo Luật để tránh việc áp dụng không thống nhất, nâng cao công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, đó là các tội: Cưỡng dâm, mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi, cưỡng đoạt tài sản, cướp giật tài sản, trộm cắp tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản, sản xuất trái phép chất ma túy, tàng trữ trái phép chất ma túy, vận chuyển trái phép chất ma túy, mua bán trái phép chất ma túy, chiếm đoạt chất ma túy, tổ chức đua xe trái phép, đua xe trái phép; sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử; xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác; sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; khủng bố; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự.
Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý Luật Tư pháp người chưa thành niên |
Về điều kiện áp dụng (Điều 40 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị bổ sung điều kiện “Đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại, được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng”. Đây là điều kiện cần và đủ khi áp dụng bởi phù hợp với các quy định của Bộ luật Hình sự quy định nguyên tắc khoan hồng đối với người phạm tội tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra.
Trên cơ sở nguyên tắc này, Bộ luật Hình sự đã quy định việc tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại là một trong những điều kiện để miễn trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các điều kiện khác (khoản 3 Điều 29), là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (điểm b khoản 1 Điều 52), là điều kiện để tha tù trước thời hạn có điều kiện (khoản 1 Điều 66)... Do đó, phải bổ sung các điều kiện nêu trên để thống nhất với nguyên tắc xử lý hình sự và các quy định của Bộ luật Hình sự.
Nguyên tắc xuyên suốt của dự thảo Luật nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ người chưa thành niên phạm tội sửa chữa sai lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, Điều 40 dự thảo Luật chưa đề cập đến việc người chưa thành niên nhận thức về hành vi phạm tội của mình, có sự ăn năn, hối cải, tự nguyện sửa chữa, khắc phục những sai lầm của mình. Nếu áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên mà không thỏa mãn các điều kiện cần và đủ nêu trên thì có thể sẽ khiến họ tiếp tục lao vào con đường phạm tội, như vậy sẽ không đạt được mục đích của Luật này là nhằm giáo dục họ trở thành công dân có ích cho xã hội.
Việc bổ sung điều kiện phải có sự hòa giải của bên bị hại và bên bị hại đồng ý áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng để bảo đảm hài hòa lợi ích của người chưa thành niên phạm tội với lợi ích của người bị hại, lợi ích chung của toàn xã hội. Nếu không có sự đồng thuận của bên bị hại trong việc áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng có thể phát sinh một vụ án hình sự khác do bị hại không được đền bù thỏa đáng có thể tìm cách trả thù người chưa thành niên đã phạm tội với mình, gây bất ổn xã hội và cũng cần quan tâm đến ý kiến của bên thứ 3 là người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Mặt khác, đại biểu Nguyễn Tạo cũng có ý kiến cần xem lại quy định tại khoản 2 “Người chưa thành niên thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội”. Điều này có thể hiểu, bị can nhận mình có tội là quyền của bị can tự nguyện thừa nhận trước cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng về toàn bộ hoặc một phần sự thật về hành vi phạm tội và các tình tiết khác trong vụ án hình sự.
Trong khi đó, Bộ luật Tố tụng hình sự có các điều khoản quy định nguyên tắc suy đoán vô tội, xác định sự thật của vụ án, về vai trò của lời nhận tội của người bị buộc tội, nhấn mạnh lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ là một chứng cứ giống như những chứng cứ khác và không có giá trị chứng minh độc lập.
Đồng thời, tại điểm d khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bị can “trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”, quy định này chính là biểu hiện nội luật hóa phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên.
Như vậy, nếu quy định việc “người chưa thành niên thừa nhận mình đã thực hiện hành vi phạm tội” là điều kiện để có thể được xem xét áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng sẽ mâu thuẫn với quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và quy định của các công ước quốc tế về quyền con người mà nước ta là thành viên; vì vậy nên thay bằng quy định Người chưa thành niên tự thú, đầu thú, ăn năn, hối cải đối với hành vi phạm tội của mình sẽ phù hợp hơn.
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV |
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã phân tích sâu sắc, làm rõ thêm nhiều nội dung đề xuất cụ thể việc tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý một số từ ngữ, thuật ngữ, điều khoản, nội dung cụ thể trong dự thảo Luật nhằm tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật phù hợp, khoa học và khả thi hơn, bảo đảm yêu cầu tiến bộ, nhân văn, nhân đạo, thân thiện trong giải quyết các vụ án liên quan đến người chưa thành niên phạm tội, bảo đảm lợi ích tốt nhất đối với người chưa thành niên như đã được khẳng định trong các nghị quyết của Đảng, Hiến pháp năm 2013, tương thích với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong quá trình thảo luận dự án Luật này từ Kỳ họp thứ 7 đến nay, nhiều ĐBQH đã nhận định việc Quốc hội ban hành Luật Tư pháp người chưa thành niên sẽ không chỉ là thành tựu nổi bật đối với lĩnh vực cải cách tư pháp của Việt Nam mà còn là dấu ấn của Quốc hội khóa XV.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức tổng hợp đầy đủ ý kiến thảo luận và sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng ý kiến của các ĐBQH, các Đoàn ĐBQH để hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thảo luận vào thời gian giữa hai đợt họp của Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng tốt nhất, trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp này.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin