Những ngày tháng Mười này, Hà Nội ngập tràn không khí lễ hội với hàng loạt sự kiện chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô. Trời như cũng chiều lòng người, một tiết thu không thể đẹp hơn khiến cho cảnh sắc càng rộn ràng, náo nức, hân hoan trong tưng bừng cờ hoa, rộn ràng trống hội. Và tiết thu dịu mát, se lạnh ấy cũng lại khiến không ít người Thủ đô nhớ tới một vùng đất, cách xa Hà Nội cả ngàn cây số, nhưng lại gắn bó, lại không thể không nhắc đến khi nói về những thành tựu Hà Nội đã đạt được trong 70 năm qua. Vùng đất mang cái tên đầy nghĩa tình: Lâm Hà.
Để có thể hiểu một cách đầy đủ vì sao Lâm Hà luôn được coi là một phần gắn bó của Hà Nội, cần trở lại lịch sử của vùng đất này. Có thể nói mà không sợ quá lời, lịch sử hình thành và phát triển của Lâm Hà là một bản hùng ca đầy cam go, bi tráng mà không kém phần lãng mạn. Năm 1976, những bước chân đầu tiên của 30 cán bộ Ban Kinh tế mới, hầu hết còn rất trẻ, làm công tác tiền trạm đặt lên những cánh rừng già cao nguyên còn đầy bom đạn, nơi tàn quân Fulro vẫn lén lút hoạt động… Hơn một năm sau, những hộ dân đầu tiên từ các vùng quê Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức, Đan Phượng, Từ Liêm và cả ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa… bước đầu an cư tại vùng đất mới. Để có được điều này, 2.662 thanh niên tiền trạm đã vào công tác tại vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, để rồi những địa danh như Lán Tranh, Tân Hà, Nam Ban… được ghi vào lịch sử vùng đất mới. Trong những ngày đầu cam go ấy, những chàng trai, cô gái, những kĩ sư, bác sĩ, giáo viên Hà Nội đã lao động cật lực, đổ biết bao mồ hôi và cả máu để 5.060 ha đất được khai hoang, 5.141 căn nhà, 1.285 giếng nước được xây dựng. Rồi hệ thống điện, đường, trạm xá, trường học từ mầm non tới THPT… hình thành. Kịp đến khi 20.000 người dân Hà Nội vào xây dựng quê mới thì đã có những điều kiện tối thiểu cho sự an cư, để những người dân Nam Ban, Tân Hà, Gia Lâm, Đông Anh, Mê Linh, Đan Phượng… dần quần tụ trên quê hương thứ hai và đến năm 1987, hợp vào với những Đinh Văn, Tân Văn, Đạ Đờn, Phi Tô, Phú Sơn mà thành huyện mới mang cái tên đầy nghĩa tình Lâm Hà, hôm nay đang ở độ tuổi tráng niên.
Thường khi đến vùng đất mới, muốn biết mức sống của cư dân ở đó, chỉ cần nhìn vào những tấm biển hiệu. Cứ nhìn vào những biển hiệu dọc trục đường chính của Nam Ban, Đinh Văn, Tân Hà… cũng thấy sự sung túc, no đủ cùng tiềm năng của vùng đất này.
Có lẽ cũng bởi vậy mà từ nhiều năm nay, người Lâm Hà hay nói với khách phương xa: Hà Nội có gì, Lâm Hà có đó! Kể cũng lạ. Hà Nội cách Lâm Hà cả hơn ngàn cây số. Đà Lạt chỉ cách có 40 km. Xa hơn một chút, là TP Hồ Chí Minh cách 300 km. Sao người Lâm Hà không nói Sài Gòn, hay Đà Lạt có gì, Lâm Hà có đó, mà lại ví von so sánh với Hà Nội? Xem ra ngoài sự tự hào, còn có tấm lòng hướng về nơi quê hương, không chỉ với những người gốc Hà Nội. Ví von, so sánh như vậy có thể hiểu rằng, ngoài cái sự tự hào về kinh tế, đời sống phát triển người Lâm Hà còn muốn cùng nhau hướng tới, gìn giữ những nét đẹp của đất Tràng An trong văn hóa, nếp sống.
Hà Nội có gì, Lâm Hà có đó xem ra đúng cả ở cái sự hội tụ, kết tinh, lan tỏa. Ngoài nét đặc trưng là 60% dân số gốc Hà Nội, Lâm Hà còn là nơi đến của những người dân từ khắp vùng miền đất nước. Vùng đất cao nguyên này hiện là nơi làm ăn sinh sống của những người dân đến từ miền núi phía Bắc giàu bản sắc văn hóa, dải đất miền Trung thương khó, rồi dân miền Tây hào sảng. Điều đó cũng có nghĩa những gì là tinh hoa trong tính cách của người dân mọi miền đất nước được hội tụ, phát huy mà đưa vùng đất này phát triển.
Có một câu chuyện mà mỗi khi có dịp, người Lâm Hà thường nhắc tới. Đó là chuyện những đứa trẻ sinh ra ở vùng đất này, dù bố mẹ có gốc gác ở đâu, Hà Nội hay Nghệ An, Quảng Nam hay Thừa Thiên - Huế, người H’Mông từ Tây Bắc hay người K’Ho bản địa… tất thảy đều nói giọng Hà Nội.
Đúng là một câu chuyện vui. Vui hơn là cách kể của người trong cuộc. Có điều gì đó tự hào, tin tưởng. Điều gì đó như sự cam kết của một cộng đồng cùng hướng tới tương lai.
Từ bao đời nay, trải bao biến thiên của mọi thời đại, Thăng Long - Hà Nội vẫn được coi là vùng đất mang truyền thống hội tụ, kết tinh, lan tỏa. Truyền thống đó tiếp tục được phát huy trong 70 năm xây dựng và phát triển vừa qua. Với những thành tựu được tạo nên bởi sự chung tay của người dân đến từ mọi miền đất nước, trong đó có sự đóng góp đầy hiệu quả những người con ra đi từ Thủ đô, Hà Nội có thể tự hào mà coi Lâm Hà như một trong những nét son của truyền thống quý báu đó.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin