(LĐ online) - Chiều 3/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S và Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Phạm Triều đã chủ trì buổi làm việc nhằm triển khai chương trình Xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được tổ chức theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu UBND tỉnh đến các huyện, thành phố trong tỉnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm S chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung cao điểm triển khai tháo gỡ khó khăn hoàn thành kế hoạch xoá nhà tạm cho hộ nghèo toàn tỉnh |
Tham dự có đại diện các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính, Xây dựng, Nội vụ, Ban Dân tộc và lãnh đạo các Huyện uỷ, Thành uỷ.
Trong 2 năm 2024 - 2025, toàn tỉnh dự kiến hỗ trợ 1.813 căn nhà. Trong đó xây mới 1.460 căn, sửa chữa 353 căn, với tổng kinh phí thực hiện 81,825 tỷ đồng; mức hỗ trợ xây mới 50 triệu đồng/căn, mức hỗ trợ sửa chữa 25 triệu đồng/căn. Cụ thể:
Năm 2024: Dự kiến hỗ trợ xây mới, sửa chữa: 867 căn; trong đó xây mới 706 căn, sửa chữa 161 căn; kinh phí thực hiện 39,325 tỷ đồng.
Năm 2025: Dự kiến hỗ trợ xây mới, sửa chữa: 946 căn; trong đó xây mới 754 căn, sửa chữa 192 căn; kinh phí thực hiện 42,5 tỷ đồng.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Triều kêu gọi sự giúp đỡ của cộng đồng, dòng họ để xoá nhà tạm cho hộ nghèo |
Theo báo cáo tổng hợp từ Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, tính đến ngày 30/9/2024, Quỹ “Vì người nghèo” do Ủy ban MTTQ tỉnh quản lý đã tiếp nhận được tổng số tiền là trên 29,5 tỷ đồng của các tập thể, cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp đóng góp, ủng hộ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Tính đến ngày 30/9/2024, các huyện, thành phố đã tiến hành triển khai thực hiện xây mới và sửa chữa 215 căn nhà; trong đó xây mới 202 căn, sửa chữa 13 căn; với tổng kinh phí thực hiện 10.765 triệu đồng.
Đại diện Sở Xây dựng đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục đất đai để giúp hộ nghèo được xoá nhà tạm |
Tại buổi làm việc, ý kiến phát biểu của các huyện, thành phố chủ yếu về khó khăn gặp phải đó là: Tiến độ triển khai thực hiện xây mới, sửa chữa nhà ở và giải ngân của một số địa phương còn chậm; một số hộ nghèo, hộ cận nghèo còn vướng thủ tục pháp lý về đất đai theo quy định (đất không có sổ đỏ, đất chưa chuyển mục đích sử dụng qua đất ở,…); một số hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh khó khăn chưa tiếp nhận kinh phí hỗ trợ vì gia đình không có khả năng đối ứng để xây mới nhà ở…
Buổi làm việc được trực tuyến trên 12 điểm cầu các huyện, thành phố |
Theo đó, các địa phương kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các sở, ngành, địa phương bám sát nhiệm vụ được giao theo kế hoạch số 4227/KH-UBND ngày 28/5/2024 nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xóa nhà tạm nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh trong năm 2024 và 2025.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Phạm Triều trao đổi và định hướng gợi ý: Đây là chủ trương lớn của Chính phủ, của tỉnh, mức hỗ trợ hiện còn khiêm tốn, năm nay kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn; đề nghị các huyện, thành phố tiếp tục kêu gọi huy động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ủng hộ 1 ngày lương. Trên tinh thần làm cho dứt điểm, rõ người, rõ việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị các đơn vị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động ủng hộ phong trào xoá nhà tạm, nhà dột nát. Đề nghị chính quyền tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo, không cần thiết phải có sổ đỏ mới được xây nhà vì họ đa phần là người đồng bào DTTS sinh sống theo phong tục tập quán của đồng bào DTTS. Ngoài ra, đề nghị huy động thêm dòng họ, cộng đồng đóng góp, hỗ trợ bằng vật chất, sức lao động, hướng tới đảm bảo tối thiểu 100 triệu đồng/căn nhà cho hộ nghèo. Bên cạnh đó thực hiện giám sát, quản lý Quỹ hiệu quả khi nguồn ủng hộ gửi về Ủy ban MTTQ tỉnh; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát kỹ để không bỏ sót hộ nghèo nào còn ở nhà tạm, nhà dột nát…
Quang cảnh buổi làm việc tại điểm cầu trực tiếp UBND tỉnh |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Phạm S nhấn mạnh, qua 5 tháng triển khai, tỉnh cũng đã đạt được những kết quả nhất định dựa trên sự chủ động vào cuộc của tỉnh và các địa phương. Sự hưởng ứng của cộng đồng doanh nghiệp cá nhân với 46 tỷ đồng là một con số khá lớn. Tuy nhiên việc triển khai còn gặp những vướng mắc, khó khăn liên quan đến thủ tục, điều kiện về đất ở, vốn đối ứng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan, cấp uỷ, chính quyền địa phương tiếp tục chung tay tạo điều kiện thuận lợi nhất, có giấy xác nhận của chính quyền về đất do bố mẹ cho để giải ngân được nguồn vốn; UBND tỉnh sẽ đôn đốc Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm về hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện tốt nhất cho hộ nghèo sớm vay vốn. Đề nghị Sở Xây dựng bám sát nhiệm vụ, hướng dẫn địa phương thực hiện đúng quy định, đảm bảo nhà chất lượng theo tiêu chí 3 cứng “Cứng nền - cứng mái - cứng tường”.
Ngoài ra, đề nghị tiếp tục tuyên truyền, huy động sự chung tay giúp đỡ của toàn xã hội, các tổ chức, cá nhân, các tấm lòng hảo tâm tiếp tục ủng hộ giúp người dân Lâm Đồng hoàn thành chương trình xoá nhà tạm, nhà dột nát theo chủ trương của Chính phủ. Tiếp tục nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, của dòng họ, cộng đồng và toàn hệ thống chính trị cùng chung tay thực hiện xoá nhà tạm, nhà dột nát. Ngoài ra, đề nghị các địa phương, sở, ngành tiếp tục rà soát kỹ các hộ nghèo còn khó khăn về nhà ở để bổ sung, hỗ trợ trong những năm tiếp theo, nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
Tập trung phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự đồng tâm, hiệp lực của toàn xã hội trong tổ chức thực hiện Kế hoạch vận động nguồn lực thực hiện xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, giúp hộ gia đình ổn định cuộc sống, yên tâm lao động, sản xuất, từng bước nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin