(LĐ online) - Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại phiên họp thứ 15 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ |
Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến nối đầu cầu Chính phủ với các địa phương có công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải chiều ngày 6/12. Cùng dự hội nghị tại đầu cầu Chính phủ còn có Phó Thủ Tướng Trần Hồng Hà - Phó Thường trực Ban Chỉ đạo và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Lâm Đồng hiện có 2 dự án cao tốc thuộc các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải là Dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương. Đây là hai dự án trong tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương có tổng chiều dài 200,3 km, kết nối hai tỉnh Lâm Đồng - Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh. Điểm đầu nối với cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và điểm cuối nối với cao tốc Liên Khương - Prenn.
Tại phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái đã báo cáo một số khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, tỉnh Lâm Đồng đã và đang nỗ lực khắc phục và cơ bản đã giải quyết được những khó khăn và đang thực hiện các trình tự thủ tục để có thể được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi của cả 2 dự án trong tháng 12/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Thái và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Phúc cùng lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị liên quan tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng |
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng cho biết, tại Hội nghị trực tuyến phiên họp lần thứ 14, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có 4 kiến nghị liên quan đến 2 dự án đường cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương gồm: Hướng xử lý đối với việc chồng lấn giữa quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản theo Quyết định 866 của Thủ tướng Chính phủ với dự án đường bộ cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương; về hỗ trợ cơ chế vay vốn; hướng dẫn về cơ chế đầu tư, phương án tài chính, tiêu chuẩn đánh giá lựa chọn nhà đầu tư... của hạng mục Trạm dừng nghỉ trong dự án cao tốc để phù hợp với Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP, Nghị định số 35/2021/NĐ-CP, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP; về điều chỉnh phân bổ vốn ngân sách Trung ương bố trí cho dự án thì đến nay đã có 2 nội dung đã được các bộ, ngành hướng dẫn và có ý kiến là hướng dẫn về hướng xử lý đối với việc chồng lấn giữa quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản với dự án đường bộ cao tốc và hướng dẫn về cơ chế đầu tư, phương án tài chính, tiêu chuẩn đánh giá lựa chọn nhà đầu tư,... của hạng mục trạm dừng nghỉ trong dự án cao tốc.
Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái nêu một số kiến nghị tại Hội nghị |
Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng kiến nghị Ban Chỉ đạo và đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, xem xét, có ý kiến chỉ đạo về 2 vấn đề tỉnh đã kiến nghị là hỗ trợ cơ chế vay vốn và điều chỉnh phân bổ vốn ngân sách Trung ương bố trí cho dự án.
Về hỗ trợ cơ chế vay vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị, theo khoản 3 Điều 1 Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 của Chính phủ quy định: “vốn chủ sở hữu tham gia trong quá trình thực hiện dự án tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động)...”. Tuy nhiên, theo khoản 1 Điều 77 (Luật PPP) thì quy định: “vốn chủ sở hữu tối thiểu là 15% tổng mức đầu tư dự án không bao gồm vốn nhà nước” nên khó khăn trong việc vay vốn để thực hiện dự án PPP.
Do đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có đề xuất, kiến nghị Thủ tưởng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ khó khăn về điều kiện vay vốn quy định trong Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 cho phù hợp với khoản 1 Điều 77 Luật PPP. Đến nay, Bộ Tài chính đã có Văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ để giải quyết kiến nghị của UBND tỉnh Lâm Đồng. Vì vậy, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có ý kiến chỉ đạo.
Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh dự Hội nghị |
Về điều chỉnh phân bổ vốn ngân sách Trung ương bố trí cho dự án, để đảm bảo nguồn vốn thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: UBND tỉnh đã có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh phân bổ vốn Ngân sách Trung ương bố trí cho dự án là 2.000 tỷ đồng, trong đó tỉnh Lâm Đồng là 1.580,415 tỷ đồng, tỉnh Đồng Nai là 419,585 tỷ đồng. Vì vậy, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư quan tâm sớm có ý kiến.
Trả lời câu hỏi của Ban Chỉ đạo khi nào thì 2 dự án cao tốc có thể khởi công được? Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Hồng Thái cho biết, Lâm Đồng đang quyết tâm để có thể phê duyệt được 2 dự án này trong tháng 12/2024, sau đó sẽ triển khai các thủ tục đấu thầu, dự kiến hoàn tất các thủ tục sẽ khởi công dự án vào cuối quý I năm 2025.
Lãnh đạo các sở, ngành liên quan dự Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Lâm Đồng |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm thúc đẩy tiến độ hai dự án cao tốc Tân Phú - Bảo Lộc và Bảo Lộc - Liên Khương trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thành sớm các dự án này để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng và vùng Tây Nguyên.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng cần linh hoạt trong việc lựa chọn hình thức thực hiện dự án, ưu tiên phương án nhanh nhất, hiệu quả nhất, có thể là chỉ định thầu đối với những nhà thầu đã có kinh nghiệm và năng lực thực hiện.
Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
“Nên chọn phương án nào cho hiệu quả nhất, nhất là khi nhà đầu tư người ta đã có đề xuất ngay từ đầu rồi thì không cần thiết phải đấu thầu nữa, theo đúng Luật. Lâm Đồng nghiên cứu xem như thế nào cho phù hợp. Có thể giao thầu hoặc xin chỉ định thầu, miễn làm sao cho hiệu quả thay vì cứ lòng vòng chờ đấu thầu mãi mất thời gian. Tìm những nhà thầu đã làm quen rồi, làm tốt rồi, giao cho họ làm.
Vì đây là 2 dự án chiến lược mà khi hoàn thành sẽ liên thông được các tỉnh với nhau và Lâm Đồng cũng cần phải có tuyến cao tốc này thì mới phát triển nhanh được. Vì vậy, cố gắng lựa chọn phương án nào nhanh nhất mà làm. Tôi đề nghị Lâm Đồng nghiên cứu tìm phương án nào hiệu quả nhất và mạnh dạn mà làm, đừng sợ sệt” - Thủ tướng chỉ đạo.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV với kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Năm 2025 cũng là năm về đích quyết định thành công của cả giai đoạn 2021-2025. Do đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành địa phương phải thực hiện cho bằng được mục tiêu hoàn thành ít nhất 3.000 km cao tốc, để thông tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau, đây cũng là mục tiêu có tính chất pháp lệnh, đã được đưa vào Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin