Đoàn ĐBQH Lâm Đồng tham gia thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

NGUYỆT THU 14:43, 29/10/2024

(LĐ online) - Ngày 28/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.  

Quang cảnh kỳ họp tại hội trường Nhà Quốc hội
Quang cảnh kỳ họp tại hội trường Nhà Quốc hội

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng đã tham gia đóng góp tích cực, nhấn mạnh: Luật Sĩ quan năm 1999 có hiệu lực thi hành (ngày 01/4/2000), được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2008, năm 2014 và năm 2019 (Luật Dân quân tự vệ sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 41 Luật Sĩ quan) đã tạo cơ sở pháp lý để xây dựng đội ngũ sĩ quan vững mạnh, làm nòng cốt xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Từ năm 1999 đến nay đã có nhiều chính sách, pháp luật của Nhà nước được ban hành, như: Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp năm 2024, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024,... có quy định liên quan hoặc tác động đến đối tượng là sĩ quan QĐND Việt Nam; vì vậy, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung những nội dung vướng mắc, bất cập để phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Các ĐBQH tham dự kỳ họp
Các ĐBQH tham dự kỳ họp

Dự thảo Luật gồm 2 điều, quy định các nội dung gồm: Chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan; Hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan; Cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan là cấp tướng; Một số nội dung liên quan đến thẩm quyền và quy định rõ hơn một số chế độ, chính sách đối với sĩ quan, như thăng quân hàm, nâng lương trước thời hạn, chế độ bảo hiểm xã hội, chế độ nhà ở, đất ở, chăm sóc sức khỏe, trách nhiệm của Chính phủ, bộ, ngành, địa phương...

Đại biểu góp ý  tại khoản 1 Điều 1 Dự thảo Luật, đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc sửa chức vụ “Chính trị viên Tiểu đoàn, Chính trị viên Đại đội” thành “Chính ủy Tiểu đoàn, Chính ủy Đại đội” sẽ rõ nghĩa, đồng bộ với các chức vụ “Chính ủy Sư đoàn, Chính ủy Trung đoàn…”  đã được quy định.

Tại khoản 1 Điều 11 quy định chức vụ cơ bản của sĩ quan từ Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (điểm a) đến Trung đội trưởng (điểm r), đề nghị Ban soạn thảo bổ sung chức vụ “Phó Trung đội trưởng, Phó Chính ủy Trung đội”  là sĩ quan, bởi quy định ở mỗi cấp đều có cấp trưởng, cấp phó, nhưng ở cấp Trung đội chỉ có cấp trưởng (Trung đội trưởng) mới được coi là sĩ quan, trong khi đó cấp phó cũng thuộc hàng ngũ lãnh đạo của Trung đội cũng có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo về các hoạt động của trung đội cùng với cấp trưởng, nhưng không được coi là sĩ quan, sẽ thiệt thòi và ảnh hưởng đến quyền lợi trong khi thi hành nhiệm vụ.

Tại khoản 2 Điều 1 Dự thảo Luật quy định  hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: “Cấp úy: 50;… Cấp tướng: 60”. Dự thảo luật đã nâng hạn tuổi cao hơn từ 2 đến 4 tuổi so với luật hiện hành tùy theo cấp bậc và không phân biệt nam, nữ. Tuy nhiên, so với lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động  trong điều kiện lao động bình thường thì năm 2025, nam nghỉ hưu ở độ tuổi 61 tuổi 3 tháng và nữ nghỉ hưu ở độ tuổi 56 tuổi 8 tháng; từ năm 2028 trở đi nam nghỉ hưu ở tuổi 62, từ năm 2035 trở đi nữ nghỉ hưu ở tuổi 60. Việc dự thảo Luật quy định hạn tuổi cao nhất (cấp tướng) không phân biệt nam, nữ chỉ ở tuổi 60 và thấp nhất (cấp úy) không phân biệt nam, nữ chỉ ở tuổi 50, là chưa tương xứng với tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường theo Bộ luật Lao động hiện hành.

ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam
ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn Lâm Đồng góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam

Theo đó, đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, ở quân hàm cấp tướng, nên phân ra nam và nữ khác nhau, cụ thể cấp tướng đối với nam 62 tuổi, đối với nữ 60 tuổi và cấp úy nên cân nhắc nâng hạng tuổi cao nhất lên để tương thích với tuổi nghỉ hưu của nam và nữ theo quy định của pháp luật có liên quan. Việc kéo dài tuổi phục vụ cho các sĩ quan là giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học đầu ngành là cần thiết để tận dụng kinh nghiệm và chuyên môn, tương quan với Luật Công an nhân dân. Tuy nhiên, cần quy định cụ thể về thời gian kéo dài và cơ chế kiểm soát việc thực hiện quyết định này. Điều này đảm bảo rằng việc kéo dài không gây cản trở quá trình thay thế và đào tạo lực lượng trẻ.

Đại biểu đề xuất, cần có quy định cụ thể hơn về việc đánh giá sức khỏe và năng lực công tác để quyết định kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ. Đồng thời, nên bổ sung quy định về việc xử lý các trường hợp đặc biệt có nhu cầu kéo dài tuổi công tác trong tình huống khẩn cấp hoặc đặc thù của quốc phòng.

Điểm a sửa đổi, bổ sung khoản 3:“Tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác, trường hợp không còn đủ 3 năm công tác khi có yêu cầu do Chủ tịch nước quyết định”. Theo đại biểu, tuổi của sĩ quan tại ngũ xét thăng quân hàm từ cấp bậc Đại tá lên Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân phải còn ít nhất đủ 5 năm công tác, nếu chỉ còn đủ 3 năm công tác mà phong hàm thì sẽ làm tăng số lượng cấp tướng và thời gian tại ngũ rất ngắn, không giải quyết được công việc, bảo đảm tinh nhuệ, hiện đại hóa của quân đội.

Đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng phát biểu thảo luận tại tổ
Đại biểu Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng phát biểu thảo luận tại tổ

ĐBQH Lâm Văn Đoan - Đoàn Lâm Đồng đã tham gia đóng góp ý kiến ngắn về Quy định về thẩm quyền đối với hạn tuổi kéo dài, dưới 60 đối với nữ, 62 đối với nam thì thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ quốc phòng, trên nữa thì cần quy định cấp thẩm quyền quyết định.

Hôm nay, ngày 29/10, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi)…  Quốc hội thảo luận ở tổ về: dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày về dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công đã cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện 5 nhóm chính sách lớn, thể hiện sâu sắc tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, không để đùn đẩy trách nhiệm, tránh tạo cơ chế “xin-cho”…

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định: Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới.