(LĐ online) - Ngày 22/10, tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Phòng, chống mua bán người...
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8 |
Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn Lâm Đồng, cho rằng: Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012, qua quá trình triển khai đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp kiềm chế sự gia tăng của tệ nạn mua bán người, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tăng cường quản lý Nhà nước về phòng, chống mua bán người và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.
Tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) và Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 6, về cơ bản, Quốc hội tán thành với sự cần thiết, mục đích, quan điểm sửa đổi và nội dung cơ bản của dự thảo Luật; đồng thời, tham gia nhiều ý kiến tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật.
Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý có 8 chương, 65 điều (giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ các điều 34, 56, 58, 59; bổ sung các điều 21, 40 và 64; sửa đổi 63 điều, giữ nguyên 2 điều).
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh góp ý về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người |
Phát biểu tại hội trường, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đóng góp ý kiến đề nghị giải thích, làm rõ một số từ ngữ trong dự thảo Luật như: Mua bán người, Bóc lột tình dục, Cưỡng bức lao động, Mục đích vô nhân đạo khác... để tránh nhầm lẫn và tương thích với quy định của Bộ luật Hình sự và thống nhất với các quy định hiện hành.
Về quyền và trách nhiệm cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người (Điều 14 dự thảo luật), Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cần làm rõ hơn những hoạt động phòng ngừa cụ thể mà cá nhân có thể tham gia như: Tham gia các chiến dịch truyền thông về phòng ngừa mua bán người; tham gia vào các khóa đào tạo, tập huấn về kỹ năng nhận diện và phòng tránh rủi ro liên quan đến mua bán người; tham gia các hoạt động giám sát cộng đồng… Việc này giúp cá nhân nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình khi tham gia phòng ngừa.
Đồng thời, đề nghị quy định rõ hơn về biện pháp bảo vệ cụ thể mà cá nhân có thể nhận được khi họ tham gia phòng, chống mua bán người, đơn cử như: bảo vệ danh tính, bảo vệ sức khỏe và tính mạng, hỗ trợ pháp lý...
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn các quy định về bảo đảm chế độ, chính sách và khen thưởng, như: Chế độ bồi thường thiệt hại, chính sách khen thưởng. Ngoài ra, cần bổ sung thêm những quy định như: Cơ chế hỗ trợ tâm lý, tạo điều kiện cho sự tham gia của cộng đồng, bảo vệ đặc biệt cho các nhóm dễ bị tổn thương.
Về tố giác, báo tin, kiến nghị khởi tố, tố cáo hành vi vi phạm quy định tại Điều 22 dự thảo Luật, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh góp ý việc cơ quan, tổ chức khi phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, tố cáo về hành vi mua bán người, nếu không có đủ thẩm quyền giải quyết thì không những phải “kịp thời thông báo” với cơ quan có thẩm quyền mà còn phải “chuyển nội dung tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố, tố cáo” kèm theo thống báo, phù hợp với quy định của Luật Tố cáo (cơ quan, tổ chức khi nhận được tố cáo nếu không thuộc thẩm quyền của mình giải quyết thì phải chuyển ngay cho cơ quan có thẩm quyền giải quyết).
Đối với việc hỗ trợ học văn hóa, học nghề, tư vấn việc làm quy định tại Điều 43, Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị cân chắc bổ sung nội dung hỗ trợ thủ tục theo học tại cơ sở giáo dục phù hợp trước khi hỗ trợ tiền học phí để tạo điều kiện tốt nhất cho nạn nhân được tiếp tục đi học.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin