Bài 2: Thực hiện đồng bộ 5 mục tiêu
Các mục tiêu, nhiệm vụ được vạch ra trong Nghị quyết số 33 được Lâm Đồng triển khai đồng bộ bao gồm các nội dung: Hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế; hoàn thiện thể chế, chế định pháp lý và thiết chế văn hóa… góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Các CLB văn hóa văn nghệ quần chúng thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo sân chơi lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Ảnh: Q.Uyển |
Theo đó, Lâm Đồng luôn chú trọng công tác xây dựng chuẩn mực giá trị văn hóa, đạo đức của người cán bộ, đảng viên trên nền tảng đạo đức cách mạng, nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với đặc thù văn hóa, lối sống của vùng đất Nam Tây Nguyên mà cốt lõi là “nói đi đôi với làm”; “trung với nước, hiếu với dân”; “yêu thương con người”; “sống có tình, có nghĩa”; “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” và là tinh thần đoàn kết. Việc xây dựng chuẩn mực đạo đức của người cán bộ, đảng viên không tách rời những phẩm chất mang tính đặc thù của con người Đà Lạt, Lâm Đồng như “hiền hòa - thanh lịch - mến khách”. Các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh xây dựng các chuẩn mực đạo đức, văn hóa phù hợp với đặc thù công việc, điều kiện thực tiễn hướng đến mục tiêu xây dựng quê hương Lâm Đồng giàu mạnh, văn minh.
Cụ thể các điển hình như: Chương trình “Ngày thứ Bảy vì dân”; “Ngày thứ Bảy vì nông thôn mới” (ở huyện Di Linh). “Kiểm điểm dưới cờ” (huyện Đam Rông); “Mỗi ngày làm một việc tốt, có ích” (huyện Cát Tiên); “Ngày Chủ nhật vì môi trường”, “Mô hình 5 rõ” (huyện Đạ Huoai); Xây dựng chuẩn mực đạo đức công vụ (Đảng ủy Khối Các cơ quan tỉnh), 6 chuẩn mực đạo đức (ngành Tuyên giáo tỉnh). Trên lĩnh vực quốc phòng, an ninh có các Phong trào: “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, “Đơn vị huấn luyện giỏi”, “Ngành Hậu cần quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”… của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Phong trào “Công an Nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, “Công an Nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” (Công an tỉnh). Nhiều cơ quan, đoàn thể đã cụ thể hóa các nội dung thành các chuẩn mực ngắn gọn, như “5 xây, 5 chống”, “5 nên, 5 không nên”…
Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về văn hóa; xây dựng văn hóa trong hệ thống chính trị, trên nền tảng truyền thống tốt đẹp của quê hương; phát huy tiềm năng, thế mạnh về văn hóa, con người Lâm Đồng phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới; tăng cường giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; tổ chức nhiều hoạt động bồi dưỡng về thể chất và tâm hồn, nhằm phát triển con người một cách toàn diện. Chỉ đạo thực hiện các quy định về nêu gương của cán bộ, đảng viên; trong đó chú trọng việc “làm theo” bằng những việc làm cụ thể theo tinh thần Chỉ thị số 05, gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần mang lại những chuyển biến tích cực về ý thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống; nâng cao chất lượng công tác và đổi mới phong cách, lề lối làm việc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thu hút sự hưởng ứng, tích cực tham gia của đông đảo người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân; phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa.
Cũng theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 của Tỉnh ủy, việc chỉ đạo, ban hành các chính sách để phát triển văn hóa được chú trọng, triển khai toàn diện và hiệu quả nhằm đảm bảo mọi hoạt động văn hóa phát triển phù hợp với định hướng của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các chính sách, văn bản khi ban hành được tổng kết, đánh giá và có những định hướng mới xuất phát từ thực tiễn để đảm bảo được tính khả thi, đi vào thực tiễn cuộc sống.
Việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở là một nội dung trọng tâm của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. UBND tỉnh đã ban hành, triển khai các Đề án: Bảo tồn và phát triển Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên các dân tộc tỉnh; Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc bản địa, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống gắn với hoạt động du lịch; trong đó công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm và tạo được sự đồng thuận, huy động sự chung sức của Nhân dân. Số lượng và chất lượng thiết chế văn hóa, thể thao không ngừng phát triển đồng bộ. Nguồn nhân lực văn hóa luôn nâng cao về chất lượng với trên 80% cán bộ, viên chức có trình độ đại học, trên đại học, còn lại là cao đẳng, trung cấp.
Cũng trong thời gian qua, tỉnh quan tâm xây dựng thị trường văn hóa lành mạnh, phát triển công nghiệp văn hóa, tăng cường quảng bá văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Lâm Đồng nói riêng. Chú trọng phát huy bản sắc văn hóa đặc sắc cộng đồng các dân tộc, ưu tiên phát triển du lịch trên cơ sở phát huy giá trị văn hóa truyền thống, môi trường cảnh quan; thúc đẩy tiêu dùng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nông nghiệp nông thôn trong hoạt động du lịch; các sản phẩm OCOP, các làng nghề, các hệ sinh thái nhằm thu hút du khách.
Triển khai thực hiện tốt Dự án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” từ nguồn vốn “Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2025”. Theo đó, dự án được thực hiện tại huyện Di Linh và huyện Lạc Dương với tổng mức đầu tư gần 21 tỷ đồng. Dự án chia làm 2 nội dung: Bảo tồn giá trị văn hoá vật thể (xây dựng làng văn hóa truyền thống tại thôn Đưng K'Si, xã Đạ Chais, huyện Lạc Dương và làng văn hóa truyền thống tại thôn K'Long Trao, xã Gung Ré, huyện Di Linh); bảo tồn văn hoá phi vật thể (tiến hành đầu tư trang phục, nhạc cụ, dụng cụ lao động, ẩm thực,…) nhằm hướng đến mục tiêu đưa làng bản thành làng bản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng, dự án tập trung bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với phát triển kinh tế, phát triển dịch vụ và du lịch.
Song song đó, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Vì vậy Lâm Đồng luôn chú trọng xây dựng những thiết chế văn hóa đồng bộ và cho đến nay hiện toàn tỉnh có 137/142 thiết chế văn hóa xã, phường, thị trấn; 1.321/1367 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng, hiện đại.
Những năm qua, tỉnh cũng tăng dần mức nguồn chi ngân sách cho lĩnh vực này, nếu như giai đoạn 2011-2015 bố trí 603,5 tỷ đồng cho 27 dự án, thì giai đoạn 2016-2020 bố trí 764,8 tỷ đồng cho 18 dự án. Năm 2022, 2023 thực hiện 5.274 triệu đồng tại 24 thôn của 4 huyện: Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà, Đam Rông. Riêng giai đoạn 2024-2025 phần kinh phí điều chỉnh bổ sung 13.000 triệu đồng.
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của Nhân dân, tăng mức hưởng thụ văn hoá ở nông thôn. Tỉnh cũng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng và ban hành các khung chuẩn mực đạo đức, tiêu chí đánh giá đạo đức, các bộ quy tắc ứng xử phù hợp với từng lĩnh vực, làm căn cứ để đánh giá, xếp loại cán bộ, đảng viên hàng năm. Mặt khác, tiếp tục đưa Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi vào chiều sâu, thực chất, thực sự phát huy được vai trò của các cộng đồng làng xã, khu dân cư, các thiết chế xã hội trong việc giám sát và điều chỉnh đạo đức, hành vi, ứng xử của từng cá nhân và tập thể,… góp phần ngăn chặn và đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội trên địa bàn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin