Chống lãng phí, nhiệm vụ cấp bách hiện nay (Bài 2)

HỒNG PHÚC 06:09, 20/11/2024

Bài 2: Quan điểm nhất quán của Đảng về phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực

Cả tham nhũng, lãng phí và tiêu cực đều gắn với quyền lực bị tha hóa, chúng đều có chung bản chất là lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để tư lợi cá nhân, sống ích kỷ, ăn bám, trên sức lao động của người khác. Vì vậy, rõ ràng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực có thể xảy ra ở mọi cấp, mọi ngành, không loại trừ một ai, ở cương vị nào, nó cũng được thể hiện ở nhiều mức độ, quy mô khác nhau. Tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí khiến nhiều cán bộ, đảng viên trở nên tha hóa, xa dân, chuyên quyền, độc đoán. Bởi vậy, tác hại mà tham nhũng, lãng phí, tiêu cực gây ra là rất nghiêm trọng bởi sẽ làm suy yếu Đảng, làm suy giảm quyền lực nhà nước, gây ảnh hưởng đến uy thế, thanh danh của Đảng và Nhà nước, dễ tạo ra nguy cơ biến bộ máy chính quyền và các tổ chức Đảng trở thành bộ máy quan liêu mới, xa rời lợi ích của Đảng, của Nhân dân, thậm chí có thể làm đổ vỡ cả một chính đảng, làm tiêu vong cả một chế độ. 

 

Vì những nguy cơ mà tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đe dọa tới vị thế cầm quyền của Đảng, đe dọa nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ, vì vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn coi việc chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực không chỉ để bảo vệ tài sản của Nhà nước, của Nhân dân mà còn để bảo vệ uy tín của Đảng trước Nhân dân. Ngay từ những năm 60 của thế kỷ XX, Đảng Lao động Việt Nam đã quan tâm đến công tác này. Thế nhưng có lẽ phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí được quan tâm và thực hiện đồng bộ, có hiệu quả từ sau ngày thực hiện công cuộc đổi mới. 

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) đã chỉ rõ: "Hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát triển, công bằng xã hội bị vi phạm. Pháp luật kỷ cương không nghiêm. Những hành vi lộng quyền, tham nhũng của một số cán bộ và nhân viên nhà nước chưa bị trừng trị nghiêm khắc". Đảng thừa nhận và coi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí là nguyên nhân tạo ra sự trì trệ, làm giảm tốc độ phát triển bền vững đất nước, gây mất lòng tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII năm 1994, Đảng nhận diện nguy cơ thường trực đối với Đảng là nguy cơ cán bộ, đảng viên quan liêu, xa dân với đánh giá: “Tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng”. Đây là đánh giá thể hiện bản lĩnh của Đảng khi nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá một vấn đề mà dư luận Nhân dân quan tâm và đặt ra với nhiều nhức nhối. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), trong 5 bài học kinh nghiệm rút ra về cơ bản vẫn giữ nguyên như Cương lĩnh 1991. Tuy nhiên, Cương lĩnh đã bổ sung vào bài học kinh nghiệm thứ 2 nội dung rất quan trọng: "Quan liêu, tham nhũng, xa rời Nhân dân sẽ dẫn đến những tổn thất khôn lường đối với vận mệnh của đất nước, của chế độ xã hội chủ nghĩa và của Đảng". Đây có thể xem là một cam kết chính trị trước Nhân dân về công cuộc phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Việc đưa ra cảnh báo nghiêm khắc về nguy cơ mà các tệ nạn này gây ra thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng đã thẳng thắn thừa nhận, nhìn thẳng sự thật, nói đúng sự thật để có các biện pháp hữu hiệu phòng, chống hiệu quả. Trong các Văn kiện Đại hội VIII, IX, XI, Đảng Cộng sản Việt Nam đều tiếp tục chỉ rõ sự nguy hại của tiêu cực, lãng phí, tham nhũng đến sự tồn vong của chế độ xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội X của Đảng chỉ rõ: "Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên gắn với tệ quan liêu tham nhũng, lãng phí là nghiêm trọng". Đại hội XII của Đảng đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và coi đây là nhiệm vụ cấp bách đối với Đảng. Vấn đề xây dựng Đảng, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là phòng, chống tham nhũng được đề cao. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng được xác định là trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ: "Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ năng lực, phẩm chất và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ" và "xây dựng tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu". Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định tinh thần mà Đại hội XII của Đảng đã đề ra và thực hiện rất thành công: “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát, kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp”.

Hầu như các nhiệm kỳ, Đảng đều ban hành các chỉ thị, nghị quyết về công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Kể từ sau khi đất nước thực hiện đường lối đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành rất nhiều các chỉ thị, nghị quyết về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Có thể kể ra nhiều nghị quyết, chỉ thị tiêu biểu về vấn đề này như: Nghị quyết 14 của Bộ Chính trị khóa VII (15/15/1996) về "Lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tham nhũng"; Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII về "Tiến hành đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu"; Nghị quyết Trung ương 6 khóa VIII (lần 2) về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; Kết luận Hội nghị Trung ương 4 khóa IX về “Tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn và đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí”…

Đặc biệt, ngày 21/8/2006, Hội nghị Trung ương 3 (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 04/NQ-TW về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” với những mục tiêu được xác định: “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của Nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính”. Để xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh, Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, Đảng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là Nghị quyết tiếp nối các nghị quyết trước đó về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2). Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, trong đó có những nội dung thiết yếu như: “Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của Nhân dân đối với Đảng". Hội nghị Trung ương 4 khóa XII, Đảng tiếp tục ban hành Nghị quyết về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với những hành động quyết liệt hơn. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã “Xác định đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng đồng thời là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, lâu dài; là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền và của toàn bộ hệ thống chính trị. Kiên quyết phòng, chống lãng phí với yêu cầu chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng, tiếp tay cho các hành vi tham nhũng, lãng phí, can thiệp, ngăn cản việc chống tham nhũng, lãng phí”. Rất nhiều các nghị quyết, chỉ thị về công tác xây dựng Đảng đã được ban hành như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về “Tiếp tục đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XII) về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”; Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”; Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị về “Kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”… Thực hiện các Nghị quyết này, Quốc hội, Chính phủ đều có các nghị quyết và chương trình hành động nhằm triển khai cụ thể hóa các quy định của Đảng thành chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Công tác phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí đã được Đảng xác định là nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị, toàn dân và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng, là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, khó khăn, phức tạp; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, không nóng vội, không chủ quan, với những bước đi vững chắc, tích cực và có trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp; phải chủ động phòng ngừa, không để xảy ra tham nhũng, lãng phí, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, lãng phí, bao che, dung túng tiếp tay cho tham nhũng; phải kết hợp giữa xây và chống, phòng ngừa gắn với xử lý nghiêm mọi hành vi tham nhũng; không có ngoại lệ, không có “vùng cấm”. 

Những quan điểm chỉ đạo của Đảng được thực tiễn kiểm nghiệm và chứng minh hoàn toàn đúng đắn với các bước đi phù hợp, hiệu quả trong một quyết tâm chính trị cao nhằm tạo chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, góp phần cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tiêu cực, suy thoái, tham nhũng, lãng phí nhằm góp phần xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.