Thứ 4, 02/04/2025, 04:1

Phong trào đấu tranh chính trị của thanh niên, sinh viên, học sinh nội thành Đà Lạt 1969 - 1975 (bài 1)

Hồi ký: TRỌNG HOÀNG 11:38, 29/03/2025

BÀI 1. NHỮNG CUỘC TẬP DỢT

(LĐ online) - Sau Tết Mậu Thân 1968, các cán bộ nội thành và cơ sở mật bị truy lùng quyết liệt, nhiều anh em đã thoát ly ra căn cứ kháng chiến, phong trào tạm lắng xuống, những người chưa bị lộ, những thanh niên sinh viên học sinh (TNSVHS) có tư tưởng tiến bộ hoạt động trong các tổ chức công khai hợp pháp, tham gia ứng cử nắm giữ các vị trí chủ chốt của các tổ chức công khai hợp pháp như Đoàn Sinh viên Phật tử (SVPT), Ban đại diên các trường Khoa học, Văn khoa, Sư phạm, Chính trị kinh doanh, các nhóm ái hữu (đồng hương) như Phú Yên, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Rong biển (Nha Trang), Bình Định, Quảng Trị…

Tổ chức các đợt công tác xã hội, các hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao, picnic, xuất bản báo chí như đặc san, nguyệt san… để tập họp lực lượng, thâm nhập trò chuyện, nắm bắt tư tưởng, khuyến khích những tư tưởng tiến bộ, nêu những vấn đề về dân sinh dân chủ khơi dậy lòng yêu nước chọn người tích cực làm nòng cốt để nuôi phong trào từ thấp đến cao. Đặc biệt là kể từ sau đêm 27/12/1969 tại Trường Đại học Nông lâm súc Sài Gòn, SVHS Miền Nam đã ra mắt chính thức phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” rực lửa trong vòng vây của cảnh sát Sài Gòn. Phong trào này đã lan nhanh, mạnh đến hầu hết các trường học ở các đô thị Miền Nam. Có thể nói hiệu quả, sức hút của phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” là vô cùng lớn.

Ở Đà Lạt phong trào du ca đã chuyển sang nhạc tranh đấu khá hấp dẫn và thu hút đông đảo TNSVHS vào các tổ chức công khai biến tướng, những bài hát tranh đấu đã đun sôi nhiệt huyết tuổi trẻ Đà Lạt. Những ca khúc “Hát cho dân tôi nghe”, “Dậy mà đi” và nhiều ca khúc trong tập “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã vang lên sôi sục từ trên giảng đường đại học, đến các trường trung học trong các buổi hội thảo ra đến Thung lũng Tình yêu, thác Prenn, trên những rừng thông, bên những thác đồi trong các buổi đi picnic của TNSVHS, cùng với một số ca khúc tiến bộ của Trịnh Công Sơn như “Nối vòng tay lớn”, “Huế Sài Gòn Hà Nội”... đã trở thành một trào lưu của tuổi trẻ một thời.

Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt là một tổ chức công khai hợp pháp dưới chế độ Sài Gòn trước 1975. Thị ủy Đà Lạt đã khéo léo cắm được người vào Ban Chấp hành để nắm và điều hành hoạt động của đoàn. Từ đây đã đưa nhiều đoàn viên, cảm tình cách mạng thâm nhập vào các tổ chức của Trường Đại học Đà Lạt và các trường trung học trong thành phố.

Trong ảnh: Có 4 đoàn viên TNNDCMMN đang nắm các vị trí trong đoàn SVPT Đà Lạt gồm: Hàng ngồi từ trái sang: Trương Trổ, Tổng thư ký; Nguyễn Trọng Hoàng Q. Chủ tịch. Hàng đứng: Nguyễn Hòa (thứ 2 từ trái sang),  Phan Ngọc Mậu (thứ tư). Ảnh: Tư liệu

Sau chiến dịch TK 1970, lực lượng nội thành một lần nữa bị truy lùng đánh phá, nhưng lớp trước ra đi, thì lớp sau lại tiếp tục được gầy dựng. Đầu năm 1970, sinh viên Viện Đại học Đà Lạt đã đấu tranh chống đàn áp SVHS, đòi trả tự do cho Huỳnh Tấn Mẫm (Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đang bị tù đày), tẩy chay chế độ quân sự học đường, đốt Văn phòng, đốt hình nộm quân sự học đường, chống sưu cao thuế nặng, tẩy chay văn hoá đồi truỵ, nô dịch… Mở đầu sự kiện này là cuộc hội thảo tại Viện Đại học Đà lạt do đoàn SVPT Đà lạt đứng ra tổ chức với chủ đề “Sinh viên hiện nay trước hiện tình đất nước” do Giáo sư Lý Chánh Trung là Giáo sư của Đại học Sài  Gòn và Đại học Đà Lạt thuyết trình.

Bên cạnh đó, công tác vận động trí thức cũng được chú trọng, chúng ta đã phát triển nhiều cơ sở, cảm tình cách mạng trong đội ngũ giáo chức, văn nghệ sĩ và giới chức sắc Phật giáo làm nòng cốt vận động thành lập các tổ chức công khai do các nhân sĩ trí thức tiến bộ, thậm chí là người có thế lực với nhà cầm quyền nhưng có tư tưởng bất mãn chế độ hoặc có nhận thức gần gũi với tự tình dân tộc, mà ta nắm và chi phối được đứng tên chủ trì  nhằm tập họp lực lượng đấu tranh với địch như: “Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hoà bình”, phong trào “Phụ nữ Đòi quyền sống”, “Mặt trận Bảo vệ Văn hoá Dân tộc”, “Uỷ ban Đòi cải thiện chế độ lao tù”, “Mặt trận cứu  đói”, “Tổng đoàn Học sinh Đà Lạt”… Những tổ chức này ra đời vào năm 1971, đó là những tổ chức công khai hợp pháp với chế độ Sài Gòn, nhưng lại là những tấm bình phong che chắn rất tốt cho các đồng chí của ta hoạt động bí mật trong lòng đô thị. Vừa ra đời các tổ chức này đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống độc diễn ngày 03/10/1971. Riêng Tổng đoàn Học sinh được thành lập ngay trong những ngày thành phố sôi sục xuống đường.

Trong nhiệm vụ đấu tranh nghị trường, thông qua Đội Công tác TNSVHS, Thị ủy đã chỉ đạo lực lượng nội thành tiến hành các cuộc vận động bầu cử ủng hộ cho người của ta hoặc những nhân vật có tinh thần dân tộc ứng cử và đắc cử vào các cơ quan dân cử của hệ thống chính quyền Sài Gòn như dân biểu Đinh Văn Đệ (ứng cử viên Hạ Nghị viện), nghị viên Huỳnh Văn Chùm (ứng cử vào Hội đồng Thị xã)… Thông qua đoàn SVPT, lực lượng bí mật nội thành đã vận động các các khuôn hội, sinh viên và đồng bào Phật tử đã góp một phần quan trọng giúp cho các nhân vật trên trúng cử, mang tiếng nói tiến bộ, tiếng nói đối lập đến với các diễn đàn chính trị trong lòng địch. Trong đó, lực lượng nội thành đã tham gia vận động Nhân dân  Đà Lạt dồn phiếu ủng hộ ông Đinh Văn Đệ, một nhà tình báo chiến lược của ta trúng cử vào quốc hội Sài Gòn, sau đó ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Hạ nghị viện (lúc ấy chúng tôi làm theo sự chỉ đạo của Thị ủy Đà Lạt mà không biết ông ấy là người của ta, sau giải phóng mới được biết).

Sinh viên liên Viện Đại học Sài gòn - Huế - Cần Thơ – Vạn Hạnh và Đại học Đà Lạt tổ chức hội thảo tại hồ Than Thở trong chương trình Đại hội SVPT Miền nam tại Đà Lạt năm 1970
Sinh viên liên Viện Đại học Sài Gòn - Huế - Cần Thơ – Vạn Hạnh và Đại học Đà Lạt tổ chức hội thảo tại hồ Than Thở trong chương trình Đại hội SVPT Miền nam tại Đà Lạt năm 1970
Đội Công tác xã hội của Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt – một tổ chức công khai do Chi đoàn SVHS nội thành Đà Lạt chi phối – trong một đợt công tác tại Trường Tiểu học Hà Đông (1973). Trong Đội Công tác xã hội có 4 Đoàn viên và cơ sở bí mật được bố trí tham gia làm nòng cốt: Hàng đứng thứ hai (phải sang): Thanh Phương; Hàng ngồi từ thứ hai (phải sang): Nguyễn Quang Nhàn, Nguyễn Hòa, Trương Trổ. Ảnh: tư liệu

Trên mặt trận văn hoá, lực lượng nội thành đã đẩy mạnh các hoạt động báo chí, văn nghệ, nắm Ban Biên tập của các tờ báo Tin tưởng (Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt), Tiếng gọi Học sinh (Tổng đoàn Học sinh), Tiếng nói Nhân dân Đà Lạt – Tuyên Đức (của Mặt trận Nhân dân Tranh thủ Hòa bình), Hương Quảng Ngãi (Hội đồng hương Quảng Ngãi)… xuất bản định kỳ, đưa các bài viết về hiện tình đất nước, về tình yêu quê hương dân tộc, lồng ghép các nội dung phản đối chiến tranh, phản đối “Quân sự học đường”, kêu gọi hưởng ứng phong trào đấu tranh của SVHS đô thị miền Nam, lên án các hành động đàn áp, bắt bớ SVHS…

Bên cạnh đó Đoàn SVPT đã cho in ấn, phát hành các tập bài hát “Hát cho đồng bào tôi nghe”, “Quê hương đứng dậy”, thành lập các nhóm văn nghệ, tổ chức những đêm không ngủ với chủ đề “Đốt đuốc lên để soi rõ mặt quân thù”, tổ chức nhiều hoạt động xã hội đến các thôn ấp ven Đà Lạt. Có thể nói những hình thức và nội dung trên có sức cuốn hút khá mạnh mẽ đối với TNSVHS, đi từ những họat động vui chơi hấp dẫn đến những thông tin mới lạ, những sự thật của cuộc chiến khác với những thông tin thiếu sự thật được nhai đi nhai lại nhàm chán trên đài Sài Gòn dần nâng lên thành nhận  thức mới dẫn tới ý thức chính trị.

Từ ngày 27 đến 29/12/1970, Đoàn SVPT Đà Lạt đã phối hợp với Đoàn SVPT các trường đại học toàn miền Nam gồm: Đại học Sài Gòn; Đại học Vạn Hạnh; Đại học Cần Thơ và Đại học Huế tổ chức Đại hội Sinh viên Phật tử Miền Nam Việt Nam tại Giảng đường Chùa Linh Sơn Đà Lạt (bên cạnh văn phòng Đoàn SVPT Đà Lạt và Trường trung học Bồ Đề). Phải mất khá nhiều thời gian đấu lý với nhà cầm quyền Tuyên Đức - Đà Lạt về nội dung tấm bandroll treo trước cửa hội trường từ trên cao mà đi dưới phố vẫn nhìn thấy rõ. Họ yêu cầu thay nội dung “ĐẠI HỘI SINH VIÊN PHẬT TỬ MIỀN NAM VIỆT NAM”  bằng câu “ĐẠI HỘI SINH VIÊN PHẬT TỬ VIỆT NAM” với lý lẽ “Các bạn đang sống và học tập dưới chính thể VNCH, là một quốc gia độc lập hẳn hoi”. Nhưng sinh viên thì cho là “Bất cứ người Việt Nam nào cũng đều biết đây chỉ là miền Nam Việt Nam, chỉ là nửa nước Việt Nam thân yêu mà thôi”, và trong ý thức họ muốn dùng chữ “miền Nam Việt nam” để nghe cho nó gần gũi với Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Cuối cùng bị buộc Đoàn SVPT Đà Lạt phải chấp nhận nhưng anh em đối phó bằng cách chỉ gỡ 2 chữ “Miền Nam” mà vẫn để nguyên khoảng cách và dấu vết 2 chữ MIỀN NAM khá rõ trên tấm bandroll đem treo lên trên cao trước cửa hội trường, nhìn lạ lẫm nhưng thú vị.

Tin tưởng – Tiếng nói của Đoàn Sinh viên Phật tử Đà Lạt, là tờ báo chuyển tải nội dung đấu tranh chính trị, thúc giục tinh thần yêu nước của thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt
Máy quay Ronéo của Văn phòng Đoàn SVPT Đà Lạt đã được sử dụng để in ấn báo chí, văn bản, bài hát phục vụ cho phong trào đấu tranh chính trị của TNSVHS nội thành Đà Lạt. Máy hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng.

Đại hội chia làm nhiều tổ đến các trường trung học nói chuyện, hội thảo và ca hát… Những lời ca tranh đấu được hát vang trên đường đi tới các trường, các điểm tham quan. Đêm văn nghệ diễn ra tại hội trường có hàng ngàn TNSVHS tham dự ngồi, đứng chật cả trong và ngoài hành lang, quan khách gồm có các thầy của Giáo hội Phật giáo tỉnh và Đại tá Tỉnh trưởng Nguyễn Hợp Đoàn cùng một số quan chức tùy tùng. Độc đáo nhất là 2 tiết mục của đoàn Sài Gòn “Tiếng trống hào hùng” ca ngợi những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm phương Bắc của dân tộc ta thật là trầm hùng, đầy hào khí; và hoạt cảnh “Thảm sát Mỹ Lai” tái hiện trận lính Mỹ đã giết chết trên 500 người dân ở một vùng quê tỉnh Quảng Ngãi gồm toàn phụ nữ, người già và trẻ nhỏ. Với những tiếng súng nổ chát chúa, những xác người ngã chồng lên nhau, những tiếng thét kinh hoàng xuyên thấu vào tim, đã kích động lòng người làm bật lên những tiếng hô “đả đảo quân giết người” của hàng ngàn SVHS làm chột dạ các quan chức chính quyền. Tỉnh trưởng Nguyễn Hợp Đoàn đã bỏ ra về không một lời chào lịch sự. Kết thúc đại hội mà thực chất là một đợt biểu thị ý thức chính trị của tuổi trẻ trường học miền Nam, Đại hội đã ra tuyên ngôn gồm 9 điểm khá mạnh mẽ có nội dụng tiệm cận tuyên bố 7 điểm của bà Nguyễn Thị Bình mà báo chí trong và ngoài nước thời bấy giờ đã rầm rộ đưa tin và bình luận, các điểm quan trọng nhất được ghi nhận như:

- Điểm 3: Sự hiện diện của Mỹ và đồng minh của họ tại miền Nam Việt Nam là sự nối tiếp con đường xâm lăng của Pháp tại Đông Dương trước đây.

- Điểm 4: Những nhà cầm quyền kế tiếp tại miền Nam Việt Nam không thực sự đại diện cho nhân dân miền Nam Việt Nam mà chỉ dựa vào thế lực ngoại bang để tồn tại.

- Điểm 6: Toàn quân đội ngoại quốc phải rút tức khắc, vô điều kiện ra khỏi miền Nam Việt Nam để nhân dân miền Nam Việt Nam giải quyết cuộc chiến trên tinh thần dân tộc tự quyết.

- Điểm 7: Phải có một Chính phủ đại diện đa số nhân dân miền Nam Việt Nam trước khi tổng tuyển cử để nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định chế độ chánh trị của mình.

- Điểm 9: Kêu gọi các đoàn thể chính trị, đồng bào, sinh viên học sinh trong và ngoài nước hành động tích cực nhằm chấm dứt chiến tranh để đem lại hòa bình, thống nhất, độc lập cho Việt Nam…

Buổi chia tay đầy lưu luyến và hứa hẹn thống nhất hành động giữa các trường Đại học miền Nam. Họ trao nhau lưu bút phần lớn gửi cho nhau những câu tâm huyết: “American go home!” (Mỹ cút về nước!), “Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập muôn năm” hoặc “Mình tự hào về bạn, hẹn gặp nhau trên đường tranh đấu!” và có cả những lá thư tình gửi vào lưu bút của ai đó...

 Thực sự khẩu hiệu đấu tranh đã được nâng cao trong tình hình mới. Đại hội đã thổi một làn gió mới nung nấu thêm tinh thần tranh đấu cho tuổi trẻ và đồng bào trên thành phố cao nguyên này. Cuộc tập dợt đã làm xuất hiện những nhân tố tích cực, đã kết nối được sự chỉ đạo của Thị ủy vào phong trào tuổi trẻ thành phố, tổ chức bí mật trong TNSVHS Đà Lạt dần hình thành.

(còn tiếp)