Từ khi thành lập đến nay, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng và thường xuyên chăm lo đến xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh về mọi mặt. Việc đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng đã được đặt ra trong nhiều nghị quyết của Đảng, từ cương lĩnh đến văn kiện các đại hội Đảng toàn quốc, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị tới chương trình hành động của cấp ủy các cấp.
Lãnh đạo huyện tặng hoa và bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Hội nghị tổng kết công tác kiểm tra |
Xác định công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị nên từ ngày thành lập huyện đến nay, trải qua 30 năm xây dựng và phát triển (1994 -2024), Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy các nhiệm kỳ quan tâm đặc biệt đến công tác này, tạo được sự chuyển biến quan trọng và khá toàn diện, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương. Trong 30 năm qua, với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, của các tầng lớp Nhân dân, Đảng bộ huyện Bảo Lâm đạt được những kết quả rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị sau đây:
Một là, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng đã tạo được sự thống nhất về ý chí, hành động trong toàn Đảng bộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tư tưởng như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 khóa IX (năm 2002) về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa X (năm 2007) về công tác tư tưởng, lý luận và báo chí trước yêu cầu mới, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; các chỉ thị, kết luận của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… đã được Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy, các tổ chức cơ sở đảng tập trung lãnh đạo quán triệt, học tập và xây dựng Chương trình hành động thực hiện. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng có sự đổi mới, ngày càng đi vào chiều sâu đã góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao bản lĩnh chính trị, lập trường tư tưởng, niềm tin của cán bộ, đảng viên đối với chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng; tạo sự đoàn kết, thống nhất về tư tưởng, ý chí và hành động trong toàn Đảng bộ, chiến sĩ và Nhân dân.
Hai là, công tác củng cố, xây dựng tổ chức Đảng và đội ngũ đảng viên được đẩy mạnh; chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được nâng cao, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên.
Khi thành lập Đảng bộ huyện, toàn đảng bộ có 578 đảng viên. Đến năm 2005, toàn Đảng bộ huyện vẫn còn 7 thôn trắng đảng viên (Thôn 6 - xã Lộc Nam, Thôn 4, 10 và 14 - Lộc Ngãi, Thôn 3 - Lộc Quảng, Thôn 4 và 5 - Tân Lạc), 23 chi bộ sinh hoạt ghép. Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tập trung lãnh đạo công tác phát triển đảng viên nhằm bổ sung lực lượng, xem đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong công tác xây dựng Đảng. Huyện ủy khóa II đã ban hành Nghị quyết về tăng cường kết nạp đảng trong lực lượng dân quân tự vệ; nghị quyết chuyên đề về xóa tình trạng thôn, khu phố trắng đảng viên. Kết quả thực hiện đã nhanh chóng thành lập được 14 chi bộ quân sự trực thuộc 14 đảng ủy xã, thị trấn; đặc biệt, xóa được tình trạng thôn trắng đảng viên và chi bộ thôn sinh hoạt ghép. Ban Thường vụ Huyện ủy khóa VI ban hành Chỉ thị số 26-CT/HU ngày 01/02/2024 về đẩy mạnh và nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên trong tình hình mới; ban hành kế hoạch phát triển đảng trong học sinh, kết quả trong năm 2024 kết nạp được 4 học sinh ưu tú vào Đảng. Hàng năm, Huyện ủy ban hành nghị quyết về xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, trong đó đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển đảng viên mới. Từ đó trong nhiều nhiệm kỳ thực hiện luôn đạt và vượt chỉ tiêu kết nạp đảng viên. Hiện nay, Đảng bộ huyện có 56 tổ chức cơ sở đảng với 3.345 đảng viên, trong đó có 16 đảng bộ (14 đảng bộ xã, thị trấn; 2 đảng bộ lực lượng vũ trang) và 40 chi bộ cơ sở (24 chi bộ cơ quan hành chính; 12 chi bộ đơn vị sự nghiệp công lập; 3 chi bộ doanh nghiệp nhà nước; 1 chi bộ doanh nghiệp cổ phần); có 242 chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở.
Việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ được Huyện ủy thường xuyên quan tâm lãnh đạo thực hiện. Đã xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5, khóa X về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; gần đây xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới; ban hành Chỉ thị số 27-CT/HU ngày 29/3/2024 về đổi mới, nâng cao chất lượng lãnh đạo của cấp ủy, ban thường vụ cấp uỷ các xã, thị trấn trong tình hình mới và đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Các cấp ủy, tổ chức Đảng xây dựng và thực hiện tốt Quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, phân công nhiệm vụ cho đảng viên và cấp ủy viên. Nhờ đó năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu nâng lên một bước. Số tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh năm sau cao hơn năm trước. Năm 1996, có 31,4% tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh; năm 1999 có 44,7%*. Năm 2001 có 27 tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, chiếm tỷ lệ 62,8%; năm 2004 có 31 tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh, chiếm tỷ lệ 66%, trong đó có nhiều tổ chức cơ sở đảng đạt trong sạch, vững mạnh nhiều năm liền như: Chi bộ Viện Kiểm sát 10 năm, Đảng bộ xã Lộc Thành 8 năm, Chi bộ Tòa án Nhân dân huyện 8 năm**.
Những năm gần đây, quán triệt sâu sắc các quy định, hướng dẫn của cấp trên về đánh giá, xếp loại chất lượng tổ chức Đảng và đảng viên, các cấp ủy, chi bộ thực hiện việc tự đánh giá, xếp loại đã thực chất hơn. Các tổ chức cơ sở đảng quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt theo đúng tinh thần Kết luận số 18-KL/TW, ngày 22/9/2017 của Ban Bí thư khóa XII về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư khóa X “Về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” trong tình hình mới. Tổ chức cơ sở đảng tiếp tục được củng cố, kiện toàn, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở, gắn với xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, chất lượng sinh hoạt Đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, quản lý đảng viên, đánh giá, xếp loại, kiểm tra, giám sát của nhiều cấp uỷ, đảng bộ, chi bộ cơ sở được nâng lên rõ rệt. Chất lượng đội ngũ đảng viên có chuyển biến tích cực, trình độ học vấn, chuyên môn, lý luận chính trị được nâng cao hơn. Phần lớn đội ngũ đảng viên luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, có ý thức rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, thực hiện tự phê bình và phê bình, phát huy tính tiên phong, gương mẫu, xây dựng mối quan hệ mật thiết với Nhân dân. Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, phát huy tốt vai trò lãnh đạo của Đảng ở cơ sở.
Ba là, công tác cán bộ đã bám sát quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp, tạo được chuyển biến tích cực trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Thực tế khi huyện mới được thành lập, đội ngũ cán bộ, công chức từ huyện đến cơ sở còn thiếu và được dùng từ nhiều nguồn, đại đa số chưa được đào tạo đại học, số đã qua đào tạo trung cấp lý luận chính trị còn ít. Khi Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII ban hành Nghị quyết số 03-NQ/HNTW ngày 18/6/1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Huyện ủy đã kịp thời xây dựng Chương trình hành động thực hiện, đề ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển địa phương. Công tác cán bộ được quan tâm, cử nhiều lượt đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và lý luận chính trị. Cùng với đó, Huyện ủy đã lãnh đạo triển khai thực hiện công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 25/01/2002 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, lần đầu tiên vào năm 2004, Huyện ủy luân chuyển 5 cán bộ cấp huyện về công tác tại xã, thị trấn; đến nay đã có hàng chục lượt cán bộ được luân chuyển giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp xã. Công tác cán bộ của Ban Thường vụ Huyện ủy đã bám sát quan điểm, nguyên tắc, quy định của Đảng, ngày càng đi vào nền nếp. Ban Thường vụ Huyện ủy bàn và thực hiện công tác cán bộ đúng nguyên tắc của Đảng, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và luôn có sự thống nhất cao trong tập thể. Cán bộ, công chức, viên chức được luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác đã nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định của cấp có thẩm quyền; cấp ủy, tổ chức Đảng cấp dưới luôn chấp hành quyết định của cấp ủy cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ. Nhìn tổng thể, đội ngũ cán bộ hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở hiện nay có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, giữ được phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên, có ý thức kỷ luật tốt, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; trình độ, năng lực ngày càng được nâng cao hơn, được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị và kiến thức quản lý nhà nước, đáp ứng tiêu chuẩn chức vụ, chức danh, vị trí việc làm. Đa số cán bộ được bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, giới thiệu ứng cử trong hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở đã phát huy được trình độ, năng lực, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhiều cán bộ trưởng thành qua đào tạo, rèn luyện thực tiễn.
Có thể khẳng định công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ ngày Đảng bộ huyện được thành lập đến nay luôn được các cấp ủy, tổ chức Đảng quan tâm lãnh đạo thực hiện, quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng "xây dựng Đảng là then chốt", đạt được nhiều kết quả góp phần quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị và xây dựng huyện Bảo Lâm ngày càng phát triển toàn diện. Huyện Bảo Lâm đồng hành cùng với tỉnh và cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
* Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ II
** Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ III
QUÁ TRÌNH THÀNH LẬP HUYỆN - Ngày 11/ 7/1994 Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ban hành Nghị định số 65-CP về việc chia huyện Bảo Lộc thành thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm; - Ngày 25/8/1994 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng ban hành Quyết định số 395QĐ-NS/TU “V/v chỉ định Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ huyện Bảo Lâm” gồm 21 đồng chí. Ban Thường vụ Huyện ủy có 7 đồng chí, 29 tổ chức cơ sở đảng với 578 đảng viên; - Ngày 26/8/1994 Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 735/QĐ-UB-TC “V/v chỉ định UBND lâm thời thị xã Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm tỉnh Lâm Đồng”; - Ngày 06/9/1994 Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định số 754/QĐ-UB-TC “V/v thành lập tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn thuộc UBND lâm thời huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng”; - Ngày 20/9/1994, huyện Bảo Lâm chính thức đi vào hoạt động với diện tích tự nhiên 146.272 ha, tổng dân số 62.211 người, gồm 12 đơn vị hành chính. Đến nay, sau 30 năm thành lập và phát triển, huyện có 14 đơn vị hành chính (tháng 8 năm 1999, xã Lộc Thành tách thành xã Lộc Thành và xã Tân Lạc; tháng 10/2000, xã Lộc Quảng tách thành xã Lộc Quảng và xã B’Lá) với tổng dân số 122.989 người. |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin