(LĐ online) - Mùa xuân này, nhìn lại những thành tựu cơ bản mà đất nước đạt được trong suốt gần một thế kỷ qua kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; có thể khẳng định rằng những thành quả to lớn mà đất nước và Nhân dân ta đạt được kể từ khi có Đảng chính là minh chứng chứng minh ý Đảng và lòng Dân đã hòa quyện và thống nhất với nhau.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời trong bối cảnh đặc biệt khi các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX đều bị thực dân Pháp dìm trong biển máu. Khát khao lớn nhất của các tầng lớp Nhân dân khi ấy là độc lập cho Tổ quốc, giành quyền sống, quyền tự do, quyền làm người. Bằng đường lối đúng đắn của mình, ý Đảng đã gặp lòng Dân. Hội nghị lần thứ 8 (tháng 5/1941) và quyết định chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam. Đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu, tất cả các mục tiêu, lợi ích khác đều phải phục vụ cho mục tiêu cao nhất là giành độc lập dân tộc; quyết định thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp tất cả các lực lượng, giai tầng đoàn kết bên nhau cứu nước, cứu giống nòi. Quyết định xúc tiến chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang và xem đây là nhiệm vụ trung tâm của Đảng và nhân dân ta. Tất cả những quyết sách đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của toàn dân ấy đã thúc đẩy mạnh mẽ cao trào giải phóng dân tộc để khi thời cơ đến vào năm 1945, cả dân tộc Việt Nam theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta” đã vùng lên với sức mạnh “chuyển núi, dời sông”, đập tan xích xiềng của hơn 80 năm nô lệ, lật nhào chế độ quân chủ chuyên chế tồn tại hàng ngàn năm trên đất nước ta, giành chính quyền về tay nhân dân, thành lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - Nhà nước dân chủ nhân dân ra đời gần như sớm nhất ở Đông Nam Á, đưa nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của chính mình, là người chủ thật sự của đất nước.
2. Ngay khi nước nhà vừa giành được độc lập, công cuộc xây dựng đất nước của Nhân dân ta đã phải đương đầu với muôn vàn khó khăn thử thách đó là nạn đói, nạn dốt, ngân quỹ trống rỗng, nền độc lập chưa được các nước công nhận...; thù trong, giặc ngoài. Đặc biệt, 20 vạn quân Quốc Dân đảng Trung Hoa với danh nghĩa Đồng minh vào tước vũ khí quân Nhật tràn vào miền Bắc nhưng thực chất là để lật đổ chính quyền non trẻ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu lập chính quyền tay sai bù nhìn để cai trị dân ta. Ở miền Nam, được quân Anh hậu thuẫn, thực dân Pháp nổ súng quay trở lại xâm lược nước ta sau khi đồng bào ở miền Nam mới được hưởng độc lập vỏn vẹn 21 ngày. Trong tình thế “nước sôi lửa bỏng”, vận nước “ngàn cân treo sợi tóc”; Hồ Chủ tịch cùng Chính phủ và Trung ương Đảng ta đã kịp thời đề ra những quyết sách đúng đắn: diệt giặc dốt, giặc đói; huy động tổng thể sức mạnh của nhân dân chống xâm lược. Để tập trung lực lượng đánh đuổi thực dân Pháp quay trở lại xâm lược ở miền Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên tiếp ký các điều khoản tạm thời nhân nhượng khi thì với quân Tưởng, khi với Pháp để bảo vệ độc lập dân tộc. Trong hoàn cảnh thù trong, giặc ngoài bủa vây bốn phía, bằng thiên tài lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nền độc lập của dân tộc đã được giữ vững.
Ngày 6/1/1946, trước họng súng của quân thù, cử tri cả nước đã tham gia bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên và sau đó là sự ra đời của Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định đầy đủ cơ sở pháp lý của chính quyền dân chủ nhân dân. Những quyết sách đúng đắn đó đã bảo vệ vững chắc thành quả của cách mạng đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức bước vào giai đoạn cách mạng mới với kết thúc bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, giải phóng nửa nước, đưa miền Bắc tiến lên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương vững chắc cho cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược sau này. Trước khi thực dân Pháp buộc phải ký kết hiệp định Geneve (21/7/1954) về việc lập lại hòa bình ở Đông Dương thì từ ngày 15/7/1954, tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ kẻ thù trực tiếp của cách mạng Việt Nam là đế quốc Mỹ “Mỹ là kẻ thù chính của hòa bình thế giới, ta phải tập trung lực lượng chống đế quốc Mỹ”.
Thực tế diễn ra không ngoài tiên đoán của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đế quốc Mỹ phá hoại hiệp định Geneve, hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam, dựng lên chính quyền tay sai tàn bạo ở miền Nam với âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Trước tình cảnh đồng bào và chiến sĩ ở miền Nam phải sống trong cảnh kìm kẹp, khủng bố gắt gao của chế độ phát xít bù nhìn; Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận rõ yêu cầu bức thiết của cách mạng miền Nam là phải tiến hành đấu tranh vũ trang chống lại sự đàn áp của kẻ thù. Trước tình hình ấy, Trung ương Đảng ra Nghị quyết 15 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) năm 1959 về con đường tiến lên của cách mạng miền Nam. Nghị quyết này là một bộ phận hữu cơ trong đường lối cách mạng, đường lối chống Mỹ cứu nước của Đảng ta được thông qua tại Đại hội lần thứ 3 năm 1960. Đây là một tháo gỡ quan trọng nhất tìm hướng đi đúng đắn nhất, phù hợp nhất cho cách mạng miền Nam. Nghị quyết 15 đã chuyển chiến lược từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của kẻ thù, chuyển từ thế thụ động sang thế chủ động tấn công, tạo nên bước tiến nhảy vọt cho cách mạng miền Nam đưa sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta đến toàn thắng.
3. Vào những năm giữa thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX, Đảng ta đã nhận ra những bất cập, hạn chế của cơ chế tập trung quan liêu bao cấp nên đã khởi xướng và lãnh đạo kiên trì công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, đưa đất nước vượt qua những thử thách gay gắt nhất và thu được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng đất nước. Bằng bản lĩnh chính trị của mình, Đảng ta xác định con đường đi phù hợp với cách mạng Việt Nam đó là đổi mới tư duy, đổi mới kinh tế và từng bước đổi mới về chính trị.
Từ một nền kinh tế bên bờ vực thẳm với lạm phát trên 700%; nông nghiệp, công nghiệp kiệt quệ, là nước nhân dân chủ yếu sống bằng nông nghiệp nhưng phải nhập khẩu hàng triệu tấn lương thực mỗi năm; sau gần 40 năm thực hiện đường lối đổi mới, nền kinh tế tăng trưởng cao nhiều năm liền, bước đầu đã hình thành nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ một nước nhập khẩu lương thực “kinh niên”, Việt Nam đã trở thành cường quốc về xuất khẩu gạo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc do Đảng lãnh đạo ngày càng được củng cố và tăng cường. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam đã trở thành hình mẫu tiêu biểu về xóa đói, giảm nghèo.
4. Trong những năm qua, đã xuất hiện một bộ phận cán bộ, nhất là những người có chức, có quyền suy thoái, tham nhũng, tham ô gây nhiều bức xúc trong Nhân dân. Trước tình hình ấy, Đảng ta đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, Trung ương 4 khóa XII về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, các quy định về nêu gương như 101-QĐ/TW, 55-QĐ/TW, 144-QĐ/TW về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới. Đặc biệt công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và gần đây thêm chống lãng phí mà các Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tô Lâm đã được tiến hành mạnh mẽ, đã xử lý rất nhiều các lãnh đạo cấp cao, các tướng lĩnh kể cả đương chức và nghỉ hưu. Trong những năm qua, đã không còn khái niệm hạ cánh an toàn. Công cuộc phòng, chống tham nhũng và loại trừ cán bộ hư hỏng, biến chất làm trong sạch bộ máy đã và đem lại niềm tin lớn trong Nhân Dân, củng cố lòng tin của Nhân Dân đối với Đảng. Một lần nữa, ý Đảng lại gặp gỡ lòng Dân.
Đảng Cộng sản Việt Nam từ Nhân dân mà ra và sẽ quay trở về phục vụ Nhân dân. Đảng phải gắn bó với Nhân dân bởi chỉ có vậy Đảng mới có thể ban hành những chủ trương, đường lối lãnh đạo đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Chỉ khi nào gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, khi ý Đảng, lòng Dân là một thì khi ấy Đảng mới có sức mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin