ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng tham gia góp ý Dự thảo Luật Nhà giáo

NGUYỆT THU 17:10, 20/11/2024

(LĐ online) - Ngày 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV
Quang cảnh Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV

Cùng với các ĐBQH khác, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn ĐBQH Lâm Đồng cho rằng: Việc xây dựng và ban hành một đạo luật riêng về nhà giáo cho thấy cách tiếp cận mới, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với đội ngũ nhà giáo – những người làm việc trong lĩnh vực nghề nghiệp có nhiều đặc thù và có tác động lớn đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, góp phần hoàn thành sự nghiệp đổi mới giáo dục – đào tạo, hoàn thành mục tiêu tạo nguồn nhân lực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng góp ý về Dự thảo Luật Nhà giáo

​​​Liên quan về  định danh nhà giáo, đại biểu Tú Anh cho rằng việc định danh nhà giáo chính xác, đầy đủ, cụ thể có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định phạm vi, đối tượng áp dụng của Dự thảo Luật này. Trong khi đó, quy định về định danh nhà giáo chưa thật đầy đủ, cụ thể trong Dự thảo Luật.

Do đó, đề nghị trong Dự thảo Luật Nhà giáo cần xem xét việc có quy định riêng để định danh nhà giáo (không định danh tại điều khoản về đối tượng áp dụng như hiện nay), cân nhắc quy định về khái niệm nhà giáo theo hướng bao quát đầy đủ các đối tượng đang thực hiện nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục ở cơ sở giáo dục và phù hợp với thực tiễn.

Về nghĩa vụ của nhà giáo, đại biểu đề nghị bổ sung nghĩa vụ “Không ngừng học hỏi, trau dồi tư tưởng, đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn của bản thân”. Bởi lẽ, học tập, nâng cao trình độ vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ của nhà giáo, đó là: Nghĩa vụ với nghề, nghĩa vụ với học sinh, nghĩa vụ với xã hội.

Học tập nâng cao trình độ là sự kết hợp hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của giáo viên. Việc nhà nước, xã hội, nhà trường và bản thân mỗi giáo viên cùng chung tay tạo điều kiện để giáo viên được học tập không ngừng sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và xây dựng một xã hội học tập.

Góp ý về những điều không được làm, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh đề nghị xem xét bổ sung quy định nhà giáo không được tiết lộ thông tin cá nhân của người học, không được bình luận về khuyết điểm của người học trước lớp,  không được tiết lộ thông tin về bệnh tật của người học.

Việc bảo vệ thông tin cá nhân của người học là một trách nhiệm quan trọng của nhà giáo. Bằng cách tuân thủ các quy định và thực hiện các biện pháp bảo mật, nhà giáo góp phần xây dựng một môi trường học tập an toàn và lành mạnh cho người học.

Liên quan về tuyển dụng, sử dụng nhà giáo, điểm mới của Dự thảo Luật Nhà giáo lần này là đã tạo điều kiện cho ngành giáo dục có sự chủ động trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về nhân sự, giúp đáp ứng linh hoạt nhu cầu của từng địa phương và từng cấp học. Việc yêu cầu thực hành sư phạm và đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo cho thấy Nhà nước quan tâm đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đảm bảo quá trình dạy và học đạt hiệu quả cao. Đồng thời, việc quy định rõ ràng về cơ quan chủ trì, thẩm quyền quyết định và các tiêu chí tuyển dụng giúp quá trình tuyển dụng trở nên minh bạch và công bằng hơn.

Tất cả các yếu tố nêu trên góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục. Bởi việc tuyển dụng nhà giáo có chất lượng cao là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục. Dự thảo Luật đã tạo ra một khung pháp lý để xây dựng đội ngũ nhà giáo có trình độ chuyên môn cao, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Đồng thời, việc quy định rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước giúp tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục.

Ngoài yêu cầu nhà giáo phải có thực hành sư phạm và đáp ứng chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, cần bổ sung yêu cầu về kinh nghiệm thực tế của nhà giáo, đặc biệt là giảng viên đại học. Một trong những điểm yếu của ngành giáo dục Việt Nam là quá nặng về lý thuyết, yếu về mặt thực hành, thực tế. Việc yêu cầu nhà giáo có thời gian, kinh nghiệm thực tế sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho ngành giáo dục. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận 

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, qua thảo luận, đa số ĐBQH đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Cơ quan soạn thảo, Cơ quan chủ trì thẩm tra trong việc chuẩn bị hồ sơ Dự án Luật. Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về nhà giáo, nhất là Nghị quyết 29 và Kết luận số 91 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Đồng thời, đề cập đến nhiều vấn đề sâu sắc từ thực tiễn nhằm hoàn thiện, xây dựng một đạo luật chuyên ngành cụ thể hóa đầy đủ, đúng mức sự quan tâm của Đảng về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ nhà giáo trong phát triển đất nước, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật liên quan…

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, các ý kiến đại biểu tập trung thảo luận về chính sách nhà nước về xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là những chính sách đột phá về tiền lương, phụ cấp ngành nghề, phụ cấp khu vực; việc xếp lương nhà giáo cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp; chính sách hỗ trợ nhà ở công vụ để thu hút đội ngũ nhà giáo; chức danh nhà giáo; quyền, nghĩa vụ của nhà giáo; việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo; việc đặc cách, ưu tiên trong tuyển dụng; chính sách điều động, thuyên chuyển; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; việc thu hút người giỏi, tạo nguồn đào tạo giáo viên, giảng viên; quyền và nghĩa vụ của nhà giáo trong đào tạo, bồi dưỡng định kỳ và bồi dưỡng thường xuyên; vấn đề về phẩm chất chính trị và đạo đức nghề nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước và các cơ sở giáo dục trong việc đảm bảo kinh phí đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo…

Các ý kiến góp ý của ĐBQH sẽ được Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu, giải trình đầy đủ, thấu đáo, khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 9.