Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại ngày nay. Tại nước ta, việc thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số và Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số, Chiến lược dữ liệu quốc gia… thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong giai đoạn 2021 - 2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, mang lại kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện chuyển đổi số được triển khai quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến cơ sở. Thể chế, cơ chế, chính sách tạo khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho chuyển đổi số dần được hoàn thiện. Nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương. Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế số, xã hội số ngày càng phát triển mạnh mẽ. Cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai và kết nối, tích hợp, chia sẻ. Hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư, phát triển…
Tuy vậy, quá trình triển khai các chương trình, chiến lược, đề án… vẫn còn không ít thách thức, bất cập, hạn chế do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Chính vì vậy, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cần tăng tốc, bứt phá trong chuyển đổi số; phát huy tinh thần 5 đẩy mạnh, 5 đảm bảo, gắn với 5 không. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương; sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng nhất đảm bảo sự thành công của chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, phải lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu; luôn cầu thị, lắng nghe phản ánh của người dân, doanh nghiệp. Phải nói thật, làm thật để người dân, doanh nghiệp được hưởng thụ thành quả do chuyển đổi số mang lại…
Song song với những nhiệm vụ nêu trên, ngày 16/9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị về việc xây dựng đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, yêu cầu bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chủ trì xác định các mũi đột phá, bảo đảm có đề án mang tính đột phá thực hiện chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực, phạm vi quản lý của bộ, ngành, địa phương mình. Các mũi đột phá có thể tập trung vào nội hàm phát triển kinh tế số (với 4 trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin, kinh tế số ngành, quản trị số và dữ liệu số) hoặc phát triển Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh theo nguyên tắc lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số Quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) do Bộ Công an chủ trì xây dựng, là đề án quan trọng, đột phá trong thúc đẩy chuyển đổi số Quốc gia, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Thực tế đó cho thấy, việc xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả đề án chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương với những mũi đột phá cụ thể, sẽ góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình chuyển đổi số Quốc gia.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin