Phản bác luận điệu sai trái về quyền con người ở Việt Nam

XUÂN ĐIỆP 15:55, 03/01/2025

(LĐ online) - Những ngày qua, nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Quốc tế Nhân quyền, một số tổ chức cá nhân lại cố tình xuyên tạc, phủ nhận những thành tựu của Việt Nam trong việc thực thi các quyền con người; chúng đưa ra các thông tin, báo cáo vu cáo, xuyên tạc, trắng trợn phủ nhận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Các thế lực thù địch phủ nhận thành tựu về các giá trị lý luận, xuyên tạc quan điểm, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dân chủ, nhân quyền, các kết quả thực tiễn về quyền con người mà Việt Nam đã đạt được trong gần 40 năm đổi mới. Chúng cho rằng “tình hình nhân quyền Việt Nam là hết sức tồi tệ, hay xuống cấp nghiêm trọng”; “trong những năm qua Việt Nam tiếp tục vi phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản một cách có hệ thống”...

Xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước Việt Nam vi phạm quyền con người trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc như Việt Nam có “hai chính sách tôn giáo”; cho rằng “Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam là tạo ra cơ sở pháp lý để đàn áp, bóp nghẹt tôn giáo”; “là bước thụt lùi về tự do tôn giáo”; “nhiều văn bản pháp luật Việt Nam về dân tộc, tôn giáo không tương đồng với các công ước về quyền con người”; pháp luật Việt Nam không có điều khoản bảo đảm quyền của “người bản địa” theo Tuyên ngôn, công ước quốc tế về quyền con người của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã tham gia.

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, Nam Duy đăng tải bài viết của Việt Tân với tiêu đề “Nhức nhối tình trạng nhân quyền ở Việt Nam” để rêu rao rằng  “Việt Nam, liên tục bị chỉ trích về tình trạng nhân quyền. Chính quyền Việt Nam hạn chế nghiêm ngặt các quyền tự do cơ bản của công dân, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do hội họp và quyền tham gia chính trị. Các nhà báo, blogger và những người lên tiếng chỉ trích chính quyền thường xuyên bị đàn áp. Những hành động này vi phạm quyền tự do ngôn luận, khiến người dân không thể tự do bày tỏ quan điểm”. Rõ ràng luận điệu này của Việt Tân là hoàn toàn vu khống, cố tình quy chụp, bóp méo sự thật để công kích, gây nhiễu dư luận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam và việc xử lý những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật.

Biết rằng, những thủ đoạn xuyên tạc của đám chống phá cũng dựa vào việc hàng năm Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo nhân quyền thường niên trong đó tiếp tục nêu một số quốc gia châu Á, bao gồm Việt Nam, đã “vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống”. Trong Báo cáo nhân quyền năm 2023 được công bố vào ngày 22/4/2024, Bộ Ngoại giao Mỹ đã đưa ra nhận định thiếu khách quan cho rằng “chính quyền Việt Nam vẫn không có tiến bộ về nhân quyền”, theo đó những nội dung báo cáo cũng hết sức chủ quan, cực đoan khi đưa ra những thông tin, số liệu phiến diện, sai lệch nhằm chỉ trích, phê phán, cho rằng Việt Nam bắt, giam giữ những người vì hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội… Tính chất nguy hiểm của âm mưu, thủ đoạn này biểu hiện ở chỗ, nó dễ gây nên sự hoài nghi, ngộ nhận, mơ hồ, lẫn lộn trong nhận thức về giá trị tự do, dân chủ, dễ gây nên sự dao động về tư tưởng trong một bộ phận người dân nhẹ dạ, cả tin vào những thông tin đó để từng bước làm giảm lòng tin đối với Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.

Chúng ta không lạ gì với mục đích của đám chống phá chuyên kích động, thổi phồng, quy chụp cho rằng chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền, bắt bớ, giam cầm tuỳ tiện… khi “điểm lại” một số vụ án như vụ Hoàng Thị Minh Hồng, Ngô Thị Tố Nhiên, Thái Văn Đường, Đặng Đình Bách… với những biệt danh rất nổi và “nổ” như “nhà hoạt động vì môi trường”, “chuyên gia năng lượng xanh”, “blogger”, “tù nhân chính trị”… và để đưa ra luận điệu quy chụp rằng Việt Nam “tiếp tục hình sự hoá và bỏ tù những người bảo vệ nhân quyền bao gồm các nhà hoạt động môi trường, nhà hoạt động vì quyền của người thiểu số và các học giả trong khi các tù nhân chính trị bị đối xử tàn tệ trong tù”.

Có thể khẳng định, việc tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn xác định: “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là  chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của Nhân dân”; đồng thời coi Nhân dân là trung tâm và là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước. Từ quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực không ngừng cho việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi hiệu quả chính sách, pháp luật bảo đảm quyền con người trên thực tế. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước tích cực, chủ động tham gia vào hầu hết các công ước quốc tế về quyền con người do Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác ban hành. Các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Việt Nam cam kết thực hiện thông qua nỗ lực nội luật hóa các nguyên tắc, tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người; bảo đảm sự hài hòa giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Hiến pháp năm 2013 cùng với các luật, bộ luật được ban hành tạo khung khổ pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Các quyền dân sự, chính trị như quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm, quyền bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình, tiếp cận thông tin... đã được bảo đảm một cách chủ động trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật. Các quyền về kinh tế, xã hội và văn hóa được thực hiện một cách tích cực trong các chương trình, chính sách quốc gia, như: Bảo đảm quyền thoát nghèo; quyền về việc làm, thu nhập; quyền sở hữu; quyền được chăm sóc y tế, sức khỏe; quyền được học tập, giáo dục; quyền được tham gia vào đời sống văn hóa.

Ở Việt Nam trong pháp luật không có khái niệm “tù nhân lương tâm”, “tù nhân tôn giáo” hay “tù nhân chính trị”. Tù nhân/phạm nhân là cụm từ dành cho những người có hành vi vi phạm pháp luật, bị tòa án tuyên là có tội và phải chịu hình phạt tù theo quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Việc một người bị phạt tù là hậu quả tất yếu khi người đó có hành vi phạm tội đã được quy định trong Bộ luật Hình sự, bị truy tố, điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh theo đúng trình tự, thủ tục tố tụng. Nhà nước Việt Nam không bỏ tù một người chỉ vì họ hoạt động tôn giáo, hay bày tỏ quan điểm chính trị, biểu tình “ôn hòa” hay “nhà báo độc lập”, “nhà hoạt động môi trường”... mà chỉ xử lý những kẻ cố tình lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.