ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh góp ý về Luật Điện lực (sửa đổi) và Luật Dữ liệu

NGUYỆT THU 12:28, 08/11/2024

(LĐ online) - Ngày 8/11, tiếp tục ngày làm việc thứ 16 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường nghe các nội dung: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi); Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Dữ liệu.  

Quang cảnh phiên thảo luận của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV

Trước đó, ngày 7/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.

Tại phiên thảo luận có 21 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật trong dự án Luật để thể chế hóa chủ trương của Đảng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực tài chính, ngân sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Tiếp đó, buổi chiều Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi). Tại phiên thảo luận có 25 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến; trong đó, các ý kiến cơ bản nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Điện lực hiện hành.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung về giải thích từ ngữ; chính sách phát triển điện lực, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; phát triển điện hạt nhân; chính sách ưu đãi phát triển năng lượng sạch; giấp phép kinh doanh điện lực; trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện lực; lựa chọn nhà đầu tư dự án điện lực không thực hiện theo đầu tư công và hợp tác công - tư; giá điện; phát triển thị trường điện cạnh tranh; góp vốn bằng quyền sử dụng đất để tham gia dự án điện lực; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng điện; thời điểm thông qua dự án Luật. 

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý tại hội trường về dự án Luật Điện lực (sửa đổi)

Tham gia góp ý đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi), ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh – Đoàn Lâm Đồng nhất trí với chính sách phát triển điện hạt nhân nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường đảm bảo mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Việt Nam đã cam kết tại COP26. Tuy nhiên, vì điện hạt nhân là loại hình điện đặc biệt, có yêu cầu rất cao về công nghệ, tài chính, nhân lực, vì vậy, đại biểu kiến nghị bổ sung một điểm quy định “Thủ tưởng Chính phủ quy định chi tiết cơ chế, chính sách đặc thù nhằm xây dựng, vận hành, đảm bảo an toàn hạt nhân của các nhà máy điện hạt nhân".

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng nêu ý kiến về một số điều quy định trong dự án Luật chưa thống nhất về phân cấp cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực lĩnh vực phát điện, phân phối điện, bán lẻ điện trong phạm vi địa phương. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn cho việc thực hiện khi Luật có hiệu lực.

Đại biểu đề nghị chỉ quy định giao cho UBND cấp tỉnh (không giao cho cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh) có trách nhiệm cấp, thu hồi giấy phép hoạt động điện lực để xác định rõ trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và bảo đảm tính thống nhất trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng đề nghị xem xét bổ sung 2 nội dung: Nhà nước có cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho ngành công nghiệp chế tạo thiết bị năng lượng tái tạo, năng lượng mới như pin năng lượng mặt trời, tua-bin gió tiên tiến, thiết bị của hệ thống lưu trữ điện nhằm từng bước đảm bảo tính chủ động của Việt Nam đối với việc phát triển năng lượng tái tạo/năng lượng mới.

Đồng thời, Chính phủ quy định tỷ lệ giá trị sản xuất trong nước (hoặc tỷ lệ nội địa hóa) đối với các dự án điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới phù hợp với các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. 

Các đại biểu dự phiên họp

Đối với các hành vi bị cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung: Nghiêm cấm các hình thức chuyển nhượng toàn bộ vốn góp, thay đổi pháp nhân nhà đầu tư (ngoài nhà nước) đối với các dự án đầu tư công trình nguồn điện trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án đến khi được cấp chứng chỉ vận hành thương mại. Chính phủ quy định chi tiết các trường hợp đặc biệt. Lý do nên quy định như vậy là để hạn chế các nhà đầu tư không có tiềm lực tham gia vào giai đoạn chuẩn bị đầu tư; khắc phục tình trạng các nhà đầu tư “mua bán” dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư dẫn đến chậm tiến độ dự án.

Về trách nhiệm của chủ đầu tư, việc giao cho chủ đầu tư/đơn vị phát điện có trách nhiệm đầu tư trạm điện, công tơ điện và đường dây dẫn điện đến điểm đấu nối là cần thiết. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cần làm rõ về cơ quan/đơn vị chịu trách nhiệm tiếp nhận, quản lý vận hành các tài sản/công trình nêu trên sau đầu tư (do trong một số trường hợp chủ đầu tư xây dựng công trình điện, đơn vị phát điện không có chức năng vận hành trạm điện, công tơ điện…).

Ngoài ra, chưa có hướng dẫn về mặt nguyên tắc chung đối với việc bàn giao, tiếp nhận tài sản, công trình điện hình thành từ nguồn vốn của các chủ đầu tư là doanh nghiệp nhà nước/các doanh nghiệp khác sang cho ngành điện (EVN) quản lý vận hành theo Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg ngày 15/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo quyền lợi giữa các bên như nêu trên.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý tại hội trường về Luật Dữ liệu
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh - Đoàn ĐBQH Lâm Đồng góp ý tại hội trường về Luật Dữ liệu

Trước đó, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cũng góp ý về Luật Dữ liệu. Theo đó, đại biểu thống nhất rất cao việc Chính phủ trình dự án Luật Dữ liệu tại kỳ họp này. Dữ liệu đang được xác định là một nguồn tài nguyên mới, có quan trọng không kém gì những tài nguyên truyền thống như dầu mỏ, than đá… lợi ích của việc khai thác dữ liệu là rất lớn.

Hoạt động này đã giúp nhiều quốc gia như Mỹ, Singapore, Hàn Quốc gia tăng từ 1 - 2,5% GDP, tạo ra lợi ích cả trực tiếp và gián tiếp lên đến hàng tỷ USD. Việc dùng chung dữ liệu của Chính phủ hiện đang là xu hướng tất yếu trên thế giới và Việt Nam cũng không thể đứng ngoài. Dữ liệu phải luôn được cập nhật, xử lý thường xuyên, liên tục, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống”.

Từ đó, dữ liệu sẽ giúp tạo nên các giá trị gia tăng cũng như hỗ trợ chuyển đổi phương thức quản trị quốc gia. Tuy nhiên, để dữ liệu được thu thập, cập nhật, xử lý, khai thác một cách an toàn và hiệu quả, đấm bảo quyền con người, quyền công dân, tôi kiến nghị dự thảo luật cần bổ sung các điều quy định về quyền và nghĩa vụ của các đối tượng là chủ thể dữ liệu, chủ sở hữu dữ liệu, chủ quản dữ liệu, người dùng dữ liệu.

Đại biểu cũng kiến nghị cần rà soát, làm rõ một số định nghĩa, về các hành vi bị nghiêm cấm, về thu thập, số hóa, tạo lập dữ liệu và xác lập quyền sở hữu dữ liệu...


Từ khóa:

ma túy