Đường Kách mệnh và vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên hiện nay

VŨ TRUNG KIÊN 08:14, 31/12/2024

100 năm trước, tháng 6/1925, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, tổ chức đầu tiên của những người cách mạng Việt Nam theo đường lối của Nguyễn Ái Quốc ra đời tại Quảng Châu, Trung Quốc. Sau khi thành lập, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có đào tạo hội viên. Các bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc dành cho các lớp bồi dưỡng cán bộ này sau đó được tập hợp in thành tác phẩm “Đường Kách mệnh”. Tư tưởng lớn nổi bật trong tác phẩm này là vấn đề giáo dục, rèn luyện đạo đức của những người cách mạng. Đường Kách mệnh không những là tác phẩm viết về đạo đức cách mạng, về rèn luyện đạo đức cách mạng mà còn là tác phẩm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh viết về đạo đức cách mạng và vấn đề giáo dục đạo đức cách mạng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng. Ảnh: Tư liệu

VỀ TƯ CÁCH CỦA MỘT NGƯỜI CÁCH MỆNH TRONG TÁC PHẨM

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến vấn đề đạo đức và tu dưỡng đạo đức. Người cho rằng đạo đức là “cái gốc” của người cách mạng. Vì vậy, Hồ Chí Minh đã viết rất nhiều tác phẩm về đạo đức cách mạng và giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Những tác phẩm tiêu biểu của Người về đạo đức cách mạng có thể kể tới, đó là: Đường Kách mệnh (1927); Sửa đổi lối làm việc (1947); Chủ nghĩa cá nhân (1948); Cần kiệm liêm chính (1949); Đạo đức công dân (tháng 1/1955); Đạo đức cách mạng (tháng 6/1955); Đạo đức cách mạng (1958); Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân (3/2/1969, Báo Nhân dân số 5409, với bút danh T.L.) và cuối cùng là Di chúc.

Đầu năm 1927, những bài giảng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cho các lớp đào tạo cán bộ tại Quảng Châu - Trung Quốc đã được Bộ Tuyên truyền của Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức xuất bản thành cuốn sách với tên Đường Kách mệnh. Một trong những nội dung quan trọng của tác phẩm này là về giáo dục đạo đức cách mạng.

Không chỉ trong Đường Kách mệnh, trong một tác phẩm khác, Hồ Chí Minh còn chỉ rõ: “Làm cách mạng để cải tạo xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Với mỗi người, Hồ Chí Minh ví đạo đức là nguồn nuôi dưỡng và phát triển con người, như gốc của cây, như ngọn nguồn của sông, suối. Người viết: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nước thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”.

Đối với Đảng, tổ chức tiền phong của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Đảng ta thật trong sạch, Đảng phải “là đạo đức, là văn minh”, Người thường nhắc lại ý của Lênin: Đảng Cộng sản phải tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại. Vấn đề đạo đức được Hồ Chí Minh đề cập một cách toàn diện. Người nêu yêu cầu đạo đức đối với các giai cấp, tầng lớp và các nhóm xã hội, trên mọi lĩnh vực hoạt động, trong mọi phạm vi, từ gia đình đến xã hội, trong cả ba mối quan hệ với con người: đối với mình, đối với người, đối với việc. Tư tưởng Hồ Chí Minh đặc biệt được mở rộng trong lĩnh vực đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhất là khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền.

Theo Hồ Chí Minh, Đảng phải "là đạo đức, là văn minh" trong đó đạo đức là "gốc", vẫn là vấn đề được Hồ Chí Minh đặt lên trên hết, trước hết. Bởi Đảng Cộng sản muốn đóng được vai trò tiên phong thì trước hết phải là một đảng tiêu biểu cho đạo đức cách mạng, tận tâm, tận lực phụng sự tổ quốc và Nhân dân.

Có thể khẳng định rằng tư tưởng của Hồ Chí Minh về đạo đức và đạo đức cách mạng đã đóng góp làm phong phú thêm tư tưởng đạo đức cách mạng của đạo đức học Mác-Lênin, được biểu hiện vận dụng nhuần nhuyễn giữa tính nhân văn của các dân tộc Việt Nam với đạo đức cách mạng của giai cấp công nhân.

GIÁO DỤC ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG CHO CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Dưới tác động của mặt trái kinh tế thị trường hiện nay, rất nhiều những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đã tác động tiêu cực đến môi trường xã hội của mỗi người. Nhiều vấn đề trong cuộc sống, nếu chỉ dùng đạo đức, nhân nghĩa để giải quyết thường không mang lại hiệu quả. Thế nhưng, hơn lúc nào hết, đây là thời điểm mà mỗi người cán bộ, đảng viên phải trở về với Hồ Chí Minh, phải tự mình tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng để hoàn thiện mình hơn, để trong sáng hơn, trách nhiệm hơn trong công việc. Chỉ có rèn luyện đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới làm cho mỗi cán bộ, đảng viên tự giác hơn, còn chỉ trông chờ vào tính răn đe của pháp luật chắc chắn người ta sẽ biết cách và tìm cách lách luật.

Trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay, các thế lực thù địch ngày càng điên cuồng chống phá cách mạng bằng con đường xuyên tạc, trong đó có hẳn các chiến dịch “No Ho”, “Hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh”. Trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, không phải ai cũng được trang bị nền kiến thức và niềm tin kiên định, mà có rất nhiều người, trước “rừng” thông tin loạn xạ này đã chao đảo, mất niềm tin, nghi ngờ các giá trị, nghi ngờ tính chân thật của việc học tập đạo đức Hồ Chí Minh.

Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên hãy nói ít làm nhiều, học Bác để làm những việc cụ thể, thiết thực nhất. Để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành thường xuyên, tự giác, có kết quả thì chi bộ phải là hạt nhân và đảng viên phải tự giác. Muốn được như thế thì mỗi tổ chức, cá nhân phải theo quy định, hướng dẫn và nhận thức đúng, trúng vấn đề. Phải đưa việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành ý thức tự giác của từng đảng viên. Để tu dưỡng, rèn luyện đạt kết quả, đòi hỏi trước hết mỗi cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Trên con đường phát triển cách mạng của mình, Đảng ta… luôn luôn có ưu điểm và không tránh khỏi có khuyết điểm. Chỉ có không ngừng đấu tranh, phê bình và tự phê bình, nhận rõ đúng sai, phát huy cái đúng, khắc phục cái sai mới có thể làm cho mình, cho Đảng, cho cách mạng tiến bộ mãi”. Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi phẩm chất cách mạng, đồng thời phải kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân, bài trừ bệnh quan liêu, xa rời quần chúng, phải thực sự là người đầy tớ, là công bộc của Nhân dân.

Những bài học về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh cho những lớp cán bộ đầu tiên ở Quảng Châu, Trung Quốc đến mãi sau này trong suốt cuộc đời hoạt động không ngừng nghỉ của Người là những bài học vô giá. Người không chỉ giảng dạy về đạo đức cách mạng, mà còn là một tấm gương sáng ngời, là hình mẫu tiêu biểu của đạo đức cách mạng. Do đó, Người có sức hút kỳ lạ với mọi người, là tấm gương sáng chói về đạo đức cách mạng để mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân noi theo. Học Bác là học tập suốt đời chứ không phải một sớm, một chiều. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, khi tình thế cách mạng đã thay đổi, khi Đảng đã trở thành Đảng cầm quyền thì một trong những nguy cơ rất lớn của Đảng, đảng viên là phai nhạt lý tưởng, xa rời Nhân dân, do đó, việc giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.

Kỷ niệm 100 năm ra đời Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, đọc lại Đường Kách mệnh để luôn nhắc nhớ mỗi người cán bộ, đảng viên về điều hệ trọng thiêng liêng: Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng theo chỉ dạy của Bác Hồ.