Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, Lâm Đồng đã triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch và đưa nghị quyết vào đời sống từ tỉnh đến cơ sở; đồng thời thực hiện đồng bộ năm mục tiêu mà nghị quyết vạch ra, tạo nên động lực to lớn, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bài 1: Đưa nghị quyết vào đời sống
Việc học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” (sau đây gọi tắt Nghị quyết số 33) cũng như Chương trình hành động số 89-CTr/TU; Kết luận số 76-KL/TW, Kế hoạch số 136-KH/TU của Tỉnh ủy được tiến hành kịp thời, nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự phát triển đất nước, địa phương. Qua đó tác động tích cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hoá, xây dựng đời sống văn hóa của địa phương.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống làm nền tảng xây dựng văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới. Ảnh: N.Ngà |
Theo báo cáo của Tỉnh ủy, ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 33, đặc biệt là cụ thể hóa Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (24/11/2021), Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã ban hành chương trình hành động, đề ra các nghị quyết cũng như kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chiến lược quốc gia về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cũng như “Chiến lược phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”.
Qua đó, cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 89 của Tỉnh ủy để cụ thể hóa và ban hành nhiều văn bản, kế hoạch, chương trình về lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Lâm Đồng; đồng thời, thực hiện nghiêm túc các văn bản của Trung ương, của tỉnh trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ.
Bên cạnh việc chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, Lâm Đồng còn luôn được lồng ghép với việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về văn hóa, văn học, nghệ thuật mà nổi bật đó là “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” hay Chỉ thị số 46 về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội” đi đôi với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo các cấp ủy tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền nội dung Nghị quyết số 33 cũng như Chương trình hành động số 89 của Tỉnh ủy và đã tổ chức 395 lớp cho 50.219 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang, giáo viên, chức sắc tôn giáo...
Mặt khác, việc quán triệt các nội dung nghị quyết gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW, chuyên đề hàng năm, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Kết luận số 21 của Trung ương được tổ chức trên 400 buổi cho khoảng 60.500 cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức… tham gia học tập. Bên cạnh đó, mở trên 1.710 lớp cho trên 200.000 lượt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang, chức sắc, tôn giáo… học tập chuyên đề hàng năm và gần 5.350 buổi sinh hoạt chuyên đề; các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các lớp, các đợt tuyên truyền cho trên 300 nghìn đoàn viên, hội viên tham gia. Riêng hội nghị chuyên đề về văn hóa (Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng) cho gần 200 cán bộ chủ chốt và lực lượng báo cáo viên tham gia.
Công tác nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền Nghị quyết số 33, chương trình hành động cũng như các kết luận và kế hoạch được triển khai thường xuyên và sâu rộng. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền như tổ chức tọa đàm khoa học với chủ đề: Triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 thu hút gần 20 tham luận của các nhà khoa học, các sở, ngành liên quan được trình bày làm rõ những quan điểm mới của Đảng đối với việc phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trước yêu cầu hội nhập và phát triển đất nước trong tình hình mới; Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát huy văn hóa ứng xử người Đà Lạt, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Lâm Đồng: Văn minh - Thân thiện - An toàn”; “Triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới gắn với thực tiễn vùng Tây Nguyên”. Song song đó thực hiện cổ động trực quan, tuyên truyền trên hệ thống pano, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, màn hình điện tử,… với nội dung phong phú, đa dạng. Tổ chức các hội thi, hội diễn; triển lãm, trưng bày giới thiệu sách báo, hiện vật, tư liệu; triển lãm tranh cổ động tuyên truyền quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người và danh lam thắng cảnh của Lâm Đồng đến với đông đảo công chúng trong cả nước và bạn bè quốc tế.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy, nhìn chung, việc học tập, quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 33, Chương trình hành động số 89, Kết luận số 76-KL/TW, Kế hoạch số 136-KH/TU được tiến hành kịp thời, nghiêm túc, góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển đất nước, địa phương; tác động tích cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng đời sống văn hóa của địa phương. Bên cạnh đó, Lâm Đồng còn gắn công tác kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết số 33 với kiểm tra đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đánh giá chất lượng tập thể, cá nhân hằng năm; đánh giá công tác xây dựng nếp sống văn hóa tại các địa phương, đơn vị; xây dựng nông thôn mới; các hoạt động, dịch vụ văn hóa, nghệ thuật.
Hàng năm, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức các buổi làm việc, khảo sát thực tế tại các địa phương, đơn vị trên lĩnh vực văn hóa và việc thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ; ban hành về khảo sát xây dựng bộ tài liệu tuyên truyền xóa bỏ các phong tục, tập quán lạc hậu tại các địa phương. Qua khảo sát đánh giá cho thấy nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước có sự chuyển biến đáng kể, đã biết cách làm kinh tế bằng việc áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào phát triển sản xuất, chăn nuôi, xây dựng các mô hình kinh tế… từ đó làm cho đời sống có nhiều tiến bộ, nhiều hộ nghèo vươn lên khá, giàu, có tích luỹ tái sản xuất… từng bước xóa bỏ các tập tục lạc hậu, góp phần xây dựng khu phố, thôn, buôn văn hóa.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cũng đã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và các phong trào thi đua yêu nước.
(CÒN NỮA)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin