“Điểm tựa” vững chắc của lực lượng vũ trang

NGỌC NGÀ 05:58, 03/12/2024

Suốt nhiều năm qua, sự đồng hành, hỗ trợ của già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là một trong những “điểm tựa” vững chắc, giúp lực lượng vũ trang tỉnh hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ. Đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội trong toàn tỉnh. 

Bộ CHQS tỉnh tổ chức gặp mặt già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào 
DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2024
Bộ CHQS tỉnh tổ chức gặp mặt già làng, trưởng thôn, người có uy tín tiêu biểu trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh năm 2024

Tỉnh Lâm Đồng có 47 dân tộc, với hơn 378.000 người DTTS, chiếm tỷ lệ 24,54% dân số toàn tỉnh. Già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS là lực lượng quan trọng giữ vai trò dẫn dắt trên cơ sở sự tín nhiệm, tin tưởng và tôn vinh của cộng đồng. 

Đại tá Nguyễn Thanh Quảng - Phó Chính uỷ Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh nhận định: “Lực lượng vũ trang tỉnh (LLVT) luôn được sự quan tâm, đùm bọc, tình đoàn kết gắn bó keo sơn của 47 dân tộc anh em trên địa bàn. Đặc biệt là sự ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành quan trọng từ các già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS”. 

Cụ thể, đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS đã cùng với cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh tham gia vận động các tầng lớp Nhân dân thực hiện tốt các phong trào thi đua, các cuộc vận động; thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân như: Tham gia thực hiện nghĩa vụ thuế, giáo dục con em chấp hành nghĩa vụ quân sự, thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chấp hành pháp luật… Đặc biệt, với sự hỗ trợ đắc lực từ đội ngũ già làng, người có uy tín, LLVT tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng thành công các mô hình: Tổ tự quản an ninh Nhân dân, đội dân phòng dân cử, tổ già làng, câu lạc bộ phòng, chống tội phạm…

Mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư khác nhau với những đặc điểm khác nhau về tình hình kinh tế - xã hội, phong tục tập quán. Song với sự giúp sức của đội ngũ những già làng, trưởng thôn, người có uy tín mà LLVT các địa phương, cũng như lực lượng vũ trang tỉnh đã có những giải pháp, cách làm các nhiệm vụ phù hợp, nhận được sự đồng thuận, chung sức của bà con. 

Ông K’Miếu (dân tộc K’Ho), Bí thư Chi bộ, người uy tín ở thôn Tố Lan, xã An Nhơn (huyện Đạ Tẻh), chia sẻ: Nhiều năm qua, bộ đội địa phương và bà con Nhân dân ở thôn Tố Lan, xã An Nhơn nói riêng và nhiều địa phương khác ở huyện Đạ Tẻh nói chung đã cùng nhau thực hiện nhiều mô hình ý nghĩa như: “Đường sạch, ngõ đẹp, thắm tình quân - dân”, “Về với buôn làng - 3 cùng với Nhân dân”, "LLVT huyện tham gia công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật tại các vùng đồng bào DTTS" … từ đó bộ đội thường xuyên về cùng ở, cùng làm với bà con. Đường làng, ngõ xóm sạch sẽ khang trang hơn. Bộ đội giúp các hộ khó khăn sửa chữa nhà tạm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế. Sau những đợt thiên tai, bộ đội giúp bà con khắc phục nhanh hậu quả… Tuyên truyền để bà con dần xoá bỏ các hủ tục, chung sức xây dựng nông thôn mới. Bộ đội giải thích cho bà con hiểu và thực hiện đúng quy định của pháp luật về Luật Nghĩa vụ quân sự, Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Bảo vệ rừng… Bởi vậy bà con DTTS luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, quy định của địa phương và tin tưởng vào quân đội”.

Ông Hoàng Xuân Tháy (dân tộc H’Mông), người uy tín ở Thôn 5, xã Rô Men chia sẻ: Đam Rông là huyện còn khó khăn của tỉnh, bởi vậy Ban Chỉ đạo 502 tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện nhiều đợt dân vận tập trung tại các xã khó khăn trên địa bàn huyện. Quân đội là lực lượng nòng cốt trực tiếp thực hiện các hoạt động hỗ trợ bà con từ xây dựng nhà ở, phát triển sản xuất, làm đường giao thông, nạo vét kênh mương… tất cả các khâu yếu, việc khó đều có bộ đội. Không chỉ có cán bộ chiến sĩ Ban CHQS huyện Đam Rông, Bộ CHQS tỉnh mà Quân khu 7 cũng hỗ trợ bà con Đam Rông rất nhiều. Gần đây nhất, Quân khu 7 đã tiến hành xây dựng công trình văn hóa, thể dục, thể thao tại Thôn 2, xã Liêng S'rônh. “Thay mặt bà con, tôi muốn gửi lời cảm ơn tới cán bộ, chiến sĩ. Chúng tôi sẽ tiếp tục cùng với bộ đội xây dựng quê hương Đam Rông ngày càng giàu đẹp”, ông Hoàng Xuân Tháy khẳng định.

Ông Ya Thi (dân tộc Churu), người uy tín ở thôn K’Nai, xã Phú Hội (huyện Đức Trọng) khẳng định: Quân đội góp phần quan trọng trong việc bảo đảm ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương, nhất là trong vùng đồng bào DTTS. Nhờ vậy đã xây dựng được các địa bàn an toàn để bà con an tâm phát triển kinh tế, từng bước nâng cao chất lượng đời sống.

Và với niềm tin sắt son vào quân đội, hàng năm có hàng trăm thanh niên là con em đồng bào DTTS lên đường nhập ngũ. Gần nhất là năm 2024 có 491 thanh niên. Và hiện có hơn 79 cán bộ là người DTTS đang công tác tại các cơ quan, đơn vị trong LLVT tỉnh. Trong đó có nhiều đồng chí phát huy tốt năng lực lãnh đạo, chỉ huy điều hành trở thành cán bộ chủ chốt, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn phát triển mới.

“Sự tin tưởng của già làng, trưởng thôn, người có uy tín và sự đùm bọc, gắn bó của bà con là yếu tố quan trọng giúp lực lượng vũ trang tỉnh đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao”, Phó Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh nhấn mạnh.

Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh Lâm Đồng luôn xác định: Phát huy vị trí, vai trò của đội ngũ già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài. Bởi vậy, căn cứ vào tình hình thực tiễn và công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị thuộc LLVT tỉnh tiếp tục chú trọng thực hiện tốt công tác dân tộc, cũng như phát huy cao nhất vai trò già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào các DTTS đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Điều đó góp phần quan trọng trong xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh Nhân dân trên địa bàn tỉnh ngày càng vững chắc.