Đại thắng mùa Xuân năm 1975 và sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay - Tiếp cận từ vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần.

Đại tá, TS TRẦN SINH HUY - Học viện Lục quân 06:19, 09/01/2025

(LĐ online) - Có nhiều nhân tố làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, trong đó việc xem xét nhân tố chính trị, tinh thần có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình hiện nay. Chính trị, tinh thần của quân dân ta trong Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự hội tụ sức mạnh dân tộc không chỉ trong 20 năm chống Mỹ, mà là sự phát huy đến đỉnh cao sức mạnh của cả dân tộc được hun đúc trong mấy ngàn năm lịch sử vào chiến dịch quyết chiến chiến lược với kẻ thù. Chính trị, tinh thần của quân dân ta không đứng riêng biệt lập, mà gắn bó chặt chẽ trong mối quan hệ với các nhân tố khác, là sức mạnh tổng hợp của đất nước, của chế độ được quy tụ trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

 

Một là, nhân tố chính trị - tinh thần của quân dân ta trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

"Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tuỳ thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường. Lòng tin vào cuộc chiến tranh chính nghĩa, sự giác ngộ rằng cần phải hy sinh đời mình cho hạnh phúc của những người anh em, là yếu tố nâng cao tình thần của bình sĩ và làm cho họ chịu đựng được những khó khăn chưa từng thấy"[1]. Đó là luận điểm kinh điển của V.I.Lênin về vai trò nhân tố của chính trị tình thấm trong chiến tranh. Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, vai trò của nhân tố chính trị - tinh thần được thể hiện rõ ở hai nội dung:

Thứ nhất, trong Đại thắng mùa Xuân 1975, chính trị - tinh thần của quân dân ta là động lực to lớn, ưu thế tuyệt đối so với đối phương.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có một luận điểm nổi tiếng khi Người viết, không quân đội nào, khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân dân ta chiến đấu vì mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đại thắng mùa Xuân 1975 là sự hội tụ đến đỉnh điểm quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ quân đội và Nhân dân cả nước nhằm thực hiện mục tiêu chính nghĩa ấy. Lòng yêu nước nồng nàn, ý chí quyết tâm, niềm tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chính nghĩa đã thôi thúc quân dân ta vượt qua mọi khó khăn, gian khổ thực hiện nghiêm túc quyết tâm chiến lược của Đảng ta. Sự thắng lợi nhanh chóng của quân dân ta, sự rối loạn và thất bại nhanh chóng của quân địch trong chiến dịch Tây Nguyên những ngày tháng 3-1975, bắt đầu từ "đòn điểm huyệt" then chốt Buồn Ma Thuột, là thực tế sinh động minh chứng "ưu thế tuyệt đối" về chính trị - tinh thần của quân dân ta so với đối phương. Sức mạnh chính trị - tinh thần của quân dân ta trong Đại thắng mùa Xuân 1975 biểu hiện ở sức mạnh của những con người chiến đấu vì mục tiêu cao cả, chính nghĩa, ở tình thần quyết tâm chiến đấu cao của những con người đầy khát vọng giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, ở sức mạnh tổng hợp của đất nước nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Về nhân tố chính trị, tinh thần của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Lúc đầu, địch mạnh hơn ta gấp trăm gấp ngàn lần về vật chất. Nhưng về tinh thần và chính trị thì ta mạnh hơn địch gấp trăm gấp ngàn lần"[2]. Chính trị, tinh thần của quân dân ta không ngừng lớn mạnh và chiếm ưu thế tuyệt đối trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, được phát huy cao độ, trở thành sức mạnh áp đảo kẻ thù trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Từ một nhân tố chiếm ưu thế tuyệt đối, thế và lực không ngừng phát triển, trở thành ưu thế toàn diện áp đảo đối phương, giành thắng lợi hoàn toàn là một quy luật vận động và phát triển của nhân tố chính trị, tinh thần của quân dân ta trong chiến tranh, nhất là trong các chiến dịch quyết chiến chiến lược.

Thứ hai, chính trị, tinh thần của quân đội ta trong thắng mùa Xuân 1975 góp phần quan trọng làm chuyển hóa lực lượng, tạo thế và lực áp đảo quân địch và giành thắng lợi.

Chuyển hóa lực lượng trong chiến tranh không phải là sự đột biến tức thì mà là một quá trình chuyển hóa dần dần về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất cả về thế và lực. Nếu không có sự tích lũy về lượng thì không có sự chuyển hóa về chất. Quá trình này phụ thuộc vào nhiều nhân tố và sự vận động tổng hợp của tất cả các nhân tố: kinh tế, chính trị, văn hóa, quân sự, ngoại giao; vũ khí kỹ thuật, lực lượng và thế trận; thiên thời, địa lợi, nhân hòa..., trong đó nhân tố chính trị, tinh thần đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Tầm quan trọng của chính trị, tinh thần biểu hiện ở chỗ, nó như "chất keo" dính kết tất cả các nhân tố khác, làm cho sức mạnh của quân dân ta không phải là kết quả đơn thuần của các nhân tố cộng lại, mà là kết quả tổng hợp của tất cả các nhân tố, gắn các nhân tố với nhau, làm tăng lên gấp bội sức mạnh của quân dân ta.

Để giành chiến thắng, nhất thiết ta phải tạo ra được sức mạnh hơn hẳn kẻ thù. Trong Đại thắng mùa Xuân 1975, quân dân ta đã phát huy cao độ cái "ưu thế tuyệt đối" là tinh thần yêu nước nồng nàn, tình yêu quê hương tha thiết, ý chí quyết tâm giải phóng miền Nam và thống nhất Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân cả nước để chuyển hóa lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp hơn hẳn đối phương. Khi thời cơ giải phóng hoàn toàn miền Nam đã chín muồi, Bộ Chính trị chủ trương động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân theo tư tưởng chỉ đạo thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng, tổng công kích, tổng khởi nghĩa giải phóng hoàn toàn miền Nam trong tháng 4-1975. Bằng sức mạnh tổng tiến công của năm cánh quân chủ lực, sự phối hợp của các lực lượng vũ trang và nổi dậy của quần chúng nhân dân các địa phương, 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, quân dân ta đập tan mọi sự kháng cự của quân ngụy, ngụy quyền tay sai đầu hàng vô điều kiện, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, Chiến dịch Hồ Chí Minh giành toàn thắng.

Lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc; sự giác ngộ sâu sắc lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lập trường của chủ nghĩa; đứng vững trên lập trường của giai cấp công nhân, lập trường của chủ nhĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam; ý chí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", tinh thần quyết chiến quyết thắng kẻ thù... là những nội dung cốt lõi trong chính trị, tinh thần của quân dân ta. Đồng thời, đó còn là sự phản ánh cội nguồn cơ bản của sự hình thành, phát triển nhân tố chính trị - tinh thần của quân dân ta trong Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Toàn bộ những nội dung đó được thăng hoa, trở thành động lực trực tiếp làm xuất hiện và nở rộ những hành động anh hùng của cả dân tộc, làm nên sức mạnh thần kỳ trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Có hiểu sâu sắc vai trò của nhân tố chính trị, tinh thần trong chiến tranh mới có thể hiểu được vì sao lại phát triển, nở rộ những hình ảnh anh hùng cao đẹp, nhưng rất đỗi bình thường, giản dị gần gũi biết bao của thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, một thời ký lịch sử hào hùng của dân tộc, thời kỳ "ra ngõ gặp anh hùng", đi đánh giặc như đi "trẩy hội".

Không thể cảm nhận hết ý nghĩa cao đẹp và vĩ đại của thời kỳ lịch sử hào hùng đó, của Đại thắng mùa Xuân 1975 nếu không hiểu được sức mạnh chính trị - tinh thần được biểu hiện ở những hành động dũng cảm, kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, ác liệt, hy sinh quên mình trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất của cán bộ, chiến sĩ quân đội và các tầng lớp nhân dân ta trên khắp mọi miền Tổ quốc.

Hiếm có ở đâu trên thế giới lại dùng từ "trẩy hội" để chỉ khí thế hừng hực ra quân, tinh thần quyết chiến quyết thắng quân thù như ở Việt Nam. Đây là một nét rất đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam và cũng là một biểu hiện rất đặc sắc về sức mạnh chính trị - tinh thần của quân dân ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong Đại thắng mùa Xuân 1975.

Tinh thần ấy, khí thế ấy trong Đại thắng mùa Xuân 1975 được nuôi dưỡng suốt quá trình chiến tranh, được phát huy đến độ rực rỡ, mà cho đến bây giờ sau gần 50 năm kết thúc chiến tranh, những con cháu của thể hệ chống Mỹ vẫn cảm nhận sâu sắc và được thôi thúc bởi khí thế hào hùng đó như là nguồn động lực to lớn cho sự thể hào hùng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

 

Hai là, một số vấn đề đặt ra trong xây dựng nhân tố chính tri, tinh thần đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa của Nhân dân ta trong tình hình mới gặp nhiều khó khăn và thách thức mới. Cùng với chiến lược "diển biến hòa bình" của các thế lực thù địch, sự xuất hiện một loại hình chiến tranh mới, chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao do chủ nghĩa đế quốc tiến hành chống các quốc gia độc lập có chủ quyền trên thế giới, nhất là xung đột quân sự giữa Nga và Ukraina, đã đặt ra những thách thức mới hết sức gay gắt đối với nhân tố con người, nhân tố chính trị, tinh thần. Làm thế nào để xây dựng, phát huy được nhân tố chính trị, tinh thần, tạo nên sức mạnh tổng hợp để có thể chiến thắng địch trong "diễn biến hòa bình" và cả trong điều kiện chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao là vấn đề to lớn, đặc biệt hệ trọng đặt ra đối với nước ta trong việc hoạch định và thực hiện chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay.

Nghiên cứu vai trò nhân tố chính trị, tinh thần của quân dân ta trong Đại thắng mùa Xuân 1975, chúng ta khẳng định: (1) Một dân tộc đã từng đánh thắng hai để quốc to, đã từng làm nên chiến thắng huy hoàng mùa Xuân năm 1975, thì dân tộc ấy nhất định sẽ có đầy đủ quyết tâm và sức mạnh chiến thắng mọi sự chống phá của kẻ thù, dù chúng có thực hiện "diễn biến hòa bình" kết hợp với bạo loạn lật đổ hay liều lĩnh phát động chiến tranh xâm lược, kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao, bảo vệ vững chắc Tổ quốc thân yêu của mình. (2) Trong điều kiện mới, chiến tranh nhân dân vẫn là lời giải cơ bản cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta; sức mạnh cơ bản và vũ khí sắc bén của chiến tranh nhân dân Việt Nam bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa vẫn là chính trị, tinh thần. (3) Xây dựng, củng cố và phát huy chính trị, tinh thần của quân đội và Nhân dân là nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay, đòi hỏi phải thực thi chiến lược xây dựng, động viên chính trị, tinh thần phù hợp.

Chiến lược xây dựng, động viên chính trị, tinh thần trong điều kiện mới phải kết hợp chặt chẽ và nằm trong tổng thể chiến lược quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, là một bộ phận hợp thành sức mạnh tổng hợp quốc gia, gắn bó chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược xây dựng đất nước. Theo đó, vấn đề cơ bản hiện nay là phải ra sức củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng ta chỉ rõ, sức mạnh bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là sức mạnh tổng hợp; trong đó, sức mạnh bên trong của đất nước, sức mạnh của chế độ chính trị, sự trong sạch đội ngũ cán bộ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc là nhân tố quyết định. Hiện nay, tình hình thế giới, trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, càng cần phát huy cao độ sức mạnh bên trong, yếu tố nội lực, trong đó chính trị, tinh thần, đại đoàn kết dân tộc là sức mạnh cơ bản. Yêu cầu cốt lõi để xây dựng và phát huy cao nhất sức mạnh chính trị, tinh thần và khối đại đoàn kết toàn đân tộc là sự trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Mỗi quan hệ giữa phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên với xây dựng chính trị, tinh thần và củng cố khối đoàn kết dân tộc là mỗi quan hệ biện chứng tác động lẫn nhau.

Không thể quy tụ được lòng dân, không động viên được sức mạnh vật chất, tinh thân của toàn dân tộc trong chống "diễn biến hòa bình", cũng như trong chống chiến tranh xâm lược, nếu không có được đội ngũ cán bộ, đảng viên thực sự trong sạch, một lòng một dạ vì nước, vì dân. Đó là một bài học quan trọng về việc xây dựng và động viên chính trị, tinh thần mà chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 đã chỉ ra, cần phải được vận dụng và phát huy tốt trong thời kỳ mới.

Tài liệu tham khảo:

1. [1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.41, tr.147.

2. [2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.14, tr.77.