Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tham gia thảo luận, góp ý dự thảo Luật Đầu tư công

NGUYỆT THU 18:51, 29/10/2024

(LĐ online) - Ngày 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh báo cáo thẩm tra về dự án Luật này.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 109 điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 điều; bãi bỏ 7 điều), với các nội dung chủ yếu để cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn như: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; đồng thời bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quang cảnh kỳ họp
Quang cảnh kỳ họp

Nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý và đề xuất liên quan Luật Đầu tư công
Đại biểu Nguyễn Tạo góp ý và đề xuất liên quan Luật Đầu tư công

Tham gia góp ý thảo luận tại tổ, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng: Luật Đầu tư công năm 2019 đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc như: quy trình phê duyệt và triển khai dự án đầu tư công thường mất nhiều thời gian, gây lãng phí nguồn lực và làm chậm tiến độ các dự án; các quy định về thủ tục hành chính trong đầu tư công thường thiếu tính đồng bộ và gây ra nhiều tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan quản lý; việc lựa chọn nhà thầu cho các dự án đầu tư công đôi khi không công khai, minh bạch; chất lượng công trình đầu tư công vẫn là một vấn đề nhức nhối, thường xảy ra tình trạng thi công không đủ tiêu chuẩn; công tác giám sát và đánh giá các dự án chưa được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả…

Để góp phần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, đại biểu Nguyễn Tạo đề nghị cần rút ngắn thời gian phê duyệt và triển khai dự án bằng cách đơn giản hoá các bước và quy định liên quan; áp dụng các biện pháp công khai hoá thông tin về dự án, bao gồm thông tin về quy trình lựa chọn nhà thầu và sử dụng ngân sách; thiết lập khung pháp lý rõ ràng về quản lý dự án bao gồm quy chế trách nhiệm và quyền hạn cụ thể của từng tổ chức, cá nhân; thúc đẩy hợp tác công tư PPP để giảm gánh nặng đầu tư công và tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn lực xã hội…

Tham gia góp ý về Luật Ngân sách nhà nước, đại biểu bày tỏ quan điểm rất mừng Luật sửa đổi lần này đã đưa vào chia sẻ nguồn ngân sách, cần quy định rõ cách phân khai vốn, quyết toán như thế nào để các cấp xử lý. Đã quy định ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác, cần cải tiến thủ tục để nhanh chóng thực hiện. Luật sửa đổi đã quan tâm việc sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động của Đảng…

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn Lâm Đồng tham gia thảo luận
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn Lâm Đồng tham gia thảo luận

Tham gia góp ý Luật Đầu tư công, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn Lâm Đồng cho rằng, Chương II quy định nguồn vốn ODA, hiện nay nguồn vốn này sử dụng ko hiệu quả so với các nguồn vốn khác vì điều kiện khó, chỉ khi cạn kiệt các nguồn vốn khác thì mới sử dụng ODA. Tại Điểm b khoản 5 Điều 20: đối với dự án quan trọng quốc gia có công nghệ chính, cần xem xét lại quy định này để tránh việc cài cắm lựa chọn nhà đầu tư. Về Chương IV quy định trình tự, thủ tục vốn vay ưu đãi nước ngoài và vốn ODA, trình tự, thủ tục của 2 nguồn này đề nghị cần tách bạch rõ hơn…