Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo giải quyết nhà ở cho Nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, hộ nghèo và cận nghèo. Kết luận số 97-KL/TW của Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã nêu rõ: Tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách giảm nghèo, đẩy mạnh Phong trào thi đua “Chung tay xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước” trong năm 2025. Cùng với đó là sự vào cuộc triển khai thực hiện tích cực của các bộ, ngành, địa phương; sự chung tay, góp sức của các đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội.
Theo thống kê, trong thời gian qua, khoảng 340 nghìn hộ thuộc diện người có công với cách mạng và trên 800 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo khó khăn về nhà ở đã được hỗ trợ có chỗ ở ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, đến nay, cả nước còn khoảng trên 315 nghìn hộ khó khăn về nhà ở, cần được hỗ trợ cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”; trong đó, khoảng 106 nghìn hộ người có công, 46 nghìn hộ thuộc chương trình mục tiêu quốc gia và 153 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tại phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước diễn ra ngày 10/11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, nhấn mạnh, việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, xoá nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chính vì vậy, để thực hiện thành công mục tiêu hoàn thành xoá nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025, thì chính quyền địa phương các cấp đóng vai trò quyết định. Trong đó, cần phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; xây dựng kế hoạch với lộ trình cụ thể.
Cần đa dạng hóa nguồn lực theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp. Trung ương dành nguồn vốn ngân sách nhà nước theo các chương trình, đề án hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng, các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các bộ, ngành, địa phương bố trí, phân bổ đủ vốn cho các chương trình theo kế hoạch đề ra. Đồng thời, kêu gọi mọi người dân, doanh nghiệp đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ với tinh thần “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít”.
Cùng với đó, tăng cường công tác tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng xã hội, tạo ra phong trào, tổ chức triển khai như chiến dịch, ngày hội xoá nhà tạm, nhà dột nát, tạo sự đồng thuận xã hội để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ với tinh thần “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin