Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Nhìn từ công tác cán bộ

THẠCH TÂM 07:34, 22/12/2024

(LĐ online) - Những năm gần đây, tham nhũng, tiêu cực trở thành vấn đề được dư luận quan tâm đặc biệt. Đây cũng là “đề tài” mà các thế lực phản động trong và ngoài nước “khai thác” để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Đã đến lúc cần thẳng thắn tìm đúng nguyên nhân, gốc rễ của “căn bệnh” này…

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM Ô, TIÊU CỰC

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh ít sử dụng cụm từ “tham nhũng” mà Người thường  dùng “tham ô”, “ăn cắp” để nói đến hành vi này. Bác chỉ rõ, bản chất của tham ô là hành vi “ăn cắp của công”, “là gian lận, tham lam”. Bác căm ghét thói tham ô, ăn cắp, theo Bác đây “là hành động xấu xa nhất, tội lỗi, đê tiện nhất”.[1]

Bác đã nêu quan điểm, “chống tham ô là cách mạng”, “nếu tìm ra, điều tra ra những vụ tham ô, Đảng sẽ thẳng tay kỷ luật và Chính phủ sẽ thẳng tay trừng trị”. Người ví tẩy sạch nạn tham ô như tiêu diệt “những con sâu mọt rút lá, cắn hoa, khoét quả”. Theo Bác, “muốn lúa tốt thì phải nhổ cỏ cho sạch, nếu không, thì dù cày bừa kỹ, bón phân nhiều, lúa vẫn xấu vì lúa bị cỏ át đi”.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống tệ tham ô ở nước ta, cũng cần học tập thái độ nghiêm khắc của Lênin: “Không xử bắn lũ ăn của đút lót, mà xử một cách pha trò, đó là một điều xấu hổ cho những đảng viên cộng sản…”.[2]

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nguyên nhân của tệ tham ô: “Chỉ vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh ra tham ô hủ hóa”, “bệnh quan liêu là chỗ gieo hạt, vun trồng cho tham ô lãng phí nảy nở. Như vậy, để tẩy sạch nạn tham ô thì trước hết phải tẩy sạch bệnh quan liêu và chủ nghĩa cá nhân. Đã tham là “bất liêm”. Đã “bất liêm” thì không là đạo đức.

Thực hiện di huấn của Người, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012), Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, do cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban. Tại Phiên họp Ban Chỉ đạo ngày 10/9/2021, Bộ Chính trị thống nhất bổ sung và đổi tên Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thành Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bổ sung cụm từ “tiêu cực” nhằm bao quát đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, đảng bộ 63 tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, do đồng chí Bí thư làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo các cấp đi vào hoạt động hiệu quả; khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Ngày 30/6/2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm (2012 - 2022) công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên cả nước. Báo cáo đã nêu: Trong 10 năm hoạt động, Ban Chỉ đạo và Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.700 tổ chức đảng, gần 168.000 đảng viên; trong đó, có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật 170 cán bộ diện Trung ương quản lý; trong đó, có 33 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang…

Ngày 30/10/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cho ý kiến về kết quả xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực; việc kiểm tra, xử lý các tổ chức đảng, đảng viên liên quan đến các vụ án xảy ra tại Tập đoàn Phúc Sơn, Tập đoàn Thuận An, Công ty AIC. Qua kiểm tra đã xử lý, kiến nghị xử lý 247 tổ chức đảng, 441 đảng viên, chuyển cơ quan điều tra xử lý 26 vụ việc.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 6 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Các cơ quan tố tụng đã khởi tố điều tra 734 vụ/1.681 bị can, truy tố 591 vụ/1.479 bị can, xét xử sơ thẩm 1.002 vụ/2.703 bị cáo về các tội tham nhũng kinh tế, chức vụ...

Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, có 140 cán bộ diện Trung ương quản lý đã bị xử lý kỷ luật; trong đó, 40 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng; 50 cán bộ bị khai trừ ra khỏi Đảng. Nhiều tỉnh, thành, các Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, Phó Chủ tịch cấp tỉnh và nhiều cán bộ lãnh đạo các sở, ban, ngành… đã bị xử lý kỷ luật.

THAM NHŨNG, TIÊU CỰC - NHÌN TỪ CÔNG TÁC CÁN BỘ

Đa số cán bộ bị xử lý kỷ luật dính líu đến doanh nghiệp; đặc biệt, các tập đoàn kinh tế lớn, với số tiền tham nhũng rất lớn, điển hình như: Vụ Việt Á, số tiền đưa hối lộ 106 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng, trong đó thiệt hại ngân sách Nhà nước 402 tỷ đồng; vụ Chuyến bay giải cứu, số tiền hối lộ 165 tỷ đồng; vụ Vạn Thành Phát, tổng thiệt hại hơn 415.000 tỷ đồng, bị cáo Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã chiếm đoạt hơn 304.000 tỷ đồng của SCB, 88 bị cáo đưa ra xét xử; Siêu dự án Sài Gòn - Đại Ninh với tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD, hơn 10 cán bộ vướng vòng lao lý. Đặc biệt, 2 đại án: Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố và bắt tạm giam 23 bị can; vụ Công ty Cổ phần Tập đoàn Thuận An, đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can...

Hiện nay, bên cạnh những cán bộ, đảng viên mẫu mực, liêm khiết, đã và đang xuất hiện một bộ phận cán bộ, đảng viên; trong đó, có những cán bộ cao cấp tha hóa về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, hám địa vị, danh lợi, coi thường kỷ cương, phép nước và rơi vào vòng lao lý.

Nguyên nhân cán bộ tham nhũng, chung quy, có mấy nguyên nhân chủ yếu: Một số cán bộ chưa được đào tạo bài bản, chưa trải nghiệm qua sự “sàng lọc” khắt khe từ thực tiễn cuộc sống. Đây là nguyên nhân của các nguyên nhân. Trong số những quan chức bị bắt giam hay cho thôi giữ chức vụ do tham nhũng, không ít người học hành chưa tới nơi, tới chốn; trình độ học vấn chắp vá, nền tảng tri thức hẫng hụt... Bởi vậy, khi nắm quyền lực, sẽ rất dễ bị mua chuộc, rơi vào tham nhũng, tiêu cực.

Tham lam; con người ai cũng có lòng tham; song, không vơ vét những thứ không thuộc về mình, không phải của mình; phải biết kiềm chế lòng tham, phải “đấu tranh” và “chiến thắng chính mình” trước mọi cám dỗ của vật chất; nói như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, phải biết xấu hổ, liêm sĩ…

Huênh hoang, kiêu căng, không biết sợ; người dân bình thường ai cũng đều biết “Lò chống tham nhũng” đang rừng rực lửa! Là quan chức sao lại không biết sợ? Phải chăng, bởi thói huênh hoang, kiêu căng, thích khoe chức quyền, khoe của? Không ít quan chức bị bắt, khám xét, kê biên tài sản, nhiều kẻ có hàng chục biệt thự sang ở những vị trí đắc địa; hàng chục ô tô, mỗi chiếc từ vài tỷ đến chục tỷ đồng. Rõ ràng, có loại cán bộ không biết sợ, bất chấp.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN THAM NHŨNG, TIÊU CỰC

Chú trọng công tác chọn lựa, bố trí cán bộ. Vai trò, vị trí cán bộ đã được đề cập trong nhiều văn kiện của Đảng qua các nhiệm kỳ Đại hội và nhiều Nghị quyết, Quy định của Đảng. Song, cần đánh giá thật khách quan, tìm ra “lỗ hổng” trong công tác cán bộ. Việc hàng loạt cán bộ bị xử lý đã đặt ra công tác chọn lựa, bố trí cán bộ phải tiến hành cẩn trọng, có lộ trình. Đạo đức và năng lực là 2 trong số những phẩm chất quan trọng đối với mỗi cán bộ. Trong điều kiện hiện nay, cần chọn lựa những cán bộ được đào tạo bài bản, có kiến thức, năng lực và đạo đức, được cọ xát qua thực tiễn; xuất thân trong những gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng và có nề nếp, gia phong.

Quan tâm giáo dục, quản lý cán bộ; khi đã chọn lựa được những cán bộ tốt, cần tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng đạo đức, bản lĩnh cho cán bộ; đồng thời, quản lý, theo dõi sự trưởng thành của cán bộ; kịp thời kiểm điểm, phê bình, chấn chỉnh những biểu hiện “chệch choạc” trong công tác, sinh hoạt, lối sống… Phải dẹp cho được tình trạng những “ông vua con” trong bộ máy công quyền.

Tăng cường kiểm soát quyền lực; Đảng đã ban hành các Quy định về kiểm soát quyền lực; Quy định những điều đảng viên không được làm; về trách nhiệm nêu gương… Song, dường như vẫn còn “lỗ hổng”; hoặc còn “nằm” trên giấy tờ, chưa đi vào sinh hoạt, công tác và rèn luyện của cán, bộ, đảng viên? Trong kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, cần ban hành cơ chế về giám sát cán bộ có chức quyền; giao chi bộ, đảng bộ cơ sở và đảng viên giám sát lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người đứng đầu. Và, phải có cơ chế bảo vệ các tập thể, cá nhân tố cáo hành vi tham nhũng, tiêu cực, theo quy định của pháp luật…

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn gian nan và phức tạp, ngoài quyết tâm, quyết liệt, Đảng cần ban hành và áp dụng thêm những giải pháp mang tính chiến lược và thực chất. Xây dựng Đảng phải gắn với xây dựng con người, hình thành đội ngũ cán bộ mới, có đạo đức, phẩm chất, liêm khiết và có năng lực thực sự. Vấn đề này hết sức quan trọng đặt ra trước thềm Đại hội XIV của Đảng…

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập sđd, tập 14, tr 141.

[2] V.I.Lênin: Toàn tập, nxb Tiến bộ, Matxcova, 1997, t36, tr 246.