Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết nêu rõ: Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Việc Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khẳng định quyết tâm cao nhất của Đảng, Nhà nước ta trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, huy động được toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc. Chỉ sau hơn nửa tháng, ngày 9/1, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 3/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 57, nêu rõ 7 nhiệm cụ thể với các bộ, ban, ngành cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Cơ chế quản lý khoa học phải tạo động lực đổi mới sáng tạo như tinh thần “khoán 10” trong nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sinh học. Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và tạo ra giá trị kinh tế mới”.
Với một loạt mục tiêu cụ thể, đặt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo vào vị trí trung tâm của quá trình phát triển đất nước, Nghị quyết 57 không chỉ ghi nhận, động viên giới trí thức, nhà khoa học mà còn khẳng định trách nhiệm, tạo động lực để nghiên cứu và sáng tạo, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của đất nước.
Trong bất cứ chiến lược, kế hoạch nào, cơ chế, chính sách, thể chế luôn giữ vai trò then chốt, việc tháo gỡ những vướng mắc tại đây mang yếu tố quyết định thành công. Nghị quyết 57 đã đưa ra các cam kết về cơ chế, chính sách ưu tiên như cải cách thủ tục hành chính, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, khuyến khích hợp tác giữa viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng, thử nghiệm nghiên cứu. Có một điểm rất đáng chú ý đó là chấp nhận rủi ro và đầu tư mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học, điều này khuyến khích nhà khoa học mạnh dạn, táo bạo đào sâu để đưa ra ý tưởng, giải pháp mới. Điều này cũng phù hợp Kết luận số 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Nghị quyết cũng định hướng, mở ra cơ hội lớn cho giới trí thức, nhà khoa học trong các lĩnh vực nhiều hứa hẹn quyết định sức mạnh của mỗi quốc gia như: Trí tuệ nhân tạo, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số, dữ liệu lớn.
Nhìn ra các quốc gia có nhiều nét tương đồng với Việt Nam đã đạt được những bước tiến thần kỳ và trở nên thịnh vượng, có thể thấy khoa học, công nghệ là trọng tâm của chiến lược phát triển. Đầu thập kỷ 1970, Singa-pore tập trung thực hiện chính sách trả lương cao, thưởng lớn để cạnh tranh thu hút người tài với khu vực tư nhân. Đến đầu thập kỷ 1980, nước này đẩy mạnh cơ chế thăng tiến nhanh dành cho người tài. Những biện pháp này đã thu hút mạnh mẽ người tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.Với nhận thức khoa học, công nghệ là trung tâm của sự tiến bộ, không chỉ phục vụ phát triển kinh tế mà còn hiện đại hoá văn hoá, xã hội, từ những năm 1960, 1970, Hàn Quốc đã quyết tâm hiện thực hoá khát vọng phát triển đất nước thịnh vượng trên nền tảng khoa học, công nghệ với quyết tâm mạnh mẽ. Trong đó, các tập đoàn gia đình (chaebol) giữ vai trò trung tâm và được thụ hưởng những chính sách hỗ trợ tài chính, phát triển công nghiệp thân công nghệ để liên tục cải thiện công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh.
Hàn Quốc còn chú trọng xây dựng một số viện nghiên cứu được hoạt động với cơ chế đặc thù nhằm hiện thực hóa tầm nhìn phát triển đất nước trên nền tảng khoa học, công nghệ. Viện Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Hàn Quốc đã để lại dấu ấn đậm nét trong việc nghiên cứu các công nghệ sản xuất thiết thực cho doanh nghiệp, đồng thời xây dựng phương thức giáo dục mới chú trọng ứng dụng lý thuyết vào các mục tiêu thiết thực, phục vụ trực tiếp nhiệm vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Cuối thập niên 1990, Hàn Quốc đứng trước thách thức lớn buộc phải thay đổi chiến lược phát triển khoa học, công nghệ. Chính phủ Hàn Quốc xác định công nghệ thông tin là một trong những động lực chính của tương lai, mở ra kỷ nguyên mới với các ngành công nghiệp mới. Vì vậy, những quyết sách quan trọng đã ra đời mở hành lang thông thoáng để ngành công nghệ thông tin phát triển vượt bậc.
Việc Bộ Chính trị ưu tiên phát triển khoa học, công nghệ trong những năm tới nhận được sự ủng hộ của đông đảo giới trí thức, nhà khoa học và các tầng lớp Nhân dân. Tuy vậy đây cũng là sự đòi hỏi, thách thức to lớn dành cho đội ngũ trí thức, nhà khoa học Việt Nam. Nhằm đáp ứng yêu cầu của thời cuộc, giới trí thức, nhà khoa học cần không ngừng chủ động tìm tòi, cập nhật kiến thức mới, vượt ra khỏi khuôn khổ thông thường để sáng tạo. Khoa học và công nghệ luôn hướng đến mục tiêu giải quyết những vấn đề thực tiễn nóng hổi của đất nước thuộc các lĩnh vực công nghệ sinh học, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số…
Ngoài việc tạo ra những công trình khoa học mang giá trị cao, các trí thức, nhà khoa học cũng cần đóng góp tích cực, thường xuyên vào công tác hoạch định chính sách, để chính sách luôn sát với thực tiễn, có tính khả thi, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển khoa học, công nghệ.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin