Sức mạnh từ dân vận khéo

THÂN THU HIỀN 05:19, 18/10/2024

“Những năm qua, các mô hình Dân vận khéo luôn được huyện Lâm Hà thực hiện hướng về cơ sở, gần dân, sát dân gắn liền với thực tiễn của người dân. Qua đó, khơi dậy truyền thống đoàn kết, đồng thuận để cùng chung sức xây dựng và thực hiện nhiệm vụ chính trị trọng tâm của địa phương, đơn vị”. Đó là những chia sẻ của ông Nguyễn Ngọc Tú - Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà về sức mạnh tổng hợp trong thực hiện các mô hình Dân vận khéo tại địa phương.

Mô hình Thu gom phế liệu nuôi heo đất từ rác thải thu hút đông đảo 
chị em hội viên tham gia
Mô hình Thu gom phế liệu nuôi heo đất từ rác thải thu hút đông đảo chị em hội viên tham gia

TỪ MÔ HÌNH Ý NGHĨA

Là địa phương có diện tích rộng, dân số đông, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp Nhân dân huyện Lâm Hà luôn đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu giành được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Đặc biệt trong Phong trào thi đua Dân vận khéo đã xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực, được cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, Nhân dân ủng hộ và có sức lan tỏa sâu rộng.

Đơn cử tại xã Tân Hà, Mô hình Dân vận khéo “Thu gom phế liệu nuôi heo đất từ rác thải nhựa” gây quỹ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo đã lan tỏa đến chị em hội viên trên địa bàn. Năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã tiếp tục đổi mới hình thức triển khai công tác xây dựng mô hình bảo vệ môi trường bằng các việc làm thiết thực. Để giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi nilon, Hội LHPN xã Tân Hà đã huy động mọi nguồn lực phối hợp với các ngành vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ và Nhân dân sử dụng làn đi chợ, hạn chế sử dụng túi nilon. Đồng thời xây dựng kế hoạch, sinh hoạt chuyên đề hướng dẫn hội viên phụ nữ và người dân phân loại rác thải tại gia đình. 

Chị Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hà cho biết: “Sau khi sử dụng xong, chị em không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để thu gom và tiêu hủy theo quy định. Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi ni lon trong sinh hoạt, làm việc, lao động hằng ngày. Bên cạnh đó sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường như dùng làn đi chợ. Qua đó, hằng quý, Hội phát động chương trình thu gom phế liệu tạo thêm kinh phí, gây quỹ hỗ trợ phụ nữ, trẻ em nghèo nhân dịp Tết Trung thu, Tết Thiếu nhi, Tết Nguyên đán…”.

Tính từ năm 2023 đến nay, Hội LHPN xã Tân Hà đã phát động 9 đợt thu gom phế liệu số tiền thu được gần 12 triệu đồng. Qua đó, Hội đã hỗ trợ 10 hội viên phụ nữ khó khăn tham gia BHYT; hỗ trợ nuôi 4 trẻ em mồ côi mẹ tại Chi hội Phúc Tân; trao 15 suất quà nhân dịp Tết Trung thu cho trẻ em nghèo; trao 3 suất quà nhân dịp Tết Nguyên đán cho hội viên phụ nữ nghèo. Năm 2024, Hội đã nhân rộng 2 mô hình tại Chi hội Thạch Tân, Phúc Hưng về “Thu gom phế liệu nuôi heo đất từ rác thải nhựa để hỗ trợ trẻ em nghèo. Trong quý 1 năm 2024 đã tổ chức thu gom được hơn 4 triệu đồng.

“Khi bắt đầu xây dựng mô hình, để tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên, phụ nữ Hội LHPN xã đã bám sát phương châm “từ trong ra ngoài”, xác định trước hết làm tốt từ cán bộ Hội để làm gương và từ đó lan tỏa đến hội viên phụ nữ và người dân. Với tinh thần đó, Hội LHPN xã Tân Hà đã phát động từng thành viên trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành tiên phong tham gia thực hiện mô hình, đồng thời tuyên truyền, vận động triển khai lồng ghép trong các cuộc họp chi, tổ Hội. Cùng với đó phát động tuyên truyền qua các trang như zalo, facebook để phát động toàn thể chị em hội viên phụ nữ cùng hưởng ứng thực hiện”, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hà cho hay.

• CHUNG TAY LÀM DÂN VẬN 

Trong những năm qua, Phong trào Dân vận khéo ở huyện Lâm Hà nhanh chóng hình thành và lan tỏa đến cán bộ và người dân. “Bây giờ, Dân vận khéo không còn là việc riêng của Ban Dân vận Huyện ủy và Khối Dân vận các xã, thị trấn trên địa bàn mà đã nhận được đồng thuận, hưởng ứng, phối hợp thực hiện tích cực của toàn xã hội. Các cấp ủy Đảng, tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện Phong trào thi đua Dân vận khéo, từ đó tầm quan trọng của phong trào trong việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội được xác định rõ hơn. Cũng qua đó, các cấp chính quyền trong huyện đã gắn Phong trào thi đua Dân vận khéo với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chủ động gắn Phong trào Dân vận khéo với việc triển khai, thực hiện phong trào thi đua yêu nước của tổ chức, đơn vị, địa phương mình”, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà cho hay.

Năm 2023, hưởng ứng thực hiện phong trào thi đua đã có các tập thể, cá nhân đăng ký xây dựng 44 mô hình Dân vận khéo cấp huyện trên các lĩnh vực. Cụ thể có 24 mô hình Dân vận khéo về lĩnh vực văn hóa - xã hội; 12 mô hình Dân vận khéo về lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, 8 mô hình về lĩnh vực phát triển kinh tế của 10 tổ chức Đảng; 2 đơn vị chính quyền; 8 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể; 17 Hội cấp xã; 2 cá nhân. 

Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lâm Hà Nguyễn Ngọc Tú khẳng định: “Từ đây, phong trào thi đua càng phát triển mạnh mẽ, phát huy tốt hiệu quả. Chính vì lẽ đó mà trong thời gian tới, Huyện ủy Lâm Hà sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua Dân vận khéo gắn với các cuộc vận động, Phong trào thi đua yêu nước khác. Cùng với đó, tăng cường công tác dân vận của các cấp chính quyền, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Ban Dân vận Huyện ủy và Khối Dân vận các xã, thị trấn sẽ đặc biệt chú trọng đến công tác dân vận với mong muốn những phần việc thiết thực, ý nghĩa sẽ được hướng về cơ sở một cách hiệu quả và lan tỏa rộng khắp”...