Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam trong triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở

VŨ LÊ 00:18, 13/11/2024

“Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở” được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 10/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ban hành luật này. Điều này cho thấy Đảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm đến việc hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Luật đã có, nghị định hướng dẫn thi hành đã có, song để những quy định của luật này đi vào cuộc sống có hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mỗi người dân. Trong quá trình ấy, MTTQ Việt Nam đóng vai trò hết sức quan trọng.

Điều 87, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định về trách nhiệm của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp, đó là: “Tổ chức vận động Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở, hương ước, quy ước của cộng đồng dân cư; tổ chức các phong trào thi đua về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tham gia, hỗ trợ, hướng dẫn Nhân dân thực hiện dân chủ ở cơ sở. Tiếp nhận, tổng hợp khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở để chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân. Thực hiện giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Luật này.” Như vậy, có thể thấy vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tiến hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là rất nhiều và rất quan trọng.

Ở Việt Nam hiện nay, cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong xây dựng Nhà nước pháp quyền đã ngày càng được cụ thể hoá rõ ràng hơn. Trình độ dân trí của người dân đã cao hơn trước rất nhiều. Tất cả những điều ấy đã có tác động lớn tới vận hành của xã hội. Người dân đã ý thức cao hơn về bổn phận, quyền và nghĩa vụ của mình, tham gia có trách nhiệm hơn vào quá trình quản lý đất nước, nhất là trong việc xây dựng nền dân chủ xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, người dân thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua hai hình thức là dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp.

Trong đó, dân chủ trực tiếp được thực hiện thông qua các công việc như: trực tiếp bầu trưởng thôn, ấp, khu phố; bầu các đại biểu đại diện cho mình ở HĐND và Quốc hội; tham gia góp ý vào các văn kiện của Đảng, Nhà nước. Có một hình thức dân chủ trực tiếp cao nhất mà nhiều quốc gia đã áp dụng thì hiện Việt Nam vẫn chưa tiến hành, đó là trưng cầu dân ý. Ở Việt Nam hiện nay, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện lấy ý kiến để người dân góp ý đó là hình thức lấy ý kiến. Với hình thức này, cơ quan chủ trì có quyền quyết định phương án khác với ý kiến góp ý của số đông, điều này là bình thường. Tuy nhiên, nếu có luật và tổ chức trưng cầu dân ý, ý kiến của đa số người dân sẽ trở thành ý chí của cơ quan có thẩm quyền.

Dân chủ gián tiếp là hình thức người dân thông qua các cơ quan dân cử, thông qua đại biểu dân cử, thông qua MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, thông qua UBND các cấp. Có một thực tế vẫn tồn tại ở Việt Nam hiện nay là nhiều người hiện đang không hiểu về chức năng đại diện quyền lực cho mình ở UBND các cấp. Có vẻ như đa số vẫn hiểu rằng UBND là cơ quan sử dụng quyền lực chứ không phải cơ quan đại diện cho người dân. Thậm chí, có thể vẫn có tình trạng chính đội ngũ cán bộ, công chức ở UBND các cấp vẫn có suy nghĩ này, đây là cách hiểu hoàn toàn không đúng. Nhà nước ta là Nhà nước của dân, do dân và vì dân, các cơ quan của Nhà nước, kể cả UBND đều là các cơ quan được người dân uỷ quyền. Tất nhiên, các cơ quan Nhà nước hoạt động theo luật, tuân thủ pháp luật và vì vậy có những chính sách ban hành sẽ không đáp ứng được nhu cầu, lợi ích của một bộ phận nào đó, song là một chính quyền của dân, đại diện cho dân chắc chắn khi ban hành chính sách cần tính đến nhu cầu, lợi ích chính đáng của số đông người dân.

Nhìn vào hai hình thức dân chủ nêu trên có thể nhận thấy mỗi hình thức có ưu và và hạn chế như: Hình thức dân chủ trực tiếp chỉ phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả khi trình độ dân trí của người dân ở mức cao, khi đó người dân sẽ đưa ra các ý kiến quyết định chuẩn xác. Vì vậy, để các hình thức dân chủ trực tiếp phát huy tác dụng cần nâng cao trình độ dân trí của người dân.

Hình thức dân chủ gián tiếp chỉ phát huy tác dụng và mang lại hiệu quả khi các đại biểu đại diện cho người dân, chính quyền của Nhân dân phải thật sự là những người đại diện. Vì vậy, để các hình thức dân chủ gián tiếp phát huy tác dụng, cần lựa chọn cẩn trọng, chuẩn xác những đại biểu thật sự tâm huyết, trách nhiệm, vì dân và xây dựng được một chính quyền thật sự của dân, do dân và vì dân.

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy, việc thực hiện song song hai hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp sẽ vẫn được tiếp tục lâu dài. Trong quá trình ấy, ở Việt Nam rất cần phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp. Do đó, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau: Trước nhất, MTTQ Việt Nam các cấp, nhất là ở cơ sở cần phát huy mạnh mẽ vai trò của mình trong việc nâng cao hiểu biết của người dân về quyền, nghĩa vụ của công dân, thực sự là liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các giai cấp, tầng lớp, cá nhân tiêu biểu cả trong và ngoài nước để hướng tới xây dựng một khối đại đoàn kết thống nhất. Khi làm được như vậy, chắc chắn sẽ tạo nên sức mạnh góp phần thực hiện có hiệu quả Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Hai là, ở Việt Nam, nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân thể hiện qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vì vậy, đòi hỏi các cơ quan chính quyền các cấp cần thực thi quyền lực Nhà nước một cách dân chủ, công khai, minh bạch, giải trình. Trong quá trình thực hiện ấy, rất cần vai trò giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. 

Ba là, MTTQ Việt Nam là tổ chức đại diện cho lợi ích chung của nhiều thành phần trong xã hội. Trong xã hội lại có nhiều nhu cầu, xu hướng khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Để thực hiện tốt nhất vai trò đại diện cho các tầng lớp Nhân dân đòi hỏi MTTQ Việt Nam các cấp phải thật sự quy tụ được khối đại đoàn kết và thống nhất, để có đại đoàn kết và thống nhất vì lợi ích chung chắc chắn phải tiến hành thật tốt việc giám sát, phản biện xã hội. 

Bốn là, với vai trò, nhiệm vụ của mình, MTTQ Việt Nam các cấp phải không ngừng đẩy mạnh việc tổ chức, tập hợp, vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Vận động người dân tham gia, ủng hộ các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cấp cơ sở góp phần đưa Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống nhanh nhất, thiết thực nhất.

Năm là, với trách nhiệm được giao là “tiếp nhận, tổng hợp khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở để chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định; giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của Nhân dân”, MTTQ Việt Nam các cấp cần phát huy vai trò của mình trong việc tham gia hướng dẫn, hỗ trợ Nhân dân, tiếp nhận, tổng hợp các thông tin về khiếu nại, tố cáo, phản ánh kiến nghị của Nhân dân về thực hiện dân chủ ở cơ sở để nhanh chóng chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm. Ngoài ra, cần chủ động trong việc thực hiện giám sát quá trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của các tầng lớp Nhân dân.

Sáu là, thực hiện với trách nhiệm cao nhất công tác hiệp thương, giới thiệu các ứng cử viên để người dân bầu vào các cơ quan dân cử. 

Nếu MTTQ Việt Nam các cấp thực hiện tốt các công việc nêu trên, chắc chắn Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở sẽ nhanh chóng đi vào cuộc sống và mang lại những hiệu quả tích cực. Không những vậy, thực hiện tốt các công việc nêu trên chính là cách tốt nhất để nâng cao vị thế, uy tín của MTTQ Việt Nam và đóng góp thiết thực vào công cuộc dân chủ hoá xã hội, mang lại lợi ích chính đáng cho người dân.